Nâng cao chuỗi giá trị cung ứng rau, quả khu vực Tây Nguyên
Nâng cao chuỗi giá trị cung ứng rau, quả khu vực Tây Nguyên
Trần Hiền
Thứ hai, ngày 07/12/2020 15:55 PM (GMT+7)
Tiềm năng về đất đai cũng như khí hậu tại vùng Tây Nguyên mát mẻ cả 4 mùa, thích hợp để trồng rau củ quả quanh năm. Đây là lợi thế để chúng ta cung ứng rau ra thị trường trong nước đồng thời xuất khẩu ra thị trường quốc tế...
Đó là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề "Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cung ứng rau, hoa, quả tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên", do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 4/12.
Sản xuất tự phát, quy mô nhỏ lẻ
Với gần 350ha đất canh tác, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tỉnh Gia Lai đã và đang ứng dụng một số công nghệ như sản xuất trong nhà kính, nhà màng, trồng rau thủy canh… Các vùng sản xuất rau tập trung tại huyện Đăk Pơ, thị xã An Khê, TP.Pleiku (Gia Lai). Hiện đã hình thành 7 chuỗi liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Theo ông Hoàng Văn Hồng, để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm rau củ, hướng đến xuất khẩu, bà con nông dân cần suy nghĩ theo hướng sản xuất lớn, phải quy hoạch vùng sản xuất để diện tích từng loại rau phải đủ lớn, đủ sản lượng. Thứ hai, bà con cần sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật để có đủ số lượng và chất lượng rau như thị trường yêu cầu.
Chia sẻ tại diễn đàn, nông dân Phạm Tố Hữu (37 tuổi, trú tại thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai) bộc bạch: "Đến với diễn đàn, vợ chồng tôi đã mang một số loại cam, quýt do chính tay mình trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ để giới thiệu tới các đại biểu, khách tham quan nhằm nghe được tiếng nói thị trường.
Ba năm trước, vườn cam của tôi được trồng và chăm sóc theo kiểu truyền thống, khá nhiều sâu bệnh, đất đai bị chai không được tươi xốp, màu mỡ. Bên cạnh đó, vì lo ngại cho chính sức khỏe của gia đình cũng như khách hàng nên tôi đã chuyển chăm sóc vườn cam theo hướng hữu cơ".
Cụ thể, gia đình anh Hữu ưu tiên phân chuồng, hạn chế thuốc và phân bón hóa học. Không những vườn cam, quýt đạt năng suất cao, ít sâu bệnh mà đất đai cũng tươi xốp, màu mỡ hơn. "Nếu so sánh giữa hai hình thức chăm sóc trên thì mỗi năm gia đình tiết kiệm được từ 20-30 triệu đồng nhờ chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ. Về năng suất và chất lượng cam, quýt được trồng theo hướng hữu cơ cũng hơn hẳn hướng vô cơ" - anh Hữu nói.
Dù vậy, theo ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, sản xuất rau quả trên địa bàn vẫn mang tính tự phát nên quy mô nhỏ lẻ, phân tán, giá thành cao, chất lượng thấp, chưa tạo được sản lượng hàng hóa lớn. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan là một trong nguyên nhân chính dẫn đến một số sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Một điểm hạn chế lớn xét theo chuỗi cung ứng là sự cộng tác giữa những người trồng rau quả và các doanh nghiệp chế biến, bán buôn và bán lẻ thông qua hợp đồng tiêu thụ còn ít mà chủ yếu do người trồng rau quả tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Ngoài ra, hoạt động thu hoạch, phân loại, đóng gói và bảo quản rau quả chủ yếu làm theo phương thức thủ công. Thiết bị và công nghệ bảo quản còn thiếu và lạc hậu; cước phí vận chuyển rau quả cao. Những điểm hạn chế đó khiến cho tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 30%. Sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ trong nước ở dạng tươi, với tỷ lệ khoảng 90%; số còn lại dùng chế biến và xuất khẩu.
Nâng cao chuỗi giá trị
Với 19 mặt hàng rau, củ quả, HTX An Trường Phát ở xã Tân An, huyện Đăk Pơ, Gia Lai, cũng gặp khá nhiều khó khăn khi đầu tư, thu mua và bao tiêu sản phẩm.
Chị Nguyễn Tuyết Hoa - Giám đốc HTX An Trường Phát cho biết: "HTX đã và đang sản xuất theo hướng VietGAP với 19 mặt hàng. Hiện HTX liên kết sản xuất trên 50ha với 200 hộ nông dân trồng rau củ quả. HTX được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động, mối liên kết tiêu thụ sản phẩm đang ngày càng được mở rộng".
Tuy nhiên, HTX An Trường Phát cũng đang gặp khá nhiều khó khăn như: Địa bàn sản xuất trải dài, thiếu tập trung; HTX chưa có đủ tiềm lực để sản xuất rau, củ, quả cho phân khúc thị trường cao cấp; chưa có mặt bằng xây dựng kho chứa nguyên liệu, kho lạnh và nhà máy sơ chế rau, củ, quả sau thu hoạch. Ngoài ra, nhu cầu rau, củ, quả trên thị trường khá ổn định nhưng vì ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán nên kéo theo sản lượng cung ứng ra thị trường giảm.
"HTX mong muốn được các cơ quan ban ngành tạo điều kiện để nông dân có nhà lồng, nhà lưới sản xuất theo công nghệ cao để nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm và ổn định sản lượng" - chị Hoa cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên ông Hoàng Văn Hồng – Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) cho biết: "Qua đánh giá ở các vùng, chúng tôi nhận thấy Tây Nguyên có tiềm năng phát triển sản xuất rau, củ, quả rất lớn. Nhiều loại rau, hoa quả có thể trồng quanh năm. Chúng tôi mong muốn bà con nông dân thông qua diễn đàn này có thể tiếp cận được những tiến bộ kỹ thuật mới, những phương thức sản xuất mới để nâng cao hiệu quả sản xuất".
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học cũng trao đổi, thảo luận và trả lời cho bà con nông dân những khúc mắc trong quá trình sản xuất rau, củ, quả hiện nay. Để đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện nay, ông Hồng nhấn mạnh chúng ta phải sản xuất rau, quả đảm bảo chất lượng. Tiêu chí đầu tiên là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nếu xuất khẩu thì chúng ta phải suy nghĩ đến việc sản xuất rau củ đáp ứng tiêu chuẩn mà thị trường đó đặt ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.