Nếu con bạn thích ảo thuật, nhất định phải mua cuốn truyện này!

Khánh Thư Thứ ba, ngày 05/07/2016 14:55 PM (GMT+7)
Truyện dài “Những đứa trẻ mắc zịch” của Trần Nhã Thụy ngay từ tên gọi đã gây ấn tượng khi sử dụng lối biến âm tinh nghịch giữa “mắc zịch” với “magic” (ảo thuật).
Bình luận 0

Bỗng một ngày đẹp trời, nhà văn, nhà báo Trần Nhã Thụy bất ngờ chuyển qua viết truyện cho trẻ em. Cuốn “Những đứa trẻ mắc zịch” trước hết được tác giả dành tặng cho hai cậu con trai của mình, sau đó là dành tặng cho tất cả những bạn trẻ yêu thích trò ảo thuật, đặc biệt là ảo thuật đường phố.

img

Nhà văn Trần Nhã Thụy - tác giả của các tiểu thuyết "Sự trở lại của vết xước", "Hát"... đánh dấu lần đầu chuyển sang viết cho trẻ em với truyện dài "Những đứa trẻ mắc zịch”

Vốn là những người bạn chơi với nhau cả mấy chục năm, chính nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - một cây viết vô cùng hút “fan nhí” - cũng không khỏi bất ngờ đối với tác giả tiểu thuyết “Sự trở lại của vết xước” về "cú đột phá" mới mẻ này. Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ: “Khi viết cuốn sách trẻ em đầu tay, Trần Nhã Thụy cũng đã biến thành nhà ảo thuật mà không tự biết. Với “Những đứa trẻ mắc zịch”, anh đã lôi ra từ trong trí tưởng tượng của mình con chim bồ câu đầu tiên trước ánh mắt ngạc nhiên của những đứa trẻ, và cả của những đồng nghiệp”.

Chia sẻ về hậu trường ra đời cuốn truyện dài này, nhà văn Trần Nhã Thụy tiết lộ, cách đây mấy năm nhà văn đã viết một kịch bản phim chiếu rạp với đề tài ảo thuật để phục vụ đối tượng thiếu nhi – những khán giả có nhu cầu xem phim rất lớn. Nhưng để một bộ phim được đưa vào sản xuất thì rất gian truân, tốn kém và không phải chuyện đơn giản. Vì vậy sau đó, Trần Nhã Thụy đã viết lại từ kịch bản đó thành truyện. Có lẽ đó cũng là một phần lý do khiến những tình tiết và câu chuyện trong “Những đứa trẻ mắc zịch” hiện lên sống động và khá nhiều kịch tính khiến người đọc dễ dàng hình dung như đang xem một bộ phim.

Tự tin rằng “Những đứa trẻ mắc zịch” nếu làm thành phim sẽ thành công, nhà văn Trần Nhã Thụy cũng bày tỏ mong muốn có nhà sản xuất nào “để mắt” đến cuốn truyện này và dựng thành phim thì sẽ rất vui!

Bối cảnh của truyện là Sài Gòn hôm nay, một mùa hè. Những đứa trẻ mê ảo thuật gồm: thằng Trà Đá, thằng Tuấn Anh, thằng Mặt Nạ Tuấn Em, bé Bông…, cùng  các nhân vật đã, đang và sẽ “dính líu” tới ảo thuật khác như: Băng hot girl, Vĩnh Hy, ông Hoàng bồ câu, Tùng xẻo…

Tùng xẻo, tức Tùng thần bài, sau khi đốt gánh xiếc của thầy mình là ông Hoàng bồ câu đã bỏ Sài Gòn hành nghề sơn đông mãi võ. Khi trở về Sài Gòn, Tùng xẻo lập mưu cướp kim cương ở trung tâm thương mại Red Plaza. Tuy nhiên, để màn cướp này trót lọt, Tùng xẻo bày một liveshow ảo thuật tại đây để đánh lừa mọi người. Nhưng không may cho Tùng xẻo, hành động gian manh đó bị nhóm “mắc zịch” phát hiện, báo cho đội bảo vệ và công an tóm cổ. Người có công lớn trong vụ “phá án” này chính là bé Bông - một cô bé tự kỷ, được mệnh danh là “cô bé con nhà trời” - một cô bé có thể nhìn thấy những điều mà người bình thường không thể thấy.

img

Bìa cuốn "Những đứa trẻ mắc zịch" bắt mắt với phần minh họa của họa sĩ Nguyễn Sơn theo phong cách doodle art 

Đó có thể xem là nội dung chính của câu chuyện. Tuy nhiên, điều mà tác giả muốn đề cập đến chính là tình bạn trong sáng, lòng dũng cảm và niềm đam mê. Ảo thuật, nếu như được “bắt bài” thì thấy rất đơn giản, dễ dàng, nhưng nếu không biết thì thấy nó như một thứ phép thuật, cuốn hút, thăng hoa. Ảo thuật không phải là phép thuật, nhưng ảo thuật mang lại niềm vui cho người khác, đó chính là phép thuật giữa đời thường, do những người bình thường tạo ra.

Là một câu chuyện có chủ đề ảo thuật, nên trong truyện đương nhiên có rất nhiều những màn biểu diễn ảo thuật. Nhưng đây không phải là cuốn truyện đi sâu vào “chuyên môn ảo thuật”. Các nhân vật ảo thuật gia, hay những màn trình diễn ảo thuật chỉ là cái phông hay cái cớ để cho một câu chuyện phiêu lưu trong lòng thành phố diễn ra một cách sinh động, hào hứng, đầy cảm xúc.

Truyện còn đề cập đến những khía cạnh tâm lý đời sống như bước qua nỗi sợ hãi của chính mình và bước qua sự đố kỵ để sống yêu thương chân thành.

Viết theo ngôn ngữ trẻ con hiện đại, “Những đứa trẻ mắc zịch” càng dễ “lấy lòng” bạn đọc nhí khi được minh họa bởi nét vẽ theo phong cách doodle art của họa sĩ Nguyễn Sơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem