Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm
An Giang có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp gần 16.820 ha; gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, phân bố chủ yếu trên địa bàn của các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, thị xã Tịnh Biên, thành phố Châu Đốc.
Rừng và đất rừng của An Giang tuy không lớn so với các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với sự phát triển của du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như phục vụ cho an ninh, quốc phòng biên giới.
Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang, cho biết: Mùa khô năm 2024, An Giang đã xác định tổng diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy với diện tích gần 7.370 ha, chiếm 43,70% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Tại những cánh rừng trên địa bàn tỉnh An Giang hiện nay nhiều tán rừng đã bị khô héo, lá cây đã khô chuyển sang màu vàng; cỏ dưới tán rừng cũng đã chết khô làm cho lớp thực bì càng dày thêm, chỉ một đốm lửa nhỏ là sẽ bốc cháy và cháy lan rất nhanh.
Bên cạnh đó, vào mùa khô người dân thường đốt cỏ để làm rẫy; đốt rơm, rạ; vào rừng lấy mật ong; đặc biệt, với đặc thù của địa phương là có nhiều chùa chiền, các khu, điểm du lịch nằm xen lẫn trong các khu rừng, việc bất cẩn sử dụng lửa, đốt nhang, đốt giấy vàng bạc … luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.
Ông Thái Văn Nhân cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 15 vụ cháy rừng. Các vụ cháy đều nhỏ, được phát hiện kịp thời, không để cháy lan ra diện rộng.
Ông Lương Văn Tươi, Phó Trưởng trạm Trạm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cho biết: Hiện đơn vị đang quản lý khoảng hơn 22ha rừng. Hiện, đang là cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy rất cao.
Trạm cũng đã xác định những vùng trọng điểm, điểm nóng, như khu vực núi Phú Cường (ấp Phú Cường xã An Nông, thị xã Tịnh Biên) diện tích rừng ở khu vực này chịu khô hạn nặng nề, cây khô trụi lá, phía dưới mặt đất cỏ cũng khô úa, tạo lớp thực bì dày; hay khu vực rừng tràm Trà Sư có điểm du lịch cho khách tham quan thực tế; tại những ngôi chùa có thắp nhang đèn, đốt vàng mã… để phòng ngừa khi có sự cố xảy ra thì dùng để chữa cháy ban đầu. Đặc biệt, khu vực rừng núi thuộc Tịnh Biên, Thoại Sơn, Tri Tôn địa hình đồi dốc, đi lại khó khăn, nguồn nước thiếu nghiêm trọng
Ứng trực 24/24h để bảo vệ rừng
Trước nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm, để phòng chống cháy rừng, ông Thái Văn Nhân cho biết: "Để tăng cường công tác phòng cháy rừng, Ban quản lý rừng phối hợp với kiểm lâm, các địa phương, đặc biệt là Ban quản lý rừng phải ứng trực 24/24h, với 100% quân số để phòng chống cháy rừng và nếu có sự cố thì kịp thời tham gia chữa cháy.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các đối tượng vào rừng bắt ong; đồng thời tuyên truyền cho bà con sống trong rừng và ven rừng cảnh giác với củi lửa. Đây là mối nguy tiềm ẩn nguy cơ cháy cao, chỉ cần một chút sơ hở là sẽ cháy và cháy lớn".
Bênh cạnh, để làm tốt công tác phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2024, Ban quản lý rừng đã xây dựng và triển khai thực hiện 5 phương án bảo vệ rừng - phòng chống cháy rừng. Các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án để tăng cường và ứng trực công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cũng như bố trí dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024.
Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và thuê mướn nhân công đổ nước bổ sung vào các bồn dự trữ nước do hộ nhận khoán quản lý và phát dọn cỏ vệ sinh làm giảm vật liệu cháy trong rừng; xây dựng đường băng cản lửa và đường tuần tra phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng và đồi núi.
Là một người dân suốt 10 năm liền tham gia lực lượng phòng chống cháy rừng tại chỗ của địa phương, ông Đỗ Văn Tài, ấp Phú Cường, xã An Nông, TX.Tịnh Biên chia sẻ: "Năm nay ngừng mưa sớm, thời tiết gay gắt, nắng hạn cũng kéo dài nên rừng trên Phú Cường lớp thực bì rất dày và khô, chỉ cần một tàn thuốc, bụi tro còn lửa nhỏ cũng có thể bốc cháy.
Để phòng chống cháy rừng, tôi cùng anh em bên Ban quản lý rừng, Kiểm lâm và các lực lượng của xã An Nông hàng ngày đi tuần tra để nhắc nhở bà con phòng chống cháy, không cho người bắt ong lên núi vào mùa này. Nếu không may có đám cháy thì huy động bà con trong xóm để cùng dập liền tại chỗ".
Hiện nay, Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang đã bố trí dụng cụ, phương tiện và hợp đồng phòng cháy chữa cháy rừng tại gần 200 điểm gồm: 28 máy chữa cháy đồng bằng và đồi núi; 65 máy chữa cháy đeo vai; 14 máy thổi gió cầm tay và đeo vai; 1 xe chữa cháy tự chế; 1 xe bán tải; hơn 2.600 can nhựa 10 lít và một số dụng cụ thủ công khác… Đồng thời, xây dựng 3 cầu tạm phục vụ cho công tác tuần tra chống chặt phá và phòng cháy chữa cháy rừng tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.