Năm du lịch Sơn Tây – xứ Đoài: Điểm nhấn khai trương phố đi bộ thứ 4 ở Hà Nội

Nhật Minh Thứ tư, ngày 27/04/2022 20:38 PM (GMT+7)
Chiều 27/4, UBND thị xã Sơn Tây tổ chức Hội nghị báo chí về khai mạc Năm Du lịch Sơn Tây – xứ Đoài. Đặc biệt, thông tin về việc khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, đây sẽ là tuyến phố đi bộ thứ 4 của Hà Nội.
Bình luận 0

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thị xã Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô, có tính chất là đô thị văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng.

Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài: Điểm nhấn khai trương phố đi bộ thứ 4 ở Hà Nội

Bởi vậy, Sơn Tây tổ chức khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài và khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ góp phần phát huy hiệu quả tiềm năng về điều kiện tự nhiên, di sản văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch địa phương.

Năm du lịch Sơn Tây – xứ Đoài: Điểm nhấn khai trương phố đi bộ thứ 4 ở Hà Nội - Ảnh 1.

Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (khai trương từ ngày 30-4 tới đây) sẽ trở thành một trong 4 tuyến phố đi bộ của thành phố Hà Nội. Tuyến phố đi bộ đưa vào hoạt động sẽ phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí của người dân địa phương cũng như khách du lịch.

Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây bắt đầu từ phố Phó Đức Chính - Phan Chu Trinh - Nguyễn Thái Học với điểm đầu là cổng cũ UBND thị xã và điểm cuối là ngã ba Quang Trung - Nguyễn Thái Học (cầu cửa Tiền), với tổng chiều dài khoảng 820m; tổng diện tích khoảng 34.550m2. Thời gian hoạt động từ 19h thứ bảy đến 12h chủ nhật hằng tuần.

Các hoạt động chính dự kiến diễn ra trên tuyến phố đi bộ gồm có; biểu diễn văn nghệ, đua thuyền, câu cá, múa rối nước, đi cà kheo, các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật đương đại, ca nhạc đường phố, dân vũ, vũ quốc tế, vẽ chân dung, ký họa, thư pháp, các giải đấu vật, cờ vua, cờ tướng.

Triển lãm tranh, ảnh, sinh vật cảnh, giới thiệu sách, báo, tạp chí, hoạt động dành cho thiếu nhi, hoạt động giao lưu văn hóa xứ Đoài và các vùng miền…

Ngoài ra, còn có các hoạt động kinh doanh dịch vụ, giải khát, ẩm thực đường phố, giới thiệu mặt hàng lưu niệm, mỹ phẩm, thời trang, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Sơn Tây - xứ Đoài…

Năm du lịch Sơn Tây – xứ Đoài: Điểm nhấn khai trương phố đi bộ thứ 4 ở Hà Nội - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Huy Khánh - Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, khi xây dựng tuyến phố đi bộ, Sơn Tây đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động kết nối với các khu, điểm du lịch lân cận. Cụ thể, thị xã Sơn Tây đã liên kết với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, sân golf Đồng Mô, các điểm di tích, khu nghỉ dưỡng khu vực Ba Vì để giới thiệu du khách đến phố đi bộ Sơn Tây.

Năm du lịch Sơn Tây – xứ Đoài: Điểm nhấn khai trương phố đi bộ thứ 4 ở Hà Nội - Ảnh 3.

Ông Lê Đại Thăng – Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây cho biết thêm: "Hiện nay trên địa bàn Thị xã Sơn Tây có 244 di tích trong đó có 15 di tích cấp quốc gia đó là những thế mạnh cần được khai thác. Đặc biệt là năm kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây nên chúng tôi xác định xã hội hóa các nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang đô thị và đầu tư cho Thành cổ Sơn Tây xứng tầm với thành cổ 200 năm tuổi".

"Không chỉ xây dựng ở Sơn Tây mà chúng tôi sẽ xây dựng văn hóa gắn với liên kết vùng như Ba Vì, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Nhưng trọng tâm vẫn là quay về với Sơn Tây đúng theo tên gọi "Về Sơn Tây, về miền di sản", ông Lê Đại Thăng – Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem