Đẩy mạnh hỗ trợ ND
Ông Sùng Chứ Thếnh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Điện Biên cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ dịch vụ và dạy nghề cho ND. Thông qua các tổ vay vốn của Hội, từ đầu năm đến nay, hơn 26.500 lượt hộ đã được Ngân hàng CSXH cho vay vốn với tổng dư nợ 354,3 tỷ đồng.
Hội đã tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT cho trên 21.000 lượt ND; cung ứng cho ND 600 tấn phân bón trả chậm... Trung tâm Hỗ trợ và Dạy nghề Hội ND tỉnh tổ chức dạy nghề ngắn hạn chăn nuôi thú y, kỹ thuật nhân giống, trồng nấm, mây tre đan, dệt thổ cẩm cho hơn 630 ND...
Thăm một số mô hình NDSXKD ở Sơn La, Điện Biên, Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường mong muốn: Những ND SXKD giỏi cần liên kết với nhau theo tổ, nhóm sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo sức lan toả trong cộng đồng...
Tại Sơn La, 8 tháng qua các cấp Hội ND đã tích cực tuyên truyền, vận động ND sản xuất, đảm bảo an ninh quốc phòng; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội NDVN như giải bóng chuyền “Bông lúa vàng”, giải bóng đá ND toàn quốc, đăng cai liên hoan “Tiếng hát đồng quê” khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc...
Về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác Hội và phong trào ND, Hội ND Điện Biên, Sơn La đề cho biết: Khó khăn nhất là việc triển khai, thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ dịch vụ và dạy nghề của Hội ND chưa chủ động; xây dựng Quỹ HTND còn lúng túng, tăng trưởng không đáng kể. Quỹ HTND toàn tỉnh Sơn La đến nay mới đạt gần 2 tỷ đồng (trong đó 1 tỷ đồng do T.Ư Hội uỷ thác), Quỹ HTND của tỉnh Điện Biên chỉ có vỏn vẹn 162 triệu đồng...
Xây dựng, nhân rộng mô hình
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường chỉ rõ, những khó khăn, vướng mắc trong công tác Hội và phong trào ND ở Điện Biên và Sơn La có nguyên nhân khách quan là đến nay nhà nước chưa có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng mang tính pháp lý để Hội ND tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội.
Về nguyên nhân chủ quan, hoạt động Hội còn hành chính hoá, năng lực đội ngũ cán bộ hạn chế; Hội chưa chủ động tham mưu, đề xuất, thuyết phục, tranh thủ sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền; chương trình công tác của Hội chưa theo kịp, bám sát chương trình, mục tiêu kinh tế xã hội của địa phương. Như việc xây dựng Quỹ HTND, Điện Biên, Sơn La còn lúng túng trong việc thuyết phục cấp uỷ, chính quyền ủng hộ.
Theo Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường: Quỹ HTND không đơn thuần là hoạt động tín dụng vay - trả mà là công cụ, phương tiện để các cấp Hội thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến ND.
Quỹ là nguồn lực để Hội xây dựng mô hình, thông qua mô hình để tập hợp, vận động, hướng dẫn ND sản xuất... “Hội không hỗ trợ thì ND vẫn phải làm, nhưng nếu có sự hỗ trợ, hướng dẫn, tiếp sức của Hội thì mô hình có ý nghĩa hơn, đó là một trong những cách tuyên truyền, vận động ND hiệu quả”- Chủ tịch nhấn mạnh.
Xóa “hành chính hóa” hoạt động Hội
Để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác Hội và phong trào ND, Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường yêu cầu Hội ND hai tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hoá, quan liêu. Trước mắt, Hội cần kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, đủ năng lực, nhiệt tình. Hoạt động Hội phải hướng mạnh về cơ sở, gắn với lợi ích ND, nắm chắc hội viên, ND.
“Không phải nắm hội viên, ND trên số lượng sổ sách mà cán bộ Hội xuống tận cơ sở, chi, tổ hội, tận hộ nắm bắt nhu cầu, hoàn cảnh, sở thích của ND để xây dựng chương trình công tác, điều chỉnh hoạt động sát với thực tiễn, từ đó có những kiến nghị, đề xuất trúng, đúng và thuyết phục. Thông qua đó, Hội xây dựng các đề án, dự án hỗ trợ ND phát triển sản xuất có hiệu quả...”- Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh.
Về dạy nghề cho ND, Chủ tịch lưu ý, các Trung tâm Hỗ trợ và Dạy nghề thuộc Hội ND tỉnh tập trung dạy các nghề nông nghiệp, hình thức ngắn hạn, tại chỗ cho lao động trung niên nông thôn. Đây là cách làm phù hợp với điều kiện, cơ sở vật chất của Hội...
Nguyễn Công
Vui lòng nhập nội dung bình luận.