Nếu được bồi thường 18 tỷ, ông Huỳnh Văn Nén sẽ làm gì?

Tuy Ninh Thứ hai, ngày 11/04/2016 12:10 PM (GMT+7)
Sáng nay (11.4), "người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén đã trực tiếp đến TAND tỉnh Bình Thuận nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do phải ngồi tù oan trong 2 vụ án giết người nổi tiếng ở Bình Thuận.
Bình luận 0

Ông Huỳnh Văn Nén cùng người anh rể có mặt tại TAND tỉnh Bình Thuận vào lúc 8h sáng nay. Ông Nén mang theo đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong 2 vụ án mà ông phải gánh chịu gần 17 năm ngồi tù oan. Trong đơn, ông yêu cầu bồi thường tổng cộng 18 tỷ đồng.

Tiếp nhận đơn của ông Nén là Thẩm phán Trần Thị Thiên Hương (TAND tỉnh Bình Thuận). Thẩm phán Hương đã giải thích cho ông Nén những quy định của pháp luật về  trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

img

Ông Huỳnh Văn Nén trực tiếp đến TAND tỉnh Bình Thuận nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do phải ngồi tù oan.

Qua xem xét đơn gửi của ông Nén, đại diện TAND tỉnh Bình Thuận nhận thấy: Về hình thức đơn yêu cầu, ông Nén chưa làm đúng theo mẫu hướng dẫn về việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng. Liên quan đến nội dung đơn, TAND tỉnh Bình Thuận yêu cầu ông Nén cần phải bổ sung thêm một số tài liệu, chứng cứ.  

Cụ thể, ông Nén cần bổ sung: Bản án kết án về cá nhân ông Nén; quyết định xác định ông Nén là đối tượng được bồi thường quy định tại Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; các tài liêu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường theo tinh thần của Thông tư liên tịch số 05 ngày 1.11.2012 hướng dẫn về việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng.

Qua nghe giải thích của Thẩm phán Hương, ông Nén thống nhất bổ sung các tài liệu, giấy tờ theo yêu cầu của tòa án trong thời hạn 15 ngày. Khoảng 9h cùng ngày, ông Huỳnh Văn Nén rời tòa.

Chi sẻ với PV, ông Nén cho biết: “Tôi đã nộp đơn và sẽ bổ sung những tài liệu cần thiết. Tôi mong các cơ quan liên quan sớm xem xét giải quyết việc bồi thường. Suốt 17 năm ở trong tù, tôi chịu khổ rồi, gia đình ở ngoài cũng mất mát đau thương. Có số tiền bồi thường, tôi sẽ bồi đắp lại cơ ngơi cho vợ con vững vàng. Ngoài trang trải cuộc sống, lo tươm tất cho gia đình, tôi sẽ mua cho con trai một chiếc xe ô tô để chạy dịch vụ. Con cái tôi quá khổ trong những năm tháng tôi chịu oan sai”.

Ông Huỳnh Văn Nén được biết đến là người mang hai án oan "Giết người". Năm 1998, ông và 9 người bên vợ bị cáo buộc giết bà Mỹ trong "kỳ án vườn điều" xảy ra trước đó 5 năm. Trải qua 12 năm nhưng không tìm được hung thủ, mọi người được minh oan, bồi thường oan sai gần 1 tỷ đồng. Riêng ông Nén không được giải quyết vì đang thi hành bản án chung thân vì bị cho là giết bà Bông, cướp nhẫn vàng.

Sau gần 17 năm ngồi tù, ngày 3.12.2015, ông được TAND tỉnh Bình Thuận công khai xin lỗi tại địa phương.

Bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén tính thế nào?

Ông Huỳnh Văn Nén đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án oan về các tội danh  “giết người” và “cướp tài sản”. Hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có kết luận ông Nén không phạm tội. TAND tỉnh Bình Thuận cũng đã công khai xin lỗi đối với ông Nén. Do đó, theo quy định tại Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, ông Nén sẽ thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự.

Theo quy định từ  Điều 45 đến Điều 51 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, ông Nén sẽ được bồi thường đối với các thiệt hại như sau: Thiệt hại về tài sản; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại do tổn thất về tinh thần (được xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù); thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ; trả lại tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu; và khôi phục danh dự.

Mức bồi thường cụ thể cho ông Nén sẽ được xác định trên cơ sở các thiệt hại thực tế đã phát sinh và các quy định của pháp luật có liên quan. Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 quy định: “Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành việc xác minh thiệt hại để làm căn cứ xác định mức bồi thường; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn xác minh thiệt hại có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày”.

Sau khi kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tổ chức và chủ trì thương lượng với ông Nén về việc giải quyết bồi thường (Điều 19 và Điều 36 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009). Do đó, mức bồi thường thiệt hại cụ thể sẽ còn phụ thuộc vào việc thương lượng giữa ông Nén và cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Trong trường hợp, các bên không thể thỏa thuận và thương lượng được, ông Nén có quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 22, Điều 23 và Điều 37 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.

Thạc sĩ luật Nguyễn Hồng Bách (Công ty Luật Bross & Partners)

Lê Chiên (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem