Tân Hoa Xã ngày 2.8 dẫn lời ông Thường nói trong chuyến thị sát đến tỉnh Chiết Giang, nhấn mạnh các mối đe dọa đến từ biển có khả năng tác động mạnh mẽ nhất tới an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài ra phán quyết cuối cùng, bác bỏ những cơ sở mà Trung Quốc dựa vào để đòi chủ quyền phi lý trên Biển Đông cũng như bác bỏ giá trị của những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi lấp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong khi đó, một báo cáo chi tiết của tập đoàn RAND nêu lý do tại sao một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ nếu xảy ra sẽ rất thảm khốc.
Một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cả hai bên, nhưng ở tình hình hiện tại, Bắc Kinh sẽ gánh chịu thương vong nặng nề hơn. Trang mạng TheNationInterest cho rằng, mặc dù chiến thuật chống tiếp cận mà Trung Quốc lập ra hay còn được biết đến với tên gọi A2/AD, khả năng sẽ tiếp tục được cải thiện và sẽ mang lại những lợi ích cho Bắc Kinh vào năm 2025, song Trung Quốc vẫn sẽ bị thiệt hại hơn Washington ngay cả ở giai đoạn đó nếu chiến tranh thực sự xảy ra.
Chiến thắng cho cả hai bên rất khó để nắm bắt nhưng xung đột có thể biến thành đổ máu.
"Khi lợi thế quân sự giảm, Mỹ sẽ ít tự tin rằng một cuộc chiến tranh với Trung Quốc sẽ phù hợp với kế hoạch của mình," các tác giả báo cáo gồm David C. Gompert, Astrid Cevallos và Cristina L. Garafola nhận định. "Với việc cải thiện khả năng quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là chiến thuật chống tiếp cận, điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ không thể kiểm soát được mọi hoạt động nhằm phá hủy thế phòng thủ của Trung Quốc, và đạt được thắng lợi cuối cùng nếu chiến tranh xảy ra."
TheNationInterest dẫn báo cáo cho biết, một cuộc chiến tranh với Trung Quốc hiện nay và trong tương lai có thể sẽ xảy ra trên biển và trên không, nhưng khả năng không gian mạng và trong không gian sẽ đóng một vai trò đáng kể. Các nhà nghiên cứu RAND cho rằng, nếu cuộc chiến xảy ra sẽ có thể lôi kéo nhiều nước phương Tây tham gia và lúc đó khu vực Thái Bình Dương sẽ trở thành một “vùng chiến sự”, với những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Báo cáo cho biết, không chắc rằng vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng, bởi cả đôi bên đều biết rõ rằng tổn thất để lại sẽ cực kỳ nghiêm trọng.
Hơn nữa, trong khi nghiên cứu của RAND mặc nhiên cho rằng Mỹ sẽ tấn công nặng nề tại Trung Quốc đại lục, các nhà nghiên cứu không cho rằng Bắc Kinh sẽ tấn công vào lãnh thổ Mỹ ngoại trừ thông qua các cuộc tấn công không gian mạng.
"Chúng tôi cũng giả định rằng Trung Quốc sẽ không tấn công lãnh thổ Mỹ, ngoại trừ qua không gian mạng. Ngược lại, Mỹ không thực sự rõ ràng nhưng các cuộc tấn công chống lại các mục tiêu quân sự ở Trung Quốc có thể được mở rộng", các tác giả báo cáo cho biết.
Một cuộc chiến tranh Trung-Mỹ có thể xảy ra theo nhiều cách, bao gồm cả cuộc chiến tranh đẫm máu chớp nhoáng hoặc một cuộc chiến lâu dài và tàn phá dai dẳng. Hơn nữa, với tình hình hiện tại cùng với công nghệ hiện đại, cả hai bên đều có thể là nước tấn công phủ đầu đầu tiên.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh chớp nhoáng ở thời điểm hiện tại, tổn thất của Mỹ sẽ là đáng kể, nhưng thiệt hại của Trung Quốc có thể là một thảm họa, báo cáo nhấn mạnh.
"Kể từ năm 2015, thiệt hại của Mỹ về mặt hải quân và không quân, bao gồm tàu sân bay và căn cứ không quân trong khu vực, có thể là đáng kể, nhưng thiệt hại của Trung Quốc, bao gồm cả các hệ thống A2AD sẽ lớn hơn nhiều”, báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, vào năm 2025, khả năng quân sự của Trung Quốc rất có thể mở rộng để hạn chế những tổn thất. "Đến năm 2025, mặc dù, thiệt hại của Mỹ sẽ tăng do hệ thống A2AD của Trung Quốc được tăng cường để hạn chế những tổn thất của Trung Quốc, nhưng những tổn thất của Bắc Kinh vẫn sẽ lớn hơn so với Washington ", báo cáo cho hay.
Trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh lâu dài, thì tổn thất của hai bên sẽ thảm khốc hơn và hậu quả là lực lượng quân đội của hai bên sẽ ở trong tình trạng hỗn độn.
Trong bất kỳ trường hợp nào, chiến tranh sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng và thiệt hại kinh tế to lớn. Thật vậy, nó có thể làm cạn kiệt các khả năng quân sự của cả hai bên với một tốc độ chưa từng có.
Bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, việc lớn tiếng kêu gọi chuẩn bị chiến tranh sẽ không mang lại kết cục tốt đẹp nào, mọi mâu thuẫn, tranh chấp cần phải giải quyết thông qua biện pháp hoà bình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.