Năng lực tài chính "trượt dốc" của 2 nhà thầu cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Thế Anh Thứ bảy, ngày 18/12/2021 16:33 PM (GMT+7)
Công ty CP Đầu tư XD và XNK 168 Việt Nam và Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên (vừa bị Cục QLXD&CLCTGT đề nghị xử lý nghiêm), đang có bức tranh tài chính liên tục "trượt dốc".
Bình luận 0

Năng lực tài chính "trượt dốc"

Một số nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn vừa mới bị Cục Quản lý xây dựng và chất lượng giao thông (QLXD&CLCTGT) báo cáo Bộ GTVT về việc xử lý nghiêm khắc vì thi công yếu kém.

Các nhà thầu bị Cục QLXD&CLCTGT điểm tên gồm có Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam (gói thầu XL2) bị đưa vào diện theo dõi đặc biệt, nếu trong tháng 1/2022 nếu không chuyển biến tích cực phải thực hiện điều chuyển khối lượng cho nhà thầu khác thực hiện.

Cùng với đó Cục QLXD&CLCTGT để nghị điều chuyển toàn bộ khối lượng công việc của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên (thực hiện gói thầu XL3) cho nhà thầu khác thực hiện.

Năng lực tài chính "trượt dốc" của 2 nhà thầu cao tốc Cam Lộ - La Sơn  - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đang được triển khai thi công. Ảnh: Thế Anh

Nguyên nhân khiến cho hai nhà thầu này bị đề nghị xử lý là do thi công tiến độ dự án chậm. Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) cho biết: "Đến nay, chúng tôi đã nhắc nhở các nhà thầu thực hiện nghiêm các quy định trong hợp đồng đã ký. Một số gói thầu do nhà thầu thi công chậm không đảm bảo đúng tiến độ đã được chúng tôi cắt và chuyển sang cho nhà thầu khác thi công".

"Việc các nhà thầu thi công chậm có nhiều nguyên nhân do tác động của dịch Covid-19, cùng với đó là do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, thiếu nguyên vật liệu đắp nền đường đã làm ảnh hưởng tới tiến độ của dự án", ông Quý cho hay.

Theo tìm của PV Dân Việt, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam là nhà thầu vừa bị nhắc tên có trụ sở tại số 63 Trần Quang Diệu, P.Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội. do ông Nguyễn Ngọc Hòa (sinh năm 1973) làm người đại diện pháp luật, kiêm chủ tịch HĐQT.

Doanh nghiệp này được thành lập ban đầu với vốn điều lệ là 6 tỷ đồng, và được tăng vốn lên 30 tỷ đồng vào tháng 7/2015, Những năm gần đây, bức tranh tài chính của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam không mấy khởi sắc khi doanh thu liên tục đi xuống.

Vào năm 2018 doanh nghiệp này có doanh thu với 283,8 tỷ đồng, nhưng những năm tiếp theo doanh thu liên tục trượt dốc vào năm 2019 và 2020 lần lượt giảm mạnh xuống còn 191,4 tỷ đồng và 104,6 tỷ đồng.

Doanh thu của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam liên tục bị sụt giảm qua các năm là do giá vốn hàng bán quá cao nên lợi nhuận lần lượt giảm từ 14,9 tỷ đồng (năm 2018), xuống còn 13 tỷ đồng (năm 2019) và 8,6 tỷ đồng (năm 2020).

Trong 3 năm gần nhất, doanh nghiệp chỉ báo lãi vào năm 2019, với số lãi 1,2 tỷ đồng. Năm 2018 doanh nghiệp lỗ 258 triệu đồng và năm 2020 lỗ 4 tỷ đồng. Tài sản được hình thành chủ yếu từ nợ khi nợ phải trả luôn chiếm hơn 74% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này trong giai đoạn 2018 - 2020 chỉ dao động từ 61 đến 71 tỷ đồng.

Tính riêng các khoản nợ năm 2018, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam nợ 182 tỷ đồng; năm 2019 nợ 229,4 tỷ đồng và năm 2020 nợ 206,8 tỷ đồng, nợ ngắn hạn chiếm phần lớn.

Năng lực tài chính "trượt dốc" của 2 nhà thầu cao tốc Cam Lộ - La Sơn  - Ảnh 2.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đang bị chậm tiến độ. Ảnh: Thế Anh

Tương tự, bức tranh tài chính của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên cũng èo ọt chẳng hề thua kém. Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên có trụ sở tại 36 Trần Đình Ân, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị do ông Nguyễn Đức Trực (sinh năm 1964) là người đại diện pháp luật, kiêm Giám đốc.

Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên có vốn điều lệ là 50 tỷ đồng, tăng vốn lên 350 tỷ đồng vào năm 2019. Trong đó ông Nguyễn Đức Trực sở hữu 97% cổ phần, tương đương 339,5 tỷ đồng. Số cổ phần còn lại (3%) thuộc về bà Lê Thị Cúc, tương đương 10,5 tỷ đồng.

Trong 3 năm gần đây, doanh thu của Hoàng Nguyên cũng sụt giảm nghiêm trọng, từ mức 108,9 tỷ đồng (2018), xuống còn 80,7 tỷ đồng (2019) và còn 19,5 tỷ đồng (2020).

Giá vốn bán hàng cao là nguyên nhân khiến lợi nhuận gộp của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên trong giai đoạn 2018 - 2020 chỉ lần lượt là 12,6 tỷ; 11,5 tỷ và 8,5 tỷ.

Lãi sau thuế của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên đạt đỉnh vào năm 2018 với 105,2 tỷ đồng, rồi sau đó đột ngột giảm xuống còn 9 triệu đồng vào năm 2019. Đến năm 2020, doanh nghiệp này báo lỗ 1,9 tỷ đồng.

Tài sản của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên vào năm 2018 đạt 190,2 tỷ đồng rồi tăng lên 195,6 tỷ đồng vào năm 2019 và giảm xuống còn 181,3 tỷ đồng vào năm 2020. Năm 2018 nợ 140 tỷ, rồi giảm xuống còn 108,7 tỷ vào năm 2019 và chỉ còn 74,4 tỷ vào năm 2020, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn.

Năng lực tài chính "trượt dốc" của 2 nhà thầu cao tốc Cam Lộ - La Sơn  - Ảnh 3.

Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Thế Anh

Chấn chỉnh thi công

Cho đến nay, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đang triển khai chậm. Cụ thể, sau khi triển khai thi công (từ 16/9/2019) dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2022, nhưng giá trị sản lượng của toàn dự án đến nay mới đạt khoảng 70,2%, chậm 8,8% so với tiến độ theo hợp đồng.

Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của mưa lũ từ năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19 và công tác bàn giao mặt bằng, Cục QLXD&CLCTGT  chỉ rõ tiến độ dự án chậm còn xuất phát từ năng lực của một số nhà thầu.

Do tiến độ thi công bị chậm nên kế hoạch hoàn thành 11 gói thầu xây lắp của cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã phải lùi lại. Trong đó, 7 gói thầu  (XL1, XL2, XL3, XL4, XL7, XL10 và XL11) dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30/6/2022; gói XL5 hoàn thành vào ngày 30/7/2022; gói XL6 hoàn thành vào ngày 30/8/2022; gói XL9 hoàn thành vào ngày 30/9/2022; gói XL8 hoàn thành vào ngày 31/10/2022;  chậm từ 3 - 6 tháng so với kế hoạch đề ra

Để chấn chỉnh công tác thi công, Cục QLXD&CLCTGT báo cáo Bộ GTVT đề nghị Ban QLDA đường Hồ Chí Minh theo dõi đặc biệt đối với Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam (gói thầu XL2) trong tháng 1/2022 nếu không chuyển biến tích cực phải thực hiện điều chuyển khối lượng cho nhà thầu khác thực hiện.

Đặc biệt, Cục QLXD&CLCTGT kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh điều chuyển toàn bộ khối lượng của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên (gói thầu XL3) cho nhà thầu khác thực hiện.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2021, Bộ GTVT cũng đã phát văn bản yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh xử lý điều chuyển khối lượng của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên (gói thầu XL3) cho nhà thầu khác triển khai thi công và ra cảnh báo đối với các nhà thầu: Công ty CP Vật tư thiết bị và xây dựng công trình giao thông 624 (gói thầu XL7); Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát và Công ty TNHH Nhạc Sơn (gói thầu XL6), Công ty TNHH Đại Hiệp, Tổng công ty XDCTGT 5 và Công ty TNHH Xây dựng Bảo Sơn (gói thầu XL11),...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem