Trong tâm thức của đồng bào Cống, ngôi nhà sàn giữ một vị trí thiêng liêng và bao giờ hướng nhà cũng phụ thuộc vào tuổi của chủ gia đình, thường nhìn xuống chân núi hoặc ngoảnh ra sông, nằm cạnh nguồn nước trong nhưng không phải là dòng suối lớn.
|
Nhà sàn dân tộc Cống. Ảnh: Vanhoadantoc |
Kiến trúc của nhà sàn người Cống được xây dựng theo mô thức 4 mái cổ xưa, lợp bằng các tấm lợp bện từ cây cỏ, nguyên vật liệu chính để làm nhà là các sản phẩm được khai thác từ rừng (gỗ, tre, nứa, mây, tranh, lá cọ…). Toàn bộ ngôi nhà được đặt trên hệ thống cột chịu lực và ngăn cách với mặt đất bởi một hệ thống sàn cao khoảng 1,5m. Một ngôi nhà dài được chia thành 3 hoặc 4 gian.
Gian trong cùng là gian có buồng ngủ của bố mẹ và bếp nấu ăn. Gian giữa có bếp sưởi là nơi tiếp khách, nơi ngủ của khách. Bên cạnh nơi ngủ của khách là buồng của con trai cả và vợ, rồi đến buồng của con thứ... Con gái và rể (ở rể) ngủ ở gian ngoài cùng gần cửa ra vào. Các gian được ngăn cách bằng các phên vách bằng lá hoặc gỗ. Hai đầu nhà có hai chái dạng hình khum tròn nhưng toàn ngôi nhà chỉ có một cửa ra vào và một cửa sổ ở gian giữa.
Nét độc đáo của nhà sàn người Cống là bao giờ cũng có một cái sàn nhỏ ở phía sau hàng cột trên cùng, cao hơn sàn chính chừng 20cm, rộng chừng nửa gang tay người lớn, cấu tạo bằng cách kê một cây gỗ dọc chạy suốt hai đầu nhà rồi dùng những thanh gỗ ngang gác lên hai bên, phía trên đặt dát tre, vầu theo chiều dọc. Bàn thờ trong ngôi nhà sàn của đồng bào Cống được đặt tại các vị trí không giống nhau mà tùy theo từng họ.
Theo phong tục, mọi sinh hoạt chung của gia đình người Cống đều tập trung ở gian khách của ngôi nhà sàn nên ở gian này bao giờ cũng phải có một cây cột rất to, nơi để buộc chum rượu lớn vào cho chắc chắn. Khi gia đình có con trai lớn lấy vợ mà chưa có điều kiện ra ở riêng thì đôi vợ chồng đó vẫn ở chung với bố mẹ nhưng chỉ được tối đa là đến khi có con nhỏ sẽ phải tách ra ở riêng...
Vinh Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.