Nắng nóng, một loại rau mọc dại ở Nghệ An có công dụng giải độc có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết

Thứ năm, ngày 22/06/2023 19:00 PM (GMT+7)
Những ngày nắng nóng đỉnh điểm này, người dân xã miền núi Tiến Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) lên đồi đào rau má về bán cho thương lái, thu về hàng trăm nghìn đồng/ngày. Nhu cầu sử dụng rau má trong mùa hè tăng cao, nên rau má tươi có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết.
Bình luận 0

Về xã miền núi Tiến Thành, huyện Yên Thành những ngày nắng nóng này, bắt gặp nhiều chị chở từng bao tải đầy rau má tươi từ các khu vực đồi núi về bán cho thương lái.

Theo chân bà con, chúng tôi đến gia đình anh Lê Văn quyền và chị Trần Thị Thuần ở xóm Tây Bắc Tiến, xã Tiến Thành là thương lái chuyên thu mua rau má. 

Chị Thuần cho biết, sau khi thu mua, chúng tôi thuê nhân công sơ chế bằng cách rửa thật sạch, đem phơi nắng. Trời nắng nóng như thế này, chỉ cần phơi 2 nắng là rau má khô giòn, đóng gói nhập cho các cơ sở chế biến nước uống giải nhiệt mùa hè.

"Rau má nhập cho các cơ sở chế biến đòi hỏi phải già thì bột mới thơm, ngon nước. Thời điểm thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước rau má nhiều, nên có bao nhiêu cũng thu mua hết, nhưng nguồn cung ở đây chưa đủ nhu cầu cho các cơ sở chế biến. Rau má sau khi sơ chế, phơi khô bán nhập cho các cơ sở chế biến với giá 170.000 - 200.000 đồng/kg (8 kg tươi, sau khi phơi khô được 1 kg). Tuy nhiên mùa thu mua chỉ đến tháng 8 là hết", chị Thuần cho hay.

Bà Lê Thị Hoà, người dân xã Tiến Thành cho hay, trên những diện tích keo sau thu hoạch, rau má mọc nhiều vô kể. Đào rau má chỉ cần dụng cụ thô sơ như cuốc, liềm, đào đến đâu nhặt đến đó. Những người đi đào rau má thường là phụ nữ trung tuổi. Mỗi ngày một người có thể đào được 20 - 30 kg, được thương lái thu mua tại chỗ với giá 15.000 đồng/kg.

Nắng nóng, một loại rau mọc dại ở Nghệ An có công dụng giải độc có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết - Ảnh 1.

Rau má được sơ chế bằng cách rửa sạch đất đá và nhặt hết lá vàng ngay tại chỗ. Ảnh: Xuân Hoàng

"Do thời tiết nắng nóng, nên hàng ngày tui đi từ sáng sớm đến 9h là nghỉ, buổi chiều đi từ 16h đến gần tối mới về. Hôm nào ít cũng được 20 kg, nhập ngay cho thương lái được 300.000 đồng, có tiền trang trải cuộc sống", bà Hoà chia sẻ.

Theo vợ chồng anh Lê Văn Quyền cho biết, ngoài xã Tiến Thành thì bà con một số xã lân cận như Mã Thành, Lăng Thành và một số xã miền núi của huyện Quỳnh Lưu cũng đi đào rau má để nhập.

Ông Phan Văn Vũ - Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: Là xã miền núi, từ nhiều năm trước, bà con nhân dân đã trồng khá nhiều diện tích keo lấy gỗ và dứa. Đặc điểm của cây rau má là ưa mọc trên những diện tích rừng keo sau thu hoạch và dưới gốc dứa, do vậy người dân trong xã tranh thủ đi đào về bán cho thương lái. 

Những người đi đào thường là những phụ nữ tuổi trung niên. Thương lái thu mua rau má cũng là người địa phương nên thuận lợi cho bà con trong việc tiêu thụ.

Nắng nóng, một loại rau mọc dại ở Nghệ An có công dụng giải độc có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết - Ảnh 2.

Sau khi rửa sạch, rau má được phơi khô ngoài nắng. Ảnh: Xuân Hoàng

"Rau má nhiều và ngon nhất vẫn là vào thời điểm tháng 3, tháng 4, bởi lúc này rau má đang non, có thể dùng để chế biến thức ăn. Vào thời điểm này rau má đã già, một số thương lái trong xã thu mua để sơ chế bán cho các cơ sở chế biến bột, là điều kiện cho một bộ phận người dân có nguồn thu nhập. Rau má trên đồi mọc tự nhiên nên chất lượng đảm bảo", ông Phan Văn Vũ chia sẻ.

Nắng nóng, một loại rau mọc dại ở Nghệ An có công dụng giải độc có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết - Ảnh 3.

Rau má phơi khô được đóng bao bì, nhập ngay cho các cơ sở chế biến bột rau má với giá 170.000 - 200.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Hoàng

Xuân Hoàng (Báo Nghệ An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem