Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo khởi động Dự án “Nâng cao năng lực vận động chính sách cho cán bộ Hội NDVN” giai đoạn 2 do T.Ư Hội NDVN tổ chức ngày 11.12 tại Hà Nội. Dự án do Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (Asia DHRRA) tài trợ kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật.
Hội phải tham gia xây dựng chính sách cho nông dânTại hội thảo, nhiều đại biểu đã khẳng định, Hội nông dân (ND) tham gia và trực tiếp xây dựng đề xuất với Đảng, Nhà nước về các chính sách cho ND là đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ. Vai trò, vị thế của Hội được nâng lên cũng bởi sự gia tăng các hoạt động vận động xây dựng chính sách cho ND.
Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng (đứng) chủ trì hội thảo.
Ông Nguyễn Hữu Việt - Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng cho hay: “Để thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư và chỉ đạo của T.Ư Hội NDVN, Hội ND tỉnh đã chủ động xây dựng dự thảo, kế hoạch 4 đề án về phát triển Quỹ HTND; nâng cao hoạt động trung tâm dạy nghề và hỗ trợ ND, trung tâm tư vấn pháp luật; xây dựng bộ máy chuyên trách trình cấp ủy để ra kết luận…”. Cách làm của Hội ND tỉnh Lâm Đồng đang được Hội ND nhiều tỉnh, thành thực hiện.
Theo GS-TS Bùi Quang Toản-Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực nông thôn Việt Nam (VietDHRRA), Hội NDVN có 3 lợi thế trong vận động chính sách cho ND, đó là: Hội nằm trong hệ thống chính trị; có tổ chức chân rết từ T.Ư đến thôn, ấp, bản, làng; hội viên đông đảo; kinh phí hoạt động hệ thống hội từ ngân sách nhà nước.
GS Toản gợi mở: “Để phát huy được 3 lợi thế trong vận động chính sách cho ND, Hội NDVN cần phải giải quyết được 3 thách thức, đó là: Thiếu hiểu biết, kỹ năng cụ thể về vận động chính sách; năng lực thực hiện còn yếu; còn ảnh hưởng sức ỳ, trông chờ từ thời bao cấp… Chính sách phải được xây dựng từ thực tiễn sinh động ở dưới chứ không phải là “ấn” từ trên xuống…”.
Hội phải giám sát thực hiện chính sáchSau 30 năm đổi mới, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã có rất nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến người ND được ban hành. Nhưng theo GS Bùi Quang Toản, hệ thống chính sách đó cần phải được rà soát lại, tìm ra những chính sách có vấn đề. “Hội phải tham gia vào việc rà soát này. Có rà soát mới biết cái nào đúng, cái nào còn dùng được, cái nào cần phải bổ sung, chỉnh sửa, thậm chí loại bỏ thay bằng chính sách mới”- GS Toản đề nghị.
"Nhóm chính sách có vấn đề: Chính sách không đi vào đời sống; chính sách không tác động đến đời sống; chính sách không còn phù hợp và chính sách thực hành tốt nhưng chồng chéo với chính sách khác...”.
GS Bùi Quang Toản
|
Lãnh đạo Hội ND các tỉnh, thành phố nhất trí việc tiếp tục tham gia xây dựng, hoàn thiện, giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật liên quan đến ND, đồng thời tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp ủy, phối hợp với các cấp chính quyền trong việc thực hiện hiệu quả hơn Kết luận 61 của Ban Bí thư; Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, các cấp hội cần tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng giải quyết một số khó khăn trước mắt của ND.
Ông Trần Đăng Sâm- Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Qua giám sát, Hội ND tỉnh thấy gần như toàn bộ số lao động được đào tạo nghề trên địa bàn không được vay vốn để làm nghề như Quyết định 1956. Hội ND tỉnh cũng muốn tham gia xây dựng chính sách bao tiêu sản phẩm cho ND…”.
Vấn đề cơ chế, chính sách bao tiêu nông sản cũng là mối quan tâm của Hội ND tỉnh Bắc Kạn, bởi hiện nay ND trong tỉnh đang gặp khó khăn trong tiêu thụ củ dong riềng. Ông Nguyễn Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cho hay, mối quan tâm của Hội hiện nay là vận động xây dựng NTM. “Cần phải có chính sách cụ thể cho xây dựng cánh đồng mẫu lớn, khuyến khích ND trồng cây màu hàng hóa… Có nâng cao được thu nhập cho ND thì việc xây dựng NTM mới thuận lợi” - ông Lộc đề nghị…
Phương Đông (Phương Đông)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.