Ngâm chân bằng nước sôi rồi... vào viện

Diệu Linh Thứ năm, ngày 23/02/2017 16:22 PM (GMT+7)
Ngày 23.2, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân (Bệnh viện Nội tiết T.Ư) cho biết, khoa đã tiếp nhận 2 bệnh nhân bị bỏng toàn bộ hai bàn chân vì ngâm chân bằng nước sôi.
Bình luận 0

Nằm trên giường với hai bàn chân băng trắng, bệnh nhân Vũ Văn Hoan (68 tuổi, quê ở Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương) cho biết, bác phát hiện mình bị tiểu đường được hơn 1 năm. Do bệnh tật nên hai chân của bác thường tê bì, khó chịu. Gần đây, em bác biếu một lọ thuốc để bác pha với nước ấm ngâm chân để khắc phục chứng tê bì. Hai ngày trước, bác đã tự pha nước ấm để ngâm chân. Nào ngờ.

“Tôi không đề phòng việc tôi đã bị mất cảm giác ở bàn chân, thấy nước mãi không nóng nên tôi cứ thêm mãi nước sôi vào. Đến khi hai chân phồng rộp lên mới phát hiện sự khác lạ. Lúc kêu người nhà vào giúp đỡ thì hai chân đã đỏ như thể bị luộc chín với nhiều vết phồng rộp đáng sợ”.

Ngoài ra, một bệnh nhân nữ khác cũng nhập viện với hai bàn chân bị chín vì ngâm nước sôi.

img

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện "chăm chút" những bàn chân hoại tử nghiêm trọng do biến chứng đái tháo đường. Ảnh Diệu Linh 

Bác sĩ Thiện cho biết, dù đã được cảnh báo nhưng những bệnh nhân bị đái tháo đường nhập viện với tình trạng chân bỏng nặng do ngâm nước sôi là không hiếm. “Các bệnh nhân bị đái tháo đường thường bị biến chứng mất cảm giác thần kinh ngoại vi ở bàn chân. Điều này khiến bệnh nhân luôn bị tê bì, khó chịu và đồng thời cũng mất cảm giác đau đớn, nóng lạnh.

Việc ngâm chân bằng nước ấm cũng có tác dụng làm giảm bớt khó chịu. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là người bệnh không hề cảm giác được nóng lạnh. Do đó, rất nhiều trường hợp đổ nước sôi ra ngâm chân, gây bỏng nặng. Hiện tại chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường tuyệt đối không nên tự pha nước nóng ngâm chân” – bác sĩ Thiện khuyến cáo.

Theo bác sĩ Thiện, các vết thương bỏng, loét ở bàn chân của người mắc đái tháo đường rất khó điều trị lành. Nhiều bệnh nhân chỉ vì vết phồng nhỏ mà bị hoại tử cả bàn chân, phải cưa cụt chân thậm chí bị nhiễm trùng máu gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trước đó, TS Phan Hướng Dương - Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho biết, tỷ lệ người dân mắc đái tháo đường ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Hiện tỷ lệ đái tháo đường ở Việt Nam đã tăng lên 14%, gấp đôi so với 10 năm trước, tăng lên 200%. Trong khi đó, thế giới dự báo trong 20 năm 2010-2030 tỷ lệ mắc đái tháo đường trên toàn cầu tăng 54%. Ngoài ra, 64% người mắc đái tháo đường nhưng không hề biết mình bị bệnh. Nhiều người gặp các biến chứng đột quỵ, mù lòa, nhồi máu cơ tim, suy thận, tổn thương bàn chân, loét chân có thể dẫn đến cắt cụt chi. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem