Nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ, Tây Nguyên khô hạn đến hết tháng 8
Nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ, Tây Nguyên khô hạn đến hết tháng 8
Minh Ngọc
Thứ sáu, ngày 10/05/2024 14:45 PM (GMT+7)
Theo dự báo, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn trong tháng 7 và 8 so với trung bình nhiều năm. Ở khu vực Trung Bộ, khô hạn kéo dài đến hết tháng 8.
Thông tin này được ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu ra tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, sáng 10/5.
Theo ông Cường, tháng 1/2024, nắng nóng chỉ xuất hiện cục bộ tại khu vực miền Đông Nam Bộ. Từ tháng 2 đến nay, đã xuất hiện 3 đợt nắng nóng diện rộng tại khu vực Đông Nam Bộ vào các ngày từ 13-19/2; ngày 22/2-4/3 và đặc biệt từ ngày 8/3 đến 10 ngày đầu tháng 4/2024 khu vực Nam Bộ liên tục xuất hiện nắng nóng trên diện rộng kéo dài.
Tại khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên có ngày xuất hiện nắng nóng cục bộ, với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 35 -37 độ C, có nơi trên 38 độ C; riêng ngày 5/3 ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng diện rộng, sang ngày 6/3 nắng nóng duy trì ở khu vực Trung Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 36 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Đáng chú ý từ ngày 31/3 đến ngày 4/4 khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ xuất hiện nắng nóng diện rộng. có nơi nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi từ 40 - 41 độ C.
Ông Cường dự báo thời gian tới nắng nóng gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Nắng nóng tại khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì nhiều ngày trên khu vực đến khoảng nửa đầu tháng 5. Khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn trong tháng 7 và 8 so với TBNN, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng 8 ở Bắc Bộ và từ tháng 9 ở khu vực Trung Bộ.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tình trạng khô hạn còn tiếp diễn đến nửa đầu tháng 5. Ở khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài đến hết tháng 8.
Về bão và áp thấp nhiệt đới, từ nay đến tháng nửa đầu tháng 6 ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông. Từ khoảng nửa cuối tháng 6 khả năng sẽ có bão và ATNĐ trên Biển Đông. Năm 2024, dự báo có khoảng 11-13 cơn trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và ATNĐ có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9-11/2024).
Tăng cường chất lượng dự báo
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, để phòng, chống, ứng phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố, thời gian tới cần tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai thực hiện văn bản pháp luật và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai. Tham mưu kiện toàn tổ chức, hoạt động của BCĐ phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng thường trực BCĐ phòng thủ dân sự, BCH phòng thủ dân sự các bộ, các cấp ở địa phương sau khi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự ban hành, đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả, không để gián đoạn trong chỉ đạo, tham mưu ứng phó với thiên tai, sự cố, dịch bệnh. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai.
Tổ chức chỉ đạo, chỉ huy điều hành và triển khai hiệu quả công tác ứng phó với các trận thiên tai lớn. Báo cáo, tổng hợp thiệt hại, đề xuất các biện pháp khắc phục khẩn cấp, hỗ trợ trung, dài hạn. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả. Triển khai hoạt động các Tổ công tác kiểm tra việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý trường hợp phân bổ, sử dụng không đúng phạm vi, đối tượng hoặc triển khai thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng. Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, năm 2023 không có bão đổ bộ vào Việt Nam nhưng có nhiều bất trắc so với trước đây, ngập cục bộ, nóng kỷ lục, xâm nhập mặn và sạt lở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra gay gắt. Trên bình diện chung, việc ứng phó với thiên tai hiệu quả hơn. Chất lượng dự báo có tiến bộ. Từ Trung ương đến địa phương đã chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận.
Các tồn tại cần lưu ý như: Nhận thức về thiên tai chưa đồng bộ, còn trường hợp chủ quan. Kiểm tra, giám sát, đôn đốc còn nơi chưa làm tốt. Một số quy định pháp luật chưa thông suốt, còn chồng chéo. Trên bình diện chung cả nước, khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng còn bất cập.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, trong năm 2024, cần kiện toàn bộ máy theo Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Sớm xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự, đảm bảo hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật, trong đó có một số cơ chế chính sách cần phải làm mới. Đẩy mạnh truyền thông, thông tin để nâng cao nhận thức của tất cả mọi người, trước hết là cán bộ thực hiện nhiệm vụ, sau đó đến nhân dân, với hình thức hợp lý, hiệu quả hơn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trước mùa mưa lũ; thường xuyên rà soát các kịch bản phòng chống thiên tai.
Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và các ngành có liên quan tăng cường chất lượng dự báo kịp thời, chuẩn xác nhất. Nâng cao năng lực điều hành của từng bộ, ngành, địa phương. Huy động nguồn lực đầu tư để chia sẻ người bị sự cố, thiệt hại.
Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác dự báo; quan tâm hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, các viện trợ cho công tác phòng chống thiên tai của Việt Nam...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.