Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: 3 kịch bản với "thùng thuốc súng" tại cuộc chiến Nga-Ukraine

Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Hồng Quân –nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng Thứ năm, ngày 23/02/2023 07:25 AM (GMT+7)
Cuộc chiến Nga - Ukraine đã tròn 1 năm, nhân dịp này Thiếu tướng -GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng có bài viết riêng cho Dân Việt. Ông dự báo 3 khả năng có thể xảy ra cho cuộc chiến này.
Bình luận 0
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: 3 kịch bản có thể diễn ra với cuộc chiến Nga – Ukaine - Ảnh 1.

Cư dân chạy khỏi thị trấn Irpin, Ukraine, sau khi bị Nga pháo kích phá hủy lối thoát hiểm duy nhất của người dân địa phương, ngày 6/3/2022: Ảnh: Reuters

Tròn một năm trước (24/2/2022), Nga đã phát động cuộc tiến công chống lại Ukraine, đưa xe tăng tiến về thủ đô Kyiv hòng xóa sổ chính phủ do dân chủ bầu cử mà ra. Mục đích của cuộc tiến công này rất rõ ràng: Phi phát xít hóa, phi quân sự hóa; đập tan giấc mơ gia nhập Liên minh châu Âu và thành viên khối NATO của Ukraine, buộc quốc gia này quay trở lại quỹ đạo của nước Nga.

Một năm trước, không ít người dự đoán rằng chiến tranh sẽ kết thúc bằng một cuộc duyệt binh của Nga và người đứng đầu nước Nga sẽ tới thăm một nhà lãnh đạo do chính Nga dựng lên ở Kyiv.

Nhưng thực tế khác xa những dự định ban đầu. Sau một năm, Nga chiếm được khoảng một phần năm lãnh thổ Ukraine và tháng 9/2022 sáp nhập bốn tỉnh miền Đông Ukraine vào Nga. Ngày 21/2/2023, Tổng thống Nga Putin đã đọc Thông điệp Liên bang, trong đó ông tập trung vào "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, ông cũng cho biết nước Nga đang trong giai đoạn khó khăn. Tổng thống Putin đã dẫn các dữ liệu phản ánh những kết quả kinh tế Nga, theo đó, GDP năm 2022 giảm 2,1% so với năm 2021, tốt hơn so với những dự báo trước đó rằng kinh tế "sẽ sụp đổ." Ông Putin lưu ý điều quan trọng là Nga cần phải thay đổi cấu trúc kinh tế của đất nước. Tổng thống cũng thông báo sẽ đình chỉ hiệp ước vũ khí hạt nhân lớn cuối cùng với Mỹ.

Trong khi đó, người dân và quân đội Ukraine tiến hành chiến đấu "Nếu Ukraine không chiến đấu, sẽ không có đất nước Ukraine". Mỹ và các nước phương Tây công khai hỗ trợ vũ khí, huấn luyện quân sự, cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine. Nhờ đó, đến hôm nay Ukraine vẫn trụ vững.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: 3 kịch bản có thể diễn ra với cuộc chiến Nga – Ukaine - Ảnh 3.

Nhân viên cấp cứu và tình nguyện viên khiêng một phụ nữ mang thai bị thương từ bệnh viện phụ sản ở Mariupol, Ukraine, vào tháng 3/2022. Ảnh: Associated Press

Gần một năm sau ngày phát động tiến công Ukraine, thật khó để khẳng định Nga đã giành chiến thắng. Chưa thấy hy vọng về một nền hòa bình lâu dài ở Ukraine. Tuy vậy, chúng ta có thể dự báo một số kịch bản của cuộc xung đột vũ trang này.

Khả năng cao nhất là thông qua vai trò trung gian hòa giải, hai nước Nga và Ukraine, các bên liên quan, các nước lớn, các nước láng giềng của Ukraine ngồi lại với nhau. Một Hiệp định hòa bình toàn diện sẽ được bàn thảo và ký kết, an ninh của Ukraine và của Nga được bảo đảm. Chiến tranh chấm dứt. Đây là điều mọi người đều mong muốn.

Trong kịch bản này, Mỹ và châu Âu sẽ quan tâm nối lại quan hệ, kéo Nga ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Ngay cả khi đó, Nga thật khó có cách nào để trở lại là nhà cung cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu nữa, vì EU và Vương quốc Anh sẽ sớm đảm bảo các nguồn thay thế và tăng cường năng lượng tái tạo của họ. NATO sẽ không nhanh chóng quên bài học gia tăng chi tiêu quân sự, củng cố quốc phòng. Đức và Pháp đã lên kế hoạch ngân sách quốc phòng lớn hơn nhiều so với trước khi nổ ra xung đột vũ trang Nga – Ukraine tháng 2/2022, trong khi Vương quốc Anh cũng đang tranh luận về chi tiêu quốc phòng cao hơn. Với việc Mỹ ưu tiên đối phó với thách thức từ Trung Quốc, châu Âu sẽ phát huy tự chủ quốc phòng nhiều hơn, đồng nghĩa với việc họ phải trả nhiều tiền hơn để tự bảo vệ an ninh của mình trong nhiều năm tới.

Khả năng thứ hai, cuộc xung đột sẽ đóng băng như bán đảo Triều Tiên kể từ năm 1953 tới nay. 70 năm sau Hiệp định ngừng bắn, bán đảo này vẫn chưa có hòa bình, tình hình lúc nào cũng có thể trở thành "thùng thuốc súng".

Nếu tình huống này xảy ra, không chỉ Ukraine và Nga, mà các nước châu Âu khác cũng sẽ phải tiếp tục trả giá, thậm chí phải trả giá đắt. Xung đột đôi khi vẫn diễn ra, thỉnh thoảng có thể lại bùng phát và lan rộng. Các bên không ngừng ngấm ngầm hoặc công khai thù địch lẫn nhau.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: 3 kịch bản có thể diễn ra với cuộc chiến Nga –Ukaine - Ảnh 1.

Tàn dư của đạn pháo và tên lửa được quân đội Nga sử dụng để tấn công thành phố Kharkiv - thành phố lớn thứ hai của Ukraine - vào ngày 7/12/2022. Ảnh: AFP

Khả năng thứ ba, cả Nga và Ukraine đều không chiếm ưu thế trên chiến trường, hai bên không chấp nhận đàm phán hoặc trung gian hòa giải của bất kỳ quốc gia nào, xung đột sẽ không thể dừng lại. Trong kịch bản này, Ukraine sẽ không thể chấp nhận mất đất đai, còn Nga sẽ khó mà từ bỏ tất cả lãnh thổ nước này đã sáp nhập, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Nga và Ukraine sẽ tiếp tục lao vào chiến tranh, đồng nghĩa là cả hai tiếp tục tổn thất nặng nề về người và cơ sở hạ tầng, phương tiện chiến tranh. Nền kinh tế thời chiến của Nga tiếp tục tăng cường sản xuất xe tăng, tên lửa, đạn dược và máy bay.

Việc đình chỉ hiệp ước vũ khí hạt nhân START lớn cuối cùng với Mỹ báo hiệu hai quốc gia Nga và Mỹ sẽ chuyển sang kỷ nguyên tham gia nhiều biến động hơn về vũ khí hủy diệt hàng loạt, làm tăng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân cho các mưu đồ chính trị và quân sự liều lĩnh trên toàn thế giới. Với tuyên bố đình chỉ Hiệp ước này, Nga đang cho thế giới thấy rằng kiểm soát vũ khí hạt nhân không còn là ưu tiên hàng đầu. Phải chăng, đằng sau tuyên bố này, Nga muốn sử dụng nỗi sợ chiến tranh hạt nhân để ép Mỹ và NATO phải ngừng hỗ trợ vũ khí cho Ukraine? Với mức thâm hụt ngân sách tăng vọt lên 25 tỷ đô la vào tháng 1/2023, người dân Nga sẽ tiếp tục phải trả thuế cao hơn, mức hưởng thụ phúc lợi xã hội thấp hơn và lạm phát chưa thể dừng lại. Thêm nhiều binh sĩ Nga sẽ bị tung vào chiến tuyến của Ukraine. Tình trạng chảy máu chất xám sẽ tiếp tục.

Ukraine sẽ có thêm binh lính và dân thường bị thiệt mạng vì xung đột, thêm các công trình văn hóa, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, kinh tế thêm kiệt quệ. Châu Âu hứng chịu thêm lạm phát, khả năng cạnh tranh công nghiệp suy yếu vì phải dồn vào sản xuất vũ khí, thiết bị chiến tranh. Trong khi xa lánh dầu mỏ của Nga, châu Âu sẽ phải trả nhiều tiền hơn để nhập khẩu dầu thô từ Trung Quốc và Ấn Độ trong khi hai nước này tiếp tục mua món hàng này với giá chiết khấu từ Nga.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: 3 kịch bản có thể diễn ra với cuộc chiến Nga –Ukaine - Ảnh 2.

Một người phụ nữ đến thăm mộ của quân nhân Ukraine, trong một nghĩa trang ở Kharkiv, ngày 21/5/2022. Ảnh: AFP

Ngay tại nước Mỹ, những tác động lan tỏa từ cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraine đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, giá cả lương thực cao hơn và chuỗi cung ứng bị hạn chế. Những lời cầu xin viện trợ quân sự của Ukraine đã đặt chế độ lưỡng đảng của Mỹ trước thử thách.

Kinh tế thế giới có thể sẽ tách rời hơn nữa. Mỹ và EU tiếp tục tìm cách siết chặt trừng phạt Nga. Các công ty châu Âu nhận thấy ít lợi ích hơn khi kinh doanh tại Nga và chịu áp lực từ khách hàng, nhân viên và cổ đông buộc phải ngừng hoạt động, hoặc di chuyển sang các quốc gia khác.

NATO thêm lo lắng làm thế nào để bảo vệ các nước vùng Ban - tích và Ba Lan khỏi rơi vào vòng xoáy chiến tranh với nước láng giềng.

Cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraine đã trải qua một năm. Cục diện địa chính trị toàn cầu đã ghi nhận rất nhiều bước chuyển, kéo theo tác động về mọi mặt với thế giới, từ kinh tế, năng lượng đến an ninh lương thực. Thế nhưng trong các diễn biến mới nhất, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các bên sẽ sớm dừng các cuộc giao tranh và xung đột, không bên nào có thể tiến hành một cuộc tấn công mang tính bước ngoặt để giành chiến thắng, con số thương vong vẫn tăng lên từng ngày. Trong khi đó, các bên cũng chẳng thể đơn phương mà nhượng bộ, chịu lép vế trước đối phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem