Quả thật, chị em phụ nữ ngày nay đã được sánh vai với đàn ông trong nhiều việc, theo năng lực mà họ có, nhu cầu mà họ cần. Theo báo cáo của Ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, số trẻ em gái được đến trường ngang tầm với trẻ em trai, có ít nhất 45% số sinh viên mới tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp là nữ. Tỷ lệ nữ được tạo việc làm đạt 48% so với lao động nam.
Nếu chia đều miếng bánh “bình đẳng giới” ở tất cả các lĩnh vực thì dường như chị em cũng không “kém miếng”. Tỷ lệ đại biểu nữ tham gia Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 ở cấp xã là 21,6% (tăng 5,1% so với nhiệm kỳ 2004-2011), cấp huyện 23,8% (tăng 4,07%), cấp tỉnh 31,16% (tăng 4,4%)… Có vẻ, “miếng giữa làng” của chị em ngày càng “to” lên.
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội mở ra cho phụ nữ và đàn ông là như nhau, “can cớ” gì mà phụ nữ không phấn đấu. Đó là vì phụ nữ không thích bon chen, thích ở vị trí “bếp núc” cả ở cơ quan lẫn gia đình. Nhưng thực tế, cơ hội mới chỉ mở trên “văn bản pháp luật” chứ chưa thể hiện trong các công việc cụ thể. Hiện nay, người ở nông thôn chiếm 70% dân số, trong đó phụ nữ chiếm 50,4% (hơn 31 triệu), chiếm 48,6% số người trong độ tuổi lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, hơn 90% chị em vẫn không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Điều đó đồng nghĩa là chị em làm nhiều, nhưng thu nhập không bằng anh em.
Ngay cả khi phân tích về chất lượng miếng bánh mới thấy tuy cùng một cái bánh nhưng lại có góc ngon, góc dở, góc “thực quyền”, góc “hữu danh”. Tỷ lệ tham gia lãnh đạo của chị em tăng nhưng chủ yếu là cấp phó, phụ trách mảng văn xã, đoàn thể, chỉ làm theo chỉ đạo chứ ít khi có quyền quyết định. Ngoài ra, càng xuống thấp tới chức “trưởng thôn”, “có tiếng nói” với bà con nhân dân thì phụ nữ tham gia càng ít. Đó là vì tiếng nói của phụ nữ vẫn bị cho là “đàn bà”, không thể chỉ đạo, điều hành “đàn ông”.
Phụ nữ thành đạt nhưng gia đình không vuông tròn thì bị lên án, bài xích. Những chị em khác nhìn vào cũng “thấy oải”, dù có cơ hội thăng tiến cũng đành buông tay, lùi lại để lựa chọn gia đình. Những người phụ nữ đang bận rộn thì được vận động “thu xếp việc nhà cho khoa học”, “sắp xếp bếp núc cho hợp lý” để “cân cả hai vai”... Cuối cùng vẫn là đổ trách nhiệm lên vai nữ giới, để chị em đơn độc tìm giải pháp và gồng gánh cả trách nhiệm công việc và gia đình, thậm chí luôn phải “ủ mưu” để chồng “giúp” mình làm việc nhà.
Thế nhưng, nếu như có bất cứ chính sách nào ưu tiên nữ giới thì đàn ông lại “la làng” là chính sách gây bất bình đẳng giới, khiến đàn ông thiệt thòi, chị em được ưu ái quá. Nhưng theo các chuyên gia về giới, khi “cái cây” bình đẳng giới bị cong lệch về nam giới quá lâu thì rất cần những chính sách “uốn cong” về phía nữ giới để khi “buông tay” cái cây đó mới có thể mọc thẳng. Chân lý là thế.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.