Nga đang nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên khiến Mỹ quan ngại.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov hôm 27.6 cho biết, Moscow đã đưa ra một chiến lược riêng để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Theo đó, Nga giới thiệu kế hoạch theo từng giai đoạn giúp các bên ngồi xuống đối thoại với nhau mà không cần điều kiện tiên quyết.
Ông Morgulov đã liệt kê các bước đầu tiên bao gồm các bên kiềm chế lẫn nhau, không kích động lẫn nhau và bắt đầu đàm phán về các nguyên tắc chung của các mối quan hệ như từ chối sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, cam kết không xâm phạm lãnh thổ lẫn nhau...
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Triều Tiên cần được bảo đảm về an ninh để yên tâm từ bỏ chương trình hạt nhân.
"Vấn đề đặt ra là đảm bảo rằng tất cả các nước liên quan đều cảm thấy an toàn, đặc biệt là trong trường hợp Triều Tiên. Những điều này sẽ làm sự đảm bảo để dẫn đến việc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa", ông Morgulov nhấn mạnh.
Chưa hết, ông Morgulov còn khẳng định, Nga phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Triều Tiên nhằm bóp nghẹt nề kinh tế của nước này.
Giới chuyên gia bình luận, những tuyên bố trên của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulovcho thấy, Moscow đang ngày càng thể hiện sự ủng hộ rõ ràng đối với Bình Nhưỡng và thể hiện mong muốn tham gia giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ lo sự can thiệp của Nga có thể làm ảnh hưởng đến vị thế của Mỹ trong khu vực.
Cùng ngày với việc Nga tuyên bố kế hoạch giải quyết khủng hoảng Triều Tiên, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc là Nikki Haley đã lên tiếng phản đối. Washington không muốn cho phép đối thủ lớn nhất của nước này lợi dụng khi Bắc Kinh rút lui để giành ưu thế trong khu vực.
"Tôi quan ngại rằng Nga có thể sẽ lấp vào chỗ trống trong vấn đề Triều Tiên. Chúng tôi chưa có bằng chứng về điều đó, nhưng chúng tôi đang xem xét vấn đề cẩn thận. Chúng ta cần duy trì áp lực với Trung Quốc, chúng ta cần phải chú ý đến Nga và chúng ta cần tiếp tục để chế độ Triều Tiên biết rằng, chúng ta không muốn thay đổi chế độ. Chúng tôi chỉ muốn ngăn chặn hoạt động hạt nhân...", bà Haley nói với các nhà lập pháp ở Washington.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến nay đang nỗ lực thúc giục Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Triều Tiên gia tăng thêm áp lực lên Bình Nhưỡng để ngăn chặn nước này phát triển vũ khí hạt nhân.
Sau khi mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống Trump đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thúc giục Bắc Kinh hỗ trợ Mỹ trong vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Trump đã phàn nàn vào tuần trước rằng, Bắc Kinh chỉ làm rất ít, không đủ nhiều để ngăn chặn Triều Tiên. Một quan chức cấp cao Nhà Trắng cũng khẳng định những nỗ lực của Bắc Kinh "không đạt được kết quả như kỳ vọng".
Trước sự lùi bước của Bắc Kinh, Moscow được cho là có thể sẽ tìm cách thế chân Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.
Mặc dù Nga không có nền tảng là các mối quan hệ văn hóa, chính trị và kinh tế lâu dài với Triều Tiên như Trung Quốc, nhưng ảnh hưởng khu vực và khả năng chống lại các chính sách của Mỹ trên khắp thế giới của nước này cũng là một đòn bẩy để khẳng định và củng cố vị thế của Nga trong khu vực, một quan chức hàng đầu của Moscow cho hay.
Trong khi Mỹ đau đầu vì Nga muốn can thiệp vào vấn đề Triều Tiên, thì về phần mình, Trung Quốc tuyên bố, nước này hoan nghênh mọi nỗ lực mang tính xây dựng có lợi cho việc phi hạt nhân hóa, thiết lập hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên đồng thời sẵn sàng đón nhận đề xuất của Nga.
"Trung Quốc và Nga là những đối tác chiến lược toàn diện. Hai bên luôn duy trì thông tin liên lạc thường xuyên và phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế", Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.