Ông Trần Ngọc Lợi - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Hậu Giang cho biết: Hiện, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 2.235 tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV). Tổng dư nợ ủy thác đối với các đoàn, thể tính đến 30.6.2012 là trên 977,6 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 45,686 tỷ đồng.
|
Nhờ đồng vốn vay ưu đãi, kinh tế của ông Trần Tấn Lực cải thiện đáng kể. |
Sử dụng vốn hiệu quả
Theo ông Lợi, chương trình có dư nợ cao là cho vay hộ nghèo 336,969 tỷ đồng (chiếm 33,96% tổng dư nợ); cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 269,757 tỷ đồng (27,18% tổng dư nợ); chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn và thương nhân vùng khó khăn dư nợ 141,265 tỷ đồng (14,24%/tổng dư nợ)…
"Nhờ đồng vốn vay từ Ngân hàng CSXH, tôi chủ động duy trì nuôi đàn heo nái để bán lấy con giống, đồng thời mở tiệm tạp hóa tăng thêm thu nhập cho gia đình".
Bà Nguyễn Thị Tuyết (ngụ TP.Vị Thanh)
Ông Trần Tấn Lực (ngụ khu vực 6, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cho biết: "Gia đình tôi xưa giờ sống chủ yếu bằng nghề đan lát, từ lâu muốn mở rộng sản xuất nhưng thiếu vốn. Hai năm nay, qua tổ TKVV của Hội ND, tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 15 triệu đồng. Có vốn, tôi thu gom sậy về đan lát nên thu nhập tăng đáng kể, bình quân mỗi ngày kiếm lời khoảng 150.000 đồng".
Bà Nguyễn Thị Tuyết (ngụ TP.Vị Thanh) bộc bạch: "Nhờ đồng vốn vay từ Ngân hàng CSXH, tôi chủ động duy trì nuôi đàn heo nái để bán lấy con giống, đồng thời mở tiệm tạp hóa tăng thêm thu nhập cho gia đình".
Kiểm soát chặt chẽ
Để kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay trong dân một hiệu quả, ngân hàng đã phối hợp với các đoàn thể nhận ủy thác thường xuyên giám sát, kiểm tra các phương thức sản xuất, kinh doanh của các hộ được vay vốn; tư vấn người dân về tình hình dịch bệnh; tuyên truyền chủ trương chính sách, các mô hình sản xuất hiệu quả… để từ đó giúp người dân sử dụng đồng vốn vay hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, để giúp cho người vay giảm bớt khó khăn, định hình cách chi tiêu sao cho hợp lý, các tổ vay vốn hướng dẫn người vay gửi tiết kiệm từ đồng lãi vay vốn.
Ông Nguyễn Thanh Triều - Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh Hậu Giang cho biết: "Các tổ TKVV được thành lập tại từng ấp, theo từng tuyến dân cư trên địa bàn ấp đã góp phần đáng kể trong khâu truyền tải nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH được nhanh chóng, thuận lợi cho đối tượng được thụ hưởng. Khâu bình xét cho vay được đảm bảo công khai, dân chủ và đúng đối tượng, có sự giám sát của hội, đoàn thể và chính quyền địa phương".
Ông Huỳnh Hữu Kế - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang cho biết: "Để giúp các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, Hội thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng chục ngàn hội viên nông dân; phối hợp với Ngân hàng CSXH kiểm tra việc sử dụng vốn, trả nợ khi đến hạn đối với các hộ vay vốn ưu đãi của ngân hàng".
Theo Ngân hàng CSXH Hậu Giang, trong 6 tháng đầu năm 2012, nợ xấu của ngân hàng là 48 tỷ đồng. Trong đó, nợ quá hạn trên cân đối 46,999 tỷ đồng; nợ quá hạn chưa xử lý kịp thời 1 tỷ đồng. Ông Triều đề nghị, để xử lý nợ xấu, các hội đoàn thể nhận ủy thác cần tăng cường công tác tuyên truyền cho hội viên sử dụng đúng mục đích, hiệu quả vốn vay, phải có ý thức trả nợ và gửi tiết kiệm; biểu dương và nhân rộng tổ TKVV quản lý và sử dụng vốn hiệu quả...
Đức Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.