Ngã giá để đấu điện ba pha trái phép: "Ngoại giao", chịu chi để có nguồn điện (Bài 3)

Nhóm PV Điều tra Chủ nhật, ngày 16/07/2023 06:26 AM (GMT+7)
Lắp đồng hồ mới hoặc câu, kéo nguồn điện ba pha từ những hộ dân khác bằng cách mua đứt, hay mượn nguồn điện với sự làm ngơ của cán bộ điện lực, là những cách để có được nguồn điện ba pha cho công trình xây dựng trái phép.
Bình luận 0

Chính những người mặc đồng phục ngành điện tiết lộ có những cách lách để đấu nối điện ba pha vào các khu vực không được phép xây dựng. Clip: Dân Việt.

Hơi khó nhưng "sẽ làm ngơ" 

Chúng tôi đi khảo sát địa hình ở khu vực Dốc Dây Diều (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) và cùng ông H. (người được giới thiệu chuyên thi công đường điện trong khu vực) xem xét có thể đấu nối điện ba pha được không. 

Sau khi xem địa hình, ông H. nói: "Ở đây có 3 đường điện ba pha vào rồi. Giờ mượn điện trước, sau đó em đăng ký rồi khảo sát xong em làm cho anh, không có giấy tờ mình phải lách, nhờ anh em xử lý cho, mấy chục thôi. Em làm trong Đồng Đò bao nhiêu rồi, hầu như mấy con ba pha em làm hết". 

Ngã giá để đấu điện ba pha trái phép:  Hướng dẫn chi tiết cách "lách" để có điện ba pha (bài 3) - Ảnh 2.

Đường dây điện dẫn vào các homestay xây dựng dưới tán rừng thuộc thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Ông H. còn tư vấn thêm, điện ở đây yếu, thời gian tới sẽ chôn cột "kéo đường điện từ tỉnh Vĩnh Phúc sang, vì mấy homestay dùng nhiều điện, chủ yếu khách hàng thân quen người ta nhờ". 

Ông H. không quên dặn chúng tôi: chuẩn bị một bộ hồ sơ cần, chứng minh thư, sổ đỏ, điện ba pha sử mục đích sản xuất, kinh doanh. 

"Sổ lâm bạ làm hơi khó, nhưng thật ra vẫn làm được", người này nói. Còn trong câu chuyện với ông Phan Hùng – cán bộ điện lực huyện Sóc Sơn (người đã được nhắc đến trong bài trước), ban đầu ông Hùng lắc đầu bảo "căng đấy". Khu vực này đang ngừng lắp mới công tơ điện một năm nay vì "người dân đang kiện cáo nhiều".  

Trong khi ông Hùng nói có thể làm ngơ, thì có những cán bộ điện lực Sóc Sơn đã nhận thức được việc cấp điện vào công trình xây dựng trong rừng phòng hộ là không đúng quy định, kiên quyết từ chối đấu nối điện ba pha trái phép. Như ông L.D.N. - Đội trưởng Đội 4 đã từ chối ngay vì UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo không lắp điện do "lấn chiếm đất rừng ghê quá".

"Không làm được, đầy nhà có sổ đỏ cũng không lắp được, từ chỗ đường 35, có biển khu lâm trường hất vào trong núi và đường 14 không lắp, có nhiều nhà xây homestay xong không cấp được điện, từ cuối năm 2020 - đầu năm 2021 dừng cấp mới công tơ điện đến nay" - ông N. nói.

Người này cũng khẳng định, kể cả xin điện, câu kéo cũng không được, nếu phát hiện sẽ xử phạt hành chính.

Vậy nhưng, gần một tuần sau, ông Hùng liên lạc với phóng viên và cho biết có nguồn điện ba pha để lắp được ở khu vực hồ Đồng Đò và "sẽ làm ngơ cho lắp vì anh quản lý khu vực đó". 

Ngã giá để đấu điện ba pha trái phép:  Hướng dẫn chi tiết cách "lách" để có điện ba pha (bài 3) - Ảnh 4.

Ông H, người người chuyên thi công đường điện ở Sóc Sơn.


Cũng có một cách khác để đề nghị đấu nối điện ba pha, cách thức này PV nghe lại được từ ông C., nguyên là Trưởng thôn Minh Tân. 

Mất vài phút xem sổ lâm bạ, ông C. nói: "Tốt nhất làm cái đơn, có sổ lâm bạ giao đất giao rừng để phát triển trông nom, bảo vệ rừng, lý do là gia đình đang cần làm một cái nhà tạm để trông coi bảo vệ rừng". 

Tiếp đó cần "ngoại giao" Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội; Hạt kiểm lâm và UBND xã. Theo ông C., chỉ cần ngoại giao, "xin làm trạm trông coi bảo vệ rừng xong mình muốn làm tạm như nào là do mình". Khi được hỏi về chi phí lắp điện ba pha, ông C. nói: "Tốn phết đấy, không rẻ đâu". 

Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự 

GS.TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam cho biết, Tổng Công ty điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản, quy định nêu rõ những ai là người được cấp, sử dụng điện ba pha, ai là người sử dụng điện một pha.

Bởi vậy, căn cứ vào những quy định này, các đơn vị cấp điện, tức là các Công ty Điện lực thuộc EVN Hà Nội hoặc các Công ty tư nhân có giấy phép kinh doanh được phép kinh doanh điện phải tuân thủ tất cả quy định, tuân thủ Luật Điện lực.

Ngã giá để đấu điện ba pha trái phép:  Hướng dẫn chi tiết cách "lách" để có điện ba pha (bài 3) - Ảnh 6.

GS,TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam.

Đối với người dân, khi muốn sử dụng điện phải làm hồ sơ đăng ký nhu cầu mà sử dụng mình sử dụng điện, sử dụng tối đa là bao nhiêu KW. 

Sau đó, đơn vị quản lý điện mới xem xét hồ sơ, phê duyệt trước khi ký hợp đồng cung cấp điện. Người dân không được tự ý câu kéo, chia sẻ nguồn điện cho những hộ dân khác.

"Và nếu như hộ dân nào vi phạm hợp đồng, tùy vào hậu quả gây ra sẽ bị xử lý theo quy định. Đối với bên cung cấp điện cũng vậy, nếu cung cấp điện không đúng đối tượng, gây ảnh hưởng tới kế hoạch cung cấp điện cũng phải chịu trách nhiệm trước công ty, pháp luật", Giáo sư Long nói.

Theo Giáo sư Long, việc câu kéo, đấu nối điện ba pha trái quy định sẽ gây hệ lụy không tốt, đầu tiên ảnh hưởng tới chính gia đình được cấp điện, nguồn điện có thể bị quá tải gây cháy nổ, hoản hoạn, thậm chí là gây ra những vụ việc hỏa hoạn thương tâm.

Thêm nữa, đối với ngành điện, có thể gây quá tải cho đường dây mà trước đây người ta đã thiết kế, ảnh hưởng tới kế hoạch cung ứng điện chung của cả một vùng, nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay. Đồng thời, việc này cũng có thể gây thất thoát, ảnh hưởng tới nguồn cung ứng điện của ngành điện.

Cũng có thể có những đơn vị trục lợi lại tự kéo công tơ phụ, rồi thu giá cao hơn với giá của Nhà nước quy định là không đúng theo quy định của Nhà nước. 

Hoặc việc cán bộ gợi ý cách để lách lắp điện ba pha trái phép. Việc này cơ quan chức năng cần phải xác minh, làm rõ.

Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, việc người dân lại tự ý đấu nối nguồn điện này cho người khác có thể xác định là hành vi trộm cắp điện, tùy mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Ngã giá để đấu điện ba pha trái phép:  Hướng dẫn chi tiết cách "lách" để có điện ba pha (bài 3) - Ảnh 7.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa.

Ngoài ra, điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với hành vi tự ý cấp điện cho tổ chức, cá nhân khác. Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như tự ý cấp điện cho tổ chức, cá nhân khác. 

Trường hợp, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm theo quy định của Bộ luật hình sự 2015. 

Ngày 20/4/2023 UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 1179/UBND-NC về việc kiểm tra, rà soát an toàn sử dụng điện, an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện trên địa bàn thành phố. UBND thành phố đề nghị Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và UBND các quận, huyện, thị xã tổng kiểm tra, rà soát việc ký hợp đồng mua bán điện;

Hiện trạng, mục đích sử dụng điện của khách hàng, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn và phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng điện; xử lý vi phạm, ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với các trường hợp không đủ điều kiện, sử dụng điện không an toàn, sử dụng điện sai mục đích... Việc tổng kiểm tra xong trước ngày 20/6 (chỉ thực hiện ký hợp đồng mua bán điện khi đảm bảo các điều kiện theo qui định của pháp luật - theo quy định của Luật Điện lực).




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem