Nếu nghệ sĩ Hoài Linh bị tố cáo thì sự việc sẽ đi đến đâu?
Nếu nghệ sĩ Hoài Linh bị tố cáo thì sự việc sẽ đi đến đâu?
Khánh Đăng
Thứ năm, ngày 27/05/2021 09:10 AM (GMT+7)
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc nghệ sĩ Hoài Linh "ngâm" hơn 13 tỷ đồng tiền cứu trợ người dân miền Trung có dấu hiệu phạm luật và người dân miền Trung lẫn người quyên góp tiền cho nghệ sĩ này có quyền tố cáo.
Nhìn nhận về sự việc gây bức xúc dư luận liên quan đến chuyện nghệ sĩ Hoài Linh "ngâm" hơn 13 tỷ đồng tiền từ thiện hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã có những phân tích cụ thể.
Theo đó, với hành vi kêu gọi mọi người ủng hộ tiền "khẩn cấp" để cứu giúp đồng bào miền Trung đang gặp thiên tai vào tháng 10/2020 mà đến tháng 5/2021, nghệ sĩ Hoài Linh vẫn chưa chuyển giao số tiền này cho đồng bào lũ lụt miền Trung thì hành vi có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nên người chuyển tiền cho nghệ sĩ Hoài Linh có quyền tố cáo và cơ quan điều tra thụ lý tin báo để tiến hành xác minh là có căn cứ và đúng thủ tục.
Người bị thiệt hại và có nguy cơ bị chiếm đoạt trong vụ việc này không chỉ là những người đã đóng góp tiền vào tài khoản của nghệ sĩ Hoài Linh mà cả đồng bào miền Trung (bên được hưởng thụ số tiền đó) cũng có quyền tố cáo, tố giác hành vi của nghệ sĩ này theo quy định của pháp luật.
Việc tố cáo, tố giác là quyền của người bị thiệt hại và có căn cứ để cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, có xử lý hình sự hay không, đủ căn cứ để khởi tố hay không thì cơ quan điều tra cần thụ lý tin báo và tiến hành xác minh theo quy định của pháp luật.
Kết quả xác minh có dấu hiệu tội phạm thì sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người vi phạm theo quy định tại Điều 174 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Điều 175 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015.
Giai đoạn này được xác định là giai đoạn xác minh tin báo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Thông tư 28/2020/TT-BCA trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Cơ quan điều tra nơi nghi vấn phạm tội xảy ra có thẩm quyền thụ lý tin báo và tiến hành xác minh theo quy định của pháp luật. Sẽ có quyết định thụ lý tin báo, quyết định phân công điều tra viên và thông báo cho viện kiểm sát cung cấp về việc đã thụ lý tin báo.
Trong quá trình thụ lý xác minh tin báo tố giác tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ yêu cầu người tố cáo trình bày diễn biến sự việc, cung cấp các thông tin tài liệu có liên quan đến thông tin về việc từ thiện, thông tin về việc chuyển tiền và việc liên hệ giữa hai bên sau khi chuyển tiền như thế nào...
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ triệu tập người bị tố cáo để làm rõ nội dung tố cáo, thu thập các chứng cứ tài liệu từ phía các cơ quan chức năng như tài khoản ngân hàng, thông tin trên các tài khoản mạng xã hội để làm rõ hành vi đưa ra thông tin về việc kêu gọi quyên góp từ thiện có nội dung như thế nào, làm rõ số tiền mà nghệ sĩ này đã nhận là bao nhiêu, cam kết đưa ra trước đó như thế nào để đánh giá hành vi có ý thức chiếm đoạt tài sản hay không.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có thông tin gian dối, thủ đoạn gian dối (thông tin không đúng sự thật) để cho người khác tin tưởng, giao tiền sau đó chiếm đoạt, sử dụng trái phép số tiền đó vào mục đích cá nhân thì hành vi này là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền chiếm đoạt từ 2 tỷ đồng trở lên thì người có thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trong trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy thông tin đưa ra để nhận tiền không có gì gian dối, không chứng minh được mục đích chiếm đoạt tài sản trước khi nhận tiền. Nhưng có căn cứ cho thấy sau khi nhận được số tiền đó, người đứng ra quyên góp tiền không có ý định thực hiện việc chuyển giao số tiền đó cho những người gặp thiên tai như cam kết ban đầu bằng các thủ đoạn gian dối, trốn tránh hoặc sử dụng tiền vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản trị giá từ 4 triệu đồng trở lên thì sẽ xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo truyền thống đạo đức, văn hóa của người Việt Nam là "lá lành đùm lá rách", "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Khi người dân gặp khó khăn, hoạn nạn thì thường sẽ được những người khác giúp đỡ.
Trường hợp có người đứng ra kêu gọi, ủng hộ, lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái thì việc giúp đỡ đó sẽ nhanh hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn.
Với hiệu ứng của mạng xã hội, uy tín của những người của công chúng và sự phát triển của công nghệ, khiến hoạt động từ thiện, thiện nguyện trong những năm gần đây có sức lan tỏa lớn hơn, hiệu quả hơn, tác động mạnh mẽ hơn đối với đời sống xã hội.
Bên cạnh những việc mà người của công chúng đã làm được, không ít những tấm gương, những lòng hảo tâm đáng ngưỡng mộ thì thời gian gần đây liên tục xảy ra những nghi vấn trục lợi, đánh bóng tên tuổi thông qua hoạt động từ thiện làm dấy lên những lo ngại trong đời sống xã hội.
Nếu không quản lý tốt hoạt động từ thiện tự phát, nếu niềm tin được gửi nhầm chỗ thì sẽ là cơ hội cho những đối tượng xấu trục lợi, làm giảm sút niềm tin của người dân vào sự tử tế và lòng tốt bị hoài nghi.
Bởi vậy, việc làm rõ những sự việc như thế này có thể sẽ làm cơ sở để kết luận sự trong sạch của nghệ sĩ hoặc cũng có thể là căn cứ để xử lý, răn đe đối với những người có lòng tham, lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân. Việc làm rõ vấn đề, xử lý và kết luận theo quy định của pháp luật là cần thiết để lòng tốt không bị lợi dụng, tình yêu thương con người được lan tỏa trong cộng đồng xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.