Nga - Ukraine: Cuộc chiến xoay vần tập hợp lực lượng

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ năm, ngày 23/02/2023 13:56 PM (GMT+7)
Cách đây đúng một năm, cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine bùng phát với việc Nga tiến hành những cuộc tấn công quân sự đồng thời vào nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Nga gọi đấy là "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Bình luận 0
Cuộc chiến xoay vần tập hợp lực lượng - Ảnh 1.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài sang năm thứ 2. Ảnh: Getty

Một năm sau, ở Ukraine diễn ra không những chỉ một cuộc chiến tranh kinh điển mà còn là cuộc chiến tranh hiện đại, đặc biệt khi vũ khí và thiết bị chiến tranh tối tân nhất được sử dụng và cách thức tiến hành chiến tranh kiểu mới được vận hành.

Đối với Ukraine, cuộc chiến đơn thuần chỉ là một cuộc chiến tranh trực tiếp với Nga. Nhưng đối với Nga, đồng thời với cuộc chiến ở Ukraine trực tiếp với Ukraine còn có cuộc đối địch trực tiếp về chính trị và ý thức hệ giữa Nga với Mỹ, EU và các nước khác trong khối Phương Tây cùng với cuộc chiến tranh kinh tế và thương mại trực tiếp giữa hai bên.

Cuộc chiến diễn ra ở châu Âu và ám ảnh trực tiếp tới an ninh, ổn định và phát triển kinh tế ở châu Âu trong khi ảnh hưởng và tác động tới an ninh ở các khu vực khác trên thế giới không nhiều. Nhưng nó đã và đang tiếp tục làm thay đổi rất cơ bản và rõ ràng các tập hợp lực lượng trên thế giới về nhiều phương diện.

Cuộc chiến này phân chia phe phái rõ ràng ở hai phía của chiến tuyến. Nga ở một phía và Mỹ, EU, NATO, Ukraine, nhóm G7 và một số đồng minh khác nữa ở một phía. Hai phe này tranh thủ, vận động và thuyết phục, thậm chí cả gây áp lực để các quốc gia và vùng lãnh thổ  trên thế giới hùa vào phe mình cùng đối địch phe kia hoặc ít nhất thì cũng không ủng hộ phe kia. Cộng đồng các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bị cuộc chiến ở Ukraine phân chia ra thành phe Nga và những đối tác ủng hộ Nga, phía Mỹ, Ukraine, EU, NATO, nhóm G7 và những đối tác ủng hộ họ, nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ trung lập tuyệt đối và nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ biểu thị quan điểm, thái độ khác nhau tuỳ theo từng vấn đề cụ thể và vào dịp cụ thể.

Ở châu Âu, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã giúp NATO như thể hồi sinh và thu phục được thêm thành viên mới là Phần Lan và Thuỵ Điển (cho dù việc mở rộng liên minh này chưa hoàn tất). NATO được dịp thể hiện vai trò, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ và tận dụng sự nổi cộm cũng như thời sự của chủ đề nội dung chính trị an ninh khu vực, châu lục và thế giới để xác lập lại vai trò, ảnh hưởng ở châu Âu, gây dựng chúng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để xác định kẻ thù và địch thủ mới là Nga và Trung Quốc.

Cuộc chiến ở Ukraine đã giúp cho mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác ở châu Âu  gắn kết trở lại sau khoảng thời gian không ngắn bị lỏng lẻo và thiếu tin cậy lẫn nhau. Điều có thể thấy được rất rõ ràng ở đây là Mỹ xác lập lại và củng cố vai trò dẫn dắt cả phe này gần như về mọi phương diện.

Phe này đối địch Nga và đối phó Trung Quốc nên đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn ở nhiều khía cạnh. Hai nước này không liên minh với nhau trên danh nghĩa chính thức nhưng trong thực chất đã về cùng một phe, trợ giúp lẫn nhau như tay phải và tay trái trong chuyện tập hợp lực lượng trên thế giới liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. 

Trung Quốc trợ giúp Nga về quân sự và kinh tế hay hùa vào phe Mỹ, EU, NATO, nhóm G7 và đồng minh đều có thể tác động rất quyết định tới chiều hướng diễn biến và kết cục cuối cùng của cuộc chiến ở Ukraine. 

Hiện tại, Nga chưa lụi bại về quân sự và kinh tế đến mức phải cần đến sự trợ giúp của Trung Quốc về quân sự và tài chính, Trung Quốc còn tận lợi từ trạng thái không theo phe kia chống Nga và cũng không ngả hẳn về phía Nga. Thiên hạ đang thấy Trung Quốc bắt đầu tận dụng cơ hội hiện tại để tăng cường vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới. Trung Quốc đã tuyên cáo việc sẽ đưa ra sáng kiến riêng cho an ninh toàn cầu, bao hàm cả ý tưởng về chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Cuộc chiến ở Ukraine làm tăng vị thế của các tổ chức liên kết đa phương như BRICS, ASEAN.... , các khuôn khổ diễn đàn đa phương quốc tế như G7 hay G20, và các quốc gia và vùng lãnh thổ không can dự trực tiếp cũng như gián tiếp vào cuộc chiến. Lý do đơn giản là các phe phái liên quan nói trên đếu có nhu cầu cấp thiết tranh thủ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ này tìm cách tránh bị đẩy vào tình thế lựa chọn nghiêng về phe này hay phía kia. Họ muốn duy trì quan hệ hợp tác tốt với tất cả các đối tác ở hai phía để giảm thiểu tối đa mức độ bị vạ lây. Mỗi quốc gia thực thi cách thức khác nhau để gây dựng thế cân bằng động giữa hai phe đối địch nhau vì cuộc chiến ở Ukraine.

Cục diện quan hệ quốc tế vào thời điểm một năm sau ngày bùng phát cuộc chiến ở Ukraine vì thế thay đổi rất cơ bản nhưng không hỗn loạn, có xáo trộn, vẫn ổn định khá tương đối. Cuộc ganh đua về tập hợp lực lượng trên thế giới vì thế sẽ vẫn tiếp tục rất quyết liệt và đa dạng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem