Một bạn ngắm bông mai trắng trong nắng xuân trong vắt, thốt lên: Mai gì mà trắng trắng tinh trắng tỉnh, tinh khôi đến độ ngắm hoa mà tự thấy mình đầy tội lỗi.
Một bạn khác phụ họa theo: Em cảm thấy còn nhơ nhuốc ấy!
Một cảm xúc rất đỗi chân thành.
Bông hoa có được vẻ đẹp như thế, đó là một kết quả sau một hành trình mà bạn không để ý. Phải hàng tháng, hàng tuần, hàng năm cây mai lọc nước, lọc đất, lọc phân bùn thu lấy tinh khí trời đất mà có. Đó là kết quả của cả một hành trình. Trong phút giây cảm xúc, bạn đã quên mất hành trình mà so ngay với kết quả nên cảm thấy mình tội lỗi mà thành khập khiễng. Đó là sự nhạy cảm tuyệt vời của tâm hồn, nhưng sự nhạy cảm đó dẫn đến nhận định sai!
Con người ta đang sống là đang trong trạng thái hành trình, còn đang lọc, đang lăn lóc với cuộc đời, bạn đã thành bông hoa đâu. Phải khi đến tuổi nào ngộ ra, buông hết mọi thứ, thì như bông hoa nở này, trạng thái tinh khiết sẽ ở ngay trong chính mình. Nên ở thiên nhiên, có những bông hoa mãn khai, có bông héo mà không rụng được, có bông rụng mà không nở hết... hãy bình tĩnh quan sát thì bình tĩnh mà sống thì mọi sự sẽ tốt đẹp.
Con người qua 60 năm là đủ một hoa giáp, được gọi là “thọ”. Thọ là là sống qua 5 giáp, mỗi giáp 12 năm, đủ kim- mộc- thủy – hỏa – thổ. Nghĩa là rèn luyện đủ qua nước lửa, đó là lúc con người có thể được coi là bông hoa đầy đặn. Còn có phải hoa không, hoa “nở” hay không, nở như thế nào thì còn tùy vào bộ lọc trong chính con người: Nghĩa là đã nhận ra gì, đã ngộ ra gì hay vẫn u u minh minh chưa biết mình đang ở đâu.
Bạn hãy ngắm một cành hoa, trong đó bao nhiêu bông đẹp đầy đặn, bao nhiêu bông kém hơn bị sâu đục hoặc còi cõm, hoặc không thành bông hoa. Hết vụ thì hoa không còn cơ hội hoàn thiện nữa.
Đời con người, xã hội loài người cũng giống cánh hoa kia.
Đừng vội cho mình là xấu, chớ nghĩ mình đã quá tốt. Cuộc sống mỗi người có thể mắc sai lầm cũng như đã làm được nhiều việc tốt cho đời, cho mình. Hãy luôn tự ngắm mình trong hành trình thì sẽ hoàn thiện dần, rồi bạn thành bông hoa tinh khiết lúc nào cũng chẳng tự biết đâu!
Đỗ Đức (Đỗ Đức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.