Theo bà Zakharova, Nga coi việc Mỹ lợi dụng diễn biến tình hình để đạt được những lợi thế quân sự đơn phương, và triển khai hàng loạt loại vũ khí mới trong khu vực này là "không thể chấp nhận". Nga đánh giá việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc là "một yếu tố gây bất ổn nghiêm trọng".
Quan điểm của Nga để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên phải bằng con đường đàm phán chính trị. Nga luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm kiếm “các giải pháp chính trị và ngoại giao hòa bình” đối với vấn đề Triều Tiên. Trong thực tế, việc này có nghĩa là bảo tồn những thực trạng địa chính trị hiện nay và duy trì Triều Tiên như một thực thể có chủ quyền. Tuy nhiên, cho tới gần đây cam kết của Nga đối với Bình Nhưỡng không phải không có những dè dặt nghiêm trọng.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang bị đẩy lên từng ngày. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng cho biết, Triều Tiên đã hoàn thành việc chuẩn bị cho một thử nghiệm hạt nhân mới.
"Theo dự đoán chúng tôi, Triều Tiên có thể tiến hành thử nghiệm hạt nhân trong vòng vài tiếng sau lệnh của Kim Jong-un", hãng thông tấn dẫn lời nguồn đã thông báo thêm rằng lực lượng vũ trang Hàn Quốc và Mỹ giám sát chặt chẽ những cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Trước đó kênh truyền hình Fox News dẫn lời đại diện quân đội Mỹ rằng Triều Tiên có thể tiến hành thử nghiệm hạt nhân thứ sáu vào cuối tháng Ba.
Theo giới chức quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ đồng thời tiến hành thử hạt nhân lần 6 và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong tháng 4 tới. Cụ thể, các quan chức dự báo các vụ thử sẽ diễn ra vào dịp Triều Tiên kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (15.4.1912 – 15.4.2017), hoặc dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (25.4.1948 – 25.4.2017).
Quân đội Mỹ đã quan sát thấy các hoạt động tại Triều Tiên và nhận định Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân tiếp theo. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết các hoạt động của Triều Tiên tại các địa điểm hạt nhân đang ở mức độ tương tự như các động thái trước khi tiến hành các cuộc thử hạt nhân trước đây.
Trong năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và hơn 20 vụ phóng thử tên lửa bất chấp các nghị quyết của Liên hợp quốc. Từ đầu năm đến nay, nước này đã phóng thử 5 quả tên lửa đạn đạo, khiến các nước trong khu vực và thế giới lo ngại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.