Năm Quý Tỵ mạn đàm về… rắn

Chủ nhật, ngày 17/02/2013 08:06 AM (GMT+7)
BẠN ĐỌC LÀM BÁO - Thiết nghĩ nói chuyện về rắn thì không sao nói hết được. Xin đành mạn phép chỉ nói những điều “quý nhất” về rắn, âu cũng hợp với ngữ nghĩa của cụm từ Quý Tỵ 2013.
Bình luận 0

Con rắn - sinh vật lạ thường

Rắn không có chân nhưng lại di chuyển nhanh như chớp. Những con rắn độc có thân hình tuy bé nhưng nọc độc của nó có thể giết chết một con vật to khỏe trong nháy mắt.

img
 

Họ nhà rắn có thể không ăn trong một thời gian dài nhưng lại có cái dạ dày kinh người. Những đốt xương nối từ đầu đến vòm họng rắn có những sợi dây chằng nối liền nhau nên nó có thể vận động thoải mái, miệng có thể há rộng sang hai bên, nên nó có thể nuốt chửng những thức ăn lớn hơn đầu nó.

Rắn sinh sản rất mạnh và có sức sống dẻo dai. Cứ cách 2, 3 tháng rắn lại lột xác một lần, sau khi lột xác, thân hình nó dài ra như được tái sinh. Không giống những loài bò sát khác, cách thức lột da của rắn giống như người ta tháo bỏ một chiếc bít tất.

Nó cọ đầu và mũi vào những vật cứng, như đá hoặc cây cối, cho tới khi da rách và bắt đầu lột. Mục đích cơ bản của việc này là để trưởng thành, lột da cũng khiến rắn loại bỏ ký sinh trùng. Sự tái sinh này biểu hiện cho một sự hồi phục. Bởi thế biểu tượng của y học hiện đại là bức tranh con rắn quấn quanh Rod of Asclepius (cái gậy của Thần Y Thuật).

Rắn trong kho tàng dân gian

Lúc đức Phật Thích Ca còn ở nhân địa tu đạo Bồ Tát, Ngài đã từng sinh ra làm một vị đại phú ông rất giàu có và yêu thích làm việc thiện. Ngài thường lui tới những chốn chợ búa, chờ thấy con vật đáng thương nào sắp gặp nạn, sắp bị giết thịt thì vội vàng chạy tới mua về phóng sinh. Lần đó, khi nước lũ dâng cao, phú ông cứu được một con rắn, một con cáo và một con người. Nhưng về sau người thì trả oán còn rắn, cáo thì lại báo ân. Vì thế nhân gian mới có câu: “Cứu vật, vật trả ơn; cứu nhân, nhân trả oán”.

Ở Trung Quốc có khá nhiều truyền thuyết, huyền thoại về rắn. Chẳng hạn như tranh thần Phục Hy đầu người đuôi rắn, thần Nữ Oa đầu người mình rắn... Bên cạnh đó là các câu chuyện về “Ba xà”, “Minh xà”, “Phi xà”, “Qủi đạn”, “Nhân xà”, “Nhị thủ xà”, “Đại xà”… “Sơn Hải kinh - Hải nội nam kinh” viết: “Ba xà nuốt voi, ba năm mới nhả xương ra”. “Sơn Hải kinh - Trung thứ nhị kinh” thì viết: “Tiển sơn nhiều vàng ngọc, không có cây cỏ. Tiển thủy chảy theo hướng bắc, gặp Y thủy, nơi đó có nhiều minh xà, có hình dáng như rắn nhưng có 4 cánh, tiếng vang như khánh, hễ nó xuất hiện thì nơi đó sẽ bị hạn lớn.”.

Dân gian Việt Nam có khá nhiều câu tục ngữ, ca dao nói về rắn như: Thẳng như rắn bò; Thao láo như mắt rắn ráo; Oai oái như rắn bắt nhái; Bạnh như cổ hổ mang; Cõng rắn cắn gà nhà; Lẩn như rắn mồng năm; Miệng hùm nọc rắn; Rắn già rắn lột, người già người cột đầu săng; Rắn rết bò vào, cóc nhái bò ra; Đuôi ong lưỡi rắn; Rắn đổ nọc cho lươn

Truyện cười dân gian Việt Nam có câu chuyện con rắn vuông để phê phán nạn bốc phét trong xã hội. Chuyện rằng, có anh tiều phu kể với vợ rằng mình đã trông thấy một con rắn bề dài hai mươi thước, bề ngang một trăm hai mươi thước. Bị vợ cật vấn, anh ta trừ lùi để rồi quả quyết đã trông thấy con rắn dài đúng hai mươi thước, không kém một tấc, một phân nào. Chị vợ bò lăn ra cười, bề ngang hai mươi thước, bề dài hai mươi thước, thế thì là con rắn vuông rồi.

Bên cạnh đó, rồng rắn lên mây là một trong những trò chơi dân gian khá phổ biến dành cho độ tuổi thiếu nhi trong các làng quê Việt Nam ngày trước. Đây là một trò chơi gắn với bài đồng dao, yêu cầu người chơi phải nhanh nhẹn, khéo léo, đoàn kết, ý thức kỷ luật và khả năng ứng đối nhanh nhạy, nhất là đối với người dẫn đầu đoàn rồng rắn.

Tín ngưỡng thờ rắn các nước trên thế giới

Cả trong quá khứ và hiện tại, người Khmer đều tin rằng họ thuộc dòng dõi Kaudinya, một người Bà La Môn gốc Ấn và công chúa Soma hay Nagini (nàng tiên rắn), con gái của vua rắn Naga. Đây là quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa người Ấn Độ và người Khmer.

Nhưng nếu được thể hiện dưới bất kì hình tượng nghệ thuật nào trong văn hóa Khmer, thì rắn Naga nguyên thủy vẫn là biểu tượng của nguồn nước và những quyền năng mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Như một hằng số về văn hóa, vào thế kỷ XIV, tại Thái Lan vị vua đầu tiên của triều đại Sukhothai cũng đã hợp thức hóa việc lên ngôi của mình cũng bằng cách tự cho mình thuộc dòng dõi của một thủ lĩnh Thái và một nàng Nagini (nàng tiên rắn).

Thời cổ xưa, người Ai Cập cho rằng rắn là thần hộ mạng. Cho nên, trên các vương miện của các pharaoh Ai Cập đa số đều có chạm trổ hình rắn Naja bằng vàng hay bằng ngọc. Điều này được lý giải là tượng trưng cho nữ thần hiền lành, có khả năng phù hộ cho nhà vua. Atum, một vị thần nguyên thủy của người Ai Cập cũng đã được biểu trưng dưới hình thức người rắn.

Nhìn chung, người Ai Cập cổ xem rắn là một con vật linh thiêng, một vị thần tối linh. Nó biểu trưng cho sự khôn ngoan, thiêng liêng, cho nguồn năng lượng và sự sáng tạo, sự tái sinh, bất tử, vĩnh cửu. Dấu vết của tín ngưỡng này còn được tìm thấy qua các hình vòng tròn, quả cầu được chạm khắc trên hầu hết các cổng ngôi chùa ở Ai Cập (người Ai Cập quan niệm thế giới như một vòng tròn, con rắn đi xuyên qua tâm theo chiều ngang biểu trưng cho sự giao nhau bởi vũ trụ và đất liền).

Ở Đan Mạch và một số hòn đảo thuộc Anh quốc, tín ngưỡng thờ rắn gắn với các nghi lễ hiến tế. Người ta thường tổ chức các nghi lễ này tại các gò đất, gần hồ. Các ngôi đền vào dịp này thường được che chắn để tạo không gian thiêng liêng. Người ta sẽ hiến tế các vật cúng cho rắn. Những con rắn đã trở thành biểu tượng của thần thánh, và họ gọi chúng là vua rồng.

Trong đạo Phật, Đại Xà (rắn “vĩ đại”, Mahanaga) là tên gọi những người đã siêu độ và không tái sinh (rebirth) như đức Phật Tổ. Con rắn cũng có nhiều trong sự tích của Đạo Phật. Chẳng hạn, trong sự tích kể về “Bảy ngày tu đầu tiên của Đức Phật”, khi Đức Phật đang đang tọa thiền dưới cội Bồ Đề (Boddhi) thì một cơn mưa trái mùa như trút nước dội xuống thân thể ngài, đúng lúc đó một con rắn lớn bò ra khỏi nơi trú ẩn của mình, cuộn mình thành bảy vòng tròn, nâng Đức Phật lên khỏi dòng nước đang chảy xiết và dùng bảy chiếc đầu của mình làm thành một chiếc táng che chở cho Đức Phật.

Quý Tỵ - năm của vận may và thịnh vượng!

Ở Trung Quốc, rắn tuy khiến người ta chán ghét và sợ hãi nhưng nó loại là tượng trưng cho vận may và thịnh vượng. Vì thế con vật không được người ta yêu thích này dần dần xây dựng nên mối quan hệ mật thiết với con người và nó trở thành một trong 12 con giáp, xếp thứ 6, kết hợp với “Tỵ” trong 12 địa chi.

Quý Tỵ trong năm nay là kết hợp thứ 30 trong hệ thống đánh số Can Chi của người Á Đông, nó được kết hợp từ thiên can Quý (Thủy âm) và địa chi Tỵ. Trong chu kỳ của lịch Trung Quốc, nó xuất hiện trước Giáp Ngọ và sau Nhâm Thìn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem