Nga cáo buộc cơ quan giám sát an ninh châu Âu "làm gián điệp" cho Ukraine

Lê Phương (RT) Thứ năm, ngày 21/04/2022 06:00 AM (GMT+7)
Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã hợp tác với chính phủ Ukraine trong chiến dịch ở Donbass và cố gắng che đậy hành vi phạm tội của Kiev, phó đại diện của Nga tại Liên Hợp Quốc nói trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 19/4.
Bình luận 0
Nga cáo buộc cơ quan an ninh châu Âu "làm gián điệp" cho Ukraine - Ảnh 1.

Một chiếc xe của Phái đoàn Giám sát Đặc biệt từ OSCE tới Ukraine bị phá hủy ở Mariupol. Ảnh: Getty

Trong cuộc họp, Phó Đại diện Thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky chỉ trích các cường quốc phương Tây, nói rằng họ đang tỏ ra "đạo đức giả" đối với cuộc khủng hoảng an ninh ở Ukraine. Mỹ và các đồng minh quan tâm đến lợi ích của họ hơn là lợi ích của người dân Ukraine, nhà ngoại giao nhấn mạnh.

Ông tuyên bố: "Chúng tôi đã thu được bằng chứng mới nhất cho thấy phái bộ giám sát đặc biệt của OSCE ở Ukraine chỉ đơn giản là để 'dung túng' cho Kiev thay vì ghi lại các hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn". 

Quan chức này cho biết Nga đang thu thập thêm bằng chứng để đưa ra vụ việc chống lại các giám sát viên.

Ông Polyansky cũng đưa ra nhiều cáo buộc hơn sau khi tịch thu các phương tiện OSCE chính thức của quân đội Ukraine ở thành phố Mariupol. Ông cho biết đã có báo cáo rằng 8 ô tô, trong đó có một số được bọc thép, đã bị Ukraine phá hủy. Một trong số chúng có những dấu hiệu rõ ràng đã được sử dụng trong trận chiến. Ngoài ra cũng có các báo cáo tương tự đến từ những nơi khác ở miền đông Ukraine, ông nói thêm.

"Ban lãnh đạo OSCE đã nhận thức được vấn đề, nhưng họ chọn cách che giấu sự thật này chừng nào có thể", quan chức Nga tuyên bố.

Ông nói thêm rằng những vụ việc như vậy "làm suy yếu lòng tin vào những tổ chức quốc tế nơi các quan chức phương Tây đóng vai trò chi phối". Quan chức này cho biết từ nay Moscow sẽ đặt câu hỏi trước bất kỳ lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo nào ở Ukraine đến từ phương Tây.

Ông nói, Nga sẽ phân biệt giữa "tổ chức hòa bình giả" và nỗ lực thực sự nhằm "giúp Ukraine đưa ra các quyết định đúng đắn cần thiết về lâu dài".

OSCE được mời đến Ukraine để theo dõi tình hình ở nước này vào tháng 3/2014, ngay sau khi cuộc xung đột vũ trang ở Kiev làm bùng phát căng thẳng ở miền đông nước này. Phái đoàn Giám sát Đặc biệt (SMM) đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc quan sát thỏa thuận ngừng bắn giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy, được coi như phần đầu tiên của lộ trình tiến tới hòa bình (Thỏa thuận Minsk). 

Giám sát viên của OSCE đã tuần tra trên đường rút quân để kiểm tra xem lực lượng của các bên tham chiến có tuân thủ thỏa thuận hay không và báo cáo bất kỳ vi phạm nào đối với lệnh ngừng bắn.

Đây là nhiệm vụ thực địa lớn nhất trong lịch sử của tổ chức, với 814 nhân viên quốc tế và 477 quốc gia tham gia, hơn 2.400 báo cáo hàng ngày được thực hiện trong tám năm.

Nhiệm vụ đã hết hạn vào ngày 31/3 vừa qua, và Nga phản đối việc gia hạn. Moscow cáo buộc OSCE đã đẩy các đại diện của Nga ra khỏi SMM ngay cả khi số lượng quan sát viên đang tăng lên.

Đại diện của Nga tại tổ chức, ông Aleksandr Lukashevich cáo buộc OSCE đứng về phía Kiev khi coi hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass là "lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của khủng bố", đồng thời từ chối phối hợp với họ.

Tuần trước, Donetsk và Lugansk đã ra quyết định cấm OSCE giám sát trên lãnh thổ của họ, bắt đầu từ ngày 30/4. Cả hai đều đang điều tra các cáo buộc về hoạt động gián điệp của các thành viên trong phái bộ. Trong khi đó, Nga cũng tiến hành cuộc điều tra hình sự của riêng mình đối với các cáo buộc gián điệp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem