Nếu bị phạt tù treo, BS Hoàng Công Lương có được tiếp tục làm việc?

PV Thứ năm, ngày 24/05/2018 16:40 PM (GMT+7)
Nhiều bạn đọc thắc mắc, nếu bản án cuối cùng dành cho bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn là 30 đến 36 tháng nhưng cho hưởng án treo thì liệu người này có được tiếp tục làm việc.
Bình luận 0

Sáng qua (23.5), tại phiên xét xử ngày thứ 7 vụ chạy thận khiến 9 người tử vong ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đại diện viện kiểm sát đã tiến hành đề nghị mức án đối với 3 bị cáo. 

Cụ thể, vị đại diện VKS công bố, bác sĩ Hoàng Công Lương đã phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. VKS đề nghị phạt bác sĩ Lương từ 30 đến 36 tháng tù, cho hưởng án treo.

img

VKS đề nghị phạt bác sĩ Lương từ 30 đến 36 tháng tù, cho hưởng án treo. Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết, anh rất thất vọng về mức án mà viện kiểm sát đề nghị.

Kết thúc phiên xét xử, trả lời phóng viên, bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết, anh rất thất vọng về mức án mà viện kiểm sát đề nghị.

Sau thông tin này, nhiều người đặt câu hỏi, nếu sau khi kết thúc vụ án mà bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn bị tuyên 30 đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, liệu bác sĩ này có được tiếp tục làm việc.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của Bộ luật Hình sự, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần buộc phải chấp hành hình phạt tù.

Trong thời gian thử thách, tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục.

Nếu tòa án không áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo Điều 30 và Điều 36 Bộ luật Hình sự, thì về nguyên tắc người được hưởng án treo vẫn có quyền đảm nhiệm chức vụ hoặc làm bất cứ nghề gì phù hợp với khả năng của mình.

Luật Thi hành án hình sự về việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo cũng quy định, người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương, nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình làm việc trước khi phạm tội thì được bố trí công việc phù hợp với yêu cầu, mục đích giám sát, giáo dục và được hưởng chế độ của cán bộ, công chức, quân nhân, người lao động làm công ăn lương theo công việc mà mình đảm nhiệm.

Pháp luật quy định thời gian thử thách, những hạn chế về quyền công dân của người được hưởng án treo, tuy không cấm nhưng cũng không quy định cụ thể trong thời gian thử thách người được hưởng án treo có được đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề “cũ” mà trước khi phạm tội họ đã đảm nhiệm.

Như vậy, không có quy định nào cấm người được hưởng án treo đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề trong thời gian thử thách.

Từ những phân tích trên, luật sư Hòe cho rằng, nếu bản án cuối cùng dành cho bác sĩ Lương vẫn là 30 đến 36 tháng, cho hưởng án treo và không có hình phạt bổ sung là cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì bác sỹ này vẫn được làm việc như bình thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem