Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Như Dân Việt đã thông tin, tối qua (6/12), nhiều khán giả theo dõi trận Việt Nam - Lào tại giải đấu AFF Cup qua mạng Internet bất ngờ khi phần hát Quốc ca mở đầu trận đấu bị tắt âm thanh.
Màn hình trận đấu hiện dòng thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm".
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Hoà – Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết: Rõ ràng, ngay cả tới bài hát Quốc ca mà cũng bị ngắt tiếng là việc không thể chấp nhận được. Đây là sự việc vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới uy tín của Quốc gia và lợi ích của cộng đồng nên cần phải xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai.
Ông Hoà thắc mắc, tại sao phải tắt, trong khi phía bạn phát nguyên bài còn mình lại phải tắt tiếng?
"Quốc ca là bài hát thể hiện sự thiêng liêng của tổ quốc mà phải tắt tiếng, đó là một sự vô lý ảnh hưởng tới uy tín của quốc gia", ông Hoà nói.
ĐBQH Phạm Văn Hoà cũng cho biết, ngày 26/10 vừa qua, Quốc hội tổ chức thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Dự kiến Luật này sẽ được tiếp tục cho ý kiến và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3. Trong đó có sở hữu bản quyền tác giả…
"Riêng bản quyền bài Quốc ca theo tôi là sở hữu của tác giả nhưng tác giả đã tặng cho Nhà nước rồi thì hiện tại là của sở hữu Quốc gia và đơn vị quản lý của bài hát này được Nhà nước giao cho quản lý là Bộ VHTTDL phải có trách nhiệm quản lý về vấn đề này".
Cũng theo ông Hoà, nếu có những quy định trong Luật phải làm các thủ tục sở hữu toàn diện và chỉ đơn vị được Nhà nước giao sở hữu là Bộ VHTTDL mới có quyền sở hữu, cấp phép cho các đơn vị muốn khai thác, sử dụng.
Chẳng hạn như một chương trình văn nghệ, chương trình ca nhạc hay một bộ phim ở nước ngoài muốn đưa bài hát quốc ca vào có được không và phải xin phép cơ quan nào, làm thủ tục gì thì đơn vị quản lý là Bộ VHTTDL phải làm rõ.
Kể cả sở hữu bản ghi của bài hát này, ông Hoà cũng cho rằng nếu vi phạm tới lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Quốc gia thì cơ quan quản lý vẫn có thể xử lý được theo quy định của pháp luật.
Liên quan tới nội dung này, luật sư Nguyễn Tiến Hoà – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích: Thực tế bản quyền tác phẩm âm nhạc khác bản quyền bản ghi tác phẩm âm nhạc.
Bản quyền tác phẩm âm nhạc theo thuật ngữ pháp lý là "quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc". Bản quyền bản ghi theo thuật ngữ pháp lý là "quyền liên quan đối với bản ghi âm". Đây là hai đối tượng khác nhau thuộc phạm vi quyền tác giả.
Trong đó, quyền liên quan là một nhánh nhỏ trong quyền tác giả. Khi muốn thực hiện một bản ghi âm dựa trên một tác phẩm gốc, chủ thể liên quan cần xin phép tác giả/chủ sở hữu của tác phẩm.
Trong trường hợp này, vì gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã đồng ý hiến tặng tác phẩm cho nhà nước và nhân dân nên tác phẩm đã trở thành tác phẩm của công chúng, các bên đều có quyền sử dụng để tạo nên bản ghi âm, miễn sao không xuyên tạc hay làm hỏng giá trị của tác phẩm.
Theo đó, trong trường hợp này, "quyền tác giả" đối với bài hát "Tiến quân ca" thuộc về cố nhạc sĩ Văn Cao và những người thừa kế theo pháp luật của ông. Còn "quyền liên quan" đối với bản ghi âm bài hát thuộc về đơn vị đã bỏ công sức, thời gian, tài sản để tạo ra bản ghi đó. Nói cách khác, Hồ Gươm Audio có toàn bộ quyền liên quan đối với bản ghi tác phẩm "Tiến quân ca" do chính họ tạo ra.
Trong khi đó, quyền tác phẩm Tiến Quân ca hiện đang được giao cho Bộ VHTTDL.
Liên quan tới quyền cảnh báo trên Youtube về hành vi xâm phạm bản ghi (theo quy định Youtube), Luật sư Hoà cho rằng: chủ sở hữu bản ghi âm có toàn bộ và đầy đủ quyền đối với bản ghi do mình tạo ra, mà một trong số đó là cho phép hoặc từ chối việc người khác được sử dụng tác phẩm của họ.
Nói cách khác, chủ sở hữu bản ghi có quyền cảnh báo vi phạm hoặc thậm chí là yêu cầu xử phạt đối với các hành vi xâm phạm trên môi trường số nói chung và Youtube nói riêng. Việc thực thi quyền này được quy định theo pháp luật Việt Nam, chứ không phụ thuộc vào quy định của Youtube hay bất cứ nhà cung cấp dịch vụ nào trên môi trường mạng.
Liên quan tới bản quyền Quốc ca Việt Nam, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhưng ông Hùng cho biết đang bận và đề nghị PV gửi câu hỏi, sẽ giao cho Thứ trưởng phụ trách trả lời.
LS Hoà cũng cho rằng, cho tới hiện tại tác phẩm "Tiến quân ca" không phải là tài sản Nhà nước do chưa có bất cứ một văn bản chính thức nào công nhận vấn đề này.
Trên thực tế, "Tiến quân ca" được chọn làm quốc ca theo ghi nhận tại Hiến pháp nước ta.
Cũng theo LS Hoà, việc gia đình hiến tặng lại tác phẩm cho nhà nước và nhân dân, tác phẩm "Tiến quân ca" không còn là của riêng bất cứ bên nào.
Do đó, việc Hồ Gươm Audio hay bất kỳ một bên nào sản xuất bản ghi không phải là hành vi xâm phạm quyền. Cũng bởi vậy, đơn vị nào có đầy đủ quyền liên quan theo quy định của pháp luật đối với bản ghi âm của họ.
Do đó, Hồ Gươm Audio có quyền liên quan đối với bản ghi âm, nên việc ủy quyền cho một bên khác giúp mình bảo vệ quyền là chính đáng. Quyền ở đây không phải chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là thu lợi nhuận hay thương mại hóa. Quyền ở đây rất rộng, bao gồm cả việc có cho phép người khác đăng lại tác phẩm của mình hay không.
Sáng nay, 7/12 Bộ VHTTDL mới phát đi thông báo: Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VHTTDL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.
Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.
Bộ VHTTDL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ VHTTDL chư giải thích rõ "các biện pháp cần thiết giữ gìn phát huy giá trị của Quốc ca" là gì, đồng thời "pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm ... hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến ..." căn cứ theo quy định pháp luật nào.
Tại khoản 9, Điều 4, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ có nêu: "Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố là tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã được phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để phổ biến đến công chúng với một số lượng bản sao hợp lý.
Tuy nhiên, tại Điều 7. Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ của Luật này cũng nêu rõ: 1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật này. 2. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan. 3. Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp; việc giới hạn quyền.
Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể sở hữu trí tuệ thực hiện quyền theo Khoản 3, Điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ đối với bản ghi bàn hát "Tiến Quân Ca" vì lợi ích của cộng đồng hay không thì Bộ VHTTDL là đơn vị được Nhà nước giao cho quản lý vấn đề này phải làm rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.