Tôi ra nghĩa trang làng thắp hương trên mộ mẹ. Mỗi lần ra nghĩa trang lại thấy khác, vì có thêm những người nằm xuống, vì những ngôi mộ cũ được xây lại to đẹp hơn.
Giữa những ngôi mộ vươn lên về chiều cao bao quanh, mộ mẹ tôi vẫn là một ngôi mộ hình chữ nhật xây bằng xi măng, phía đầu bia mộ có một bóng cây che. Tôi thắp hương cầu khấn mẹ phù hộ cho con cháu, gia đình, khói hương lan tỏa khắp cánh đồng quê, thấm vào tận lòng tôi nhớ mẹ. Tôi cũng không quên cắm hương cho cả những ngôi mộ nằm kề, sống có họ hàng làng xóm, chết xuống vẫn có làng xóm họ hàng, phong tục bao đời nay ở làng quê Việt là vậy.
Một nén hương tưởng nhớ người đã mất là cây cầu nối tâm linh giữa cõi trần và cõi âm. Mồng một ngày rằm, hay ngày cúng giỗ, nén hương thành kính tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn, và gợi nhắc người sống phải sống cuộc đời có ân nghĩa, lương thiện. “Những người chết là vô hình nhưng không vắng mặt” khi họ vẫn được người sống nhớ đến, nhắc đến trong cuộc sống thường ngày, trong những vui buồn kiếp người, trong những sướng khổ nhân sinh. Một nén hương tỏa mùi thơm là đủ một cõi nhớ. Đâu cứ phải đốt thật nhiều khói hương nghi ngút, đốt thật nhiều vàng mã, mới là tỏ lòng thành kính, nhớ thương.
Vậy mà nay cái tục thắp hương thiêng liêng, trong sạch đang trở thành một cái tệ đốt vàng mã, đồ cúng phô trương, cốt là để cầu cho người sống phát tài phát lộc, cốt là để khoe của khoe giàu. Cố nhiên, mỗi người, mỗi nhà có quyền tự do cúng tế cho người đã khuất của nhà mình. Nhưng việc hương khói, thờ cúng là việc tâm linh, là việc làm từ cái tâm và cái tình, là sợi dây nối liền tình cảm, tinh thần, nó cốt ở hương hoa, không phải nặng về vật chất, không phải trần tục một cách phàm tục.
Mỗi ngày rằm tháng Bảy “xá tội vong nhân”, khi thắp một nén hương lên bàn thờ tổ tiên, thắp cả cho những người thất cơ lỡ vận, sẽ quý giá hơn nhiều, thấm thía hơn nhiều hàng đống giấy đã bị tiêu tốn trong ngọn lửa của “tham, sân, si” ngay cả trong một việc thành kính.
Phạm Xuân Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.