Nên chăng “xã hội hóa” coi thi?

Thứ hai, ngày 18/06/2012 20:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong khi ngành giáo dục chưa đủ khả năng để tổ chức thi cử nghiêm túc thì cũng cần có sự hỗ trợ của những thầy giáo, học sinh như nhóm thầy Đỗ Việt Khoa và thí sinh quay clip gian lận ở Bắc Giang....
Bình luận 0

Về vụ gian dối thi cử ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang), Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận cho rằng là nghiêm trọng...

img
 

Tuy nhiên, Bộ trưởng GDĐT cũng cho rằng việc phát tán trên mạng nhiều clip như vậy làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp khó khăn, đồng thời ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là các học sinh nhỏ tuổi. Còn việc xử lý thí sinh quay clip sẽ theo hướng "giúp các cháu nhận ra sai phạm, làm bài học và trở thành người tốt".

Ngược lại, trả lời báo chí, ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp khẳng định, học sinh là người có công trong phát hiện tiêu cực, chống sai phạm trong thi cử thì không những không kỷ luật mà phải khen thưởng, tôn vinh. Đồng thời cần phải có ngay biện pháp thích hợp để bảo vệ an toàn cho đương sự. Nhà nước, xã hội và những người có trách nhiệm không thể hời hợt, vô cảm trước những số phận này được.

Theo phân tích của ông Sơn, các em quay video clip đưa thiết bị điện tử vào không phải nhằm mục đích quay cóp, mà ghi hình làm chứng cứ gian lận thi cử. Cho nên, nếu quy kết học sinh quay clip có vi phạm là sai về bản chất, không thuyết phục.

Quan điểm tôn vinh của ông Lê Hồng Sơn đưa ra có sức thuyết phục hơn là kết tội. Hãy thử nhìn lại sẽ thấy, nếu như không có bằng chứng của các em thì sẽ không lộ diện một sự thật đáng buồn, đáng lo trong thi cử, ít nhất là tại Bắc Giang. Từ trước đến nay chỉ nghe nói đến gian lận thi cử, nhưng không có gì làm bằng chứng. Nếu như xử lý thí sinh quay clip theo hướng ông Phạm Vũ Luận chỉ đạo, thì còn ai dám tham gia chống tiêu cực. Đối với lứa tuổi trong sáng của các em, chỉ nên động viên những việc việc làm có ý nghĩa tốt đẹp, chống lại cái xấu, cái ác, đừng nên giết chết tư tưởng đó ngay từ trong trứng nước như vậy.

Việc các học sinh quay video clip không chỉ giúp phát hiện gian lận tại một điểm thi, mà từ đây, chính câu chuyện về hành động dũng cảm của các em sẽ làm cho kẻ gian, kẻ xấu phải lo sợ. Không riêng gì ở Bắc Giang, mà từ nay, bất cứ ở trường thi nào, những kẻ xấu đều lo ngại về việc bị quay video clip nên sẽ hạn chế được tiêu cực.

Trong khi ngành giáo dục chưa đủ khả năng để tổ chức thi cử nghiêm túc thì cũng cần có sự hỗ trợ của những thầy giáo, học sinh như nhóm thầy Đỗ Việt Khoa và thí sinh ở Bắc Giang. Hãy xem như đó cũng là cách “xã hội hóa” coi thi vậy!

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem