Ngân hàng rầm rộ rao bán biệt thự, penthouse và ô tô sang giá từ 100 triệu đến hàng nghìn tỷ đồng

H.Anh Thứ hai, ngày 16/08/2021 08:51 AM (GMT+7)
Lo ngại nợ xấu tăng, nhiều ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh rao bán tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu. Không chỉ thanh lý ô tô giá rẻ từ 100 triệu đồng, xe sang đắt tiền và nhiều biệt thự, penthouse cũng được rầm rộ rao bán.
Bình luận 0

Hết thanh lý ô tô giá rẻ, ngân hàng "rầm rộ" bán biệt thự, xe sang thu hồi nợ

Là một trong những nhà băng có tần suất và số lượng xe thanh lý thuộc top đầu thị trường, hiện VIB đang rao bán hàng trăm chiếc xe ô tô, trong đó có nhiều xe sang.

Chẳng hạn, chiếc BMW 218i được ngân hàng rao bán với giá 800 triệu đồng. Ngân hàng cho biết, chiếc xe được sản xuất năm 2016 và đã sử dụng 67.000km, giá thị trường khoảng 820 triệu đồng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng đang rao bán 3 chiếc Mercedes. Trong đó, chiếc Mercedes-Benz GLC200-2019 đã sử dụng 30.854km được rao bán với giá hơn 1,3 tỷ đồng. Một chiếc Mercedes C200 khác, sản xuất năm 2016 có giá 920 triệu đồng.

“Đau đầu” vì nợ xấu: Loạt biệt thự, penthouse cho tới ô tô sang được rao bán - Ảnh 1.

Ngân hàng đang dồn dập rao bán tài sản thế chấp, trong đó có nhiều ô tô sang. (Ảnh: VIB)

Tương tự, mục thanh lý tài sản của SCB rao bán xe ô tô khách 29 chỗ hiệu Thaco với giá 1,4 tỷ đồng.

Ngoài ra còn hàng loạt xe khác khác nhãn hiệu Ford, Misubishi… giá từ trên 100 triệu đến 1 tỷ đồng.

TPBank cũng đang rao bán hàng loạt xe ô tô để xử lý nợ, trong đó có những chiếc xe trên 1 tỷ đồng. Chẳng hạn, chiếc Mercedes GLC250 sản xuất năm 2017 được rao bán với giá hơn 1,2 tỷ đồng. Theo mô tả, xe bị xước, lốp xe 80% và 2 đèn hậu bị nứt.

Không chỉ xe sang mà các ngân hàng còn tích cực rao bán nhiều biệt thự, penthouse.

Đơn cử như tại Agribank, nhà băng này rao bán một biệt thự ở Khu đô thị mới Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội với giá hơn 15 tỷ đồng. Thửa đất có diện tích 250m2, diện tích xây dựng biệt thự là 137,2.

Hồi đầu tháng 6, Agribank Cầu Giấy thông báo tìm đơn vị bán đầu giá 5 căn biệt thự tại khu ĐTM Hồ Linh Đàm và Khu ĐTM Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội.

Tại VietinBank, ngân hàng đang rao bán quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền đất tại số BT3.13, Khu chức năng đô thị Tây Mỗ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội. Cụ thể, thửa đất có diện tích 210m2, nhà ở biệt thự có diện tích xây dựng 147m2. Giá bán theo thỏa thuận.

“Đau đầu” vì nợ xấu: Loạt biệt thự, penthouse cho tới ô tô sang được rao bán - Ảnh 3.

Ngân hàng rao bán biệt thự, penthouse để thu hồi nợ. (Ảnh: Agribank)

SCB rao bán một dự án chung cư ở TP.HCM, trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án nói trên, diện tích sử dụng 19.639m2.

Tài sản gắn liền với đất gồm những hạng mục chính như khu cao ốc 22 tầng, khu cao ốc 25 tầng, khu biệt thự 5 căn…

Hiện trạng thực tế công trình xây dựng trên đất đến thời điểm được rao bán gồm 5 khối nhà bê tông xây dựng dở dang và 5 căn biệt thự đã được xây dựng hoàn chỉnh.

Giá khởi điểm của tài sản được rao bán lên hơn 2.352 tỷ đồng, trong đó giá trị quyền sử dụng đất 1.981 tỷ đồng và giá trị công trình xây dựng hơn 371 tỷ đồng. Đây là tài sản thế chấp, được ngân hàng thu giữ bán để thu hồi nợ vay.

Sacombank cũng đang rao bán hàng loạt căn Penthouse có giá từ 6,2-9,1 tỷ đồng tại dự án Xi Grand Court. Các căn này được hoàn thiện thô, có diện tích 113-165m2.

Áp lực nợ xấu: "Nâng cấp" Nghị quyết 42 thành Luật

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 việc thu hồi nợ của các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 mới đây của Chính phủ, ước tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,78% - 2%.

Báo cáo cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dự báo, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ước đạt 1,54% - 1,91%.

Nếu tính thêm nợ bán cho VAMC, nợ tiềm ẩn, các khoản được cơ cấu lại không chuyển nhóm nợ theo Thông tư số 01, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD dự báo ở mức 4,56% - 4,98% cuối năm 2021 và có thể lên đến gần 5% nếu kinh tế chậm phục hồi.

"Sức mua trên thị trường đối với các loại tài sản thế chấp từ ô tô cho tới nhà đất, kể cả biệt thự ở thời điểm hiện tại lại quá yếu. Do đó, nhiều tài sản bảo đảm được ngân hàng đấu giá và đại hạ giá tới 4 – 5 lần những vẫn không có người mua. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn tích cực rao bán để giảm bớt áp lực nợ xấu", vị này cho hay.

Điều đáng nói, các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch Covid-19, trong khi đó Nghị quyết 42/2017/QH14 - được ví là bảo bối xử lý nợ xấu cho các ngân hàng chỉ còn một năm nữa là hết hiệu lực, khiến các ngân hàng phải "đau đầu".

Từ thực tế kể trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề nghị "luật hóa" các quy định của Nghị quyết 42 dưới hình thức ban hành một luật về xử lý nợ xấu.

Ủng hộ việc luật hóa quy định xử lý nợ xấu, nhưng một chuyên gia lâu năm làm việc trong Ngành cho rằng, không nên chỉ căn cứ vào quy định cũng như những vướng mắc phát sinh trong phạm vi bó hẹp của ngân hàng tại Nghị quyết 42 để xây dựng khung Luật Xử lý nợ xấu. Thay vào đó phải nhìn trên bối cảnh tổng thể của nền kinh tế để xây dựng luật.

"Muốn nâng tầm lên thành Luật Xử lý nợ xấu, NHNN với vai trò cơ quan tham mưu, cần phối hợp các bộ, ngành khác để rà soát các bộ luật liên quan, đánh giá kỹ những yếu tố, quy định và cả tác động của nó trong dài hạn.

Có như vậy, luật mới ban hành sẽ mang tính tổng thể, bao quát được các vấn đề, không xảy ra tình trạng thiếu hụt các quy định", vị này chia sẻ quan điểm.

“Đau đầu” vì nợ xấu: Loạt biệt thự, penthouse cho tới ô tô sang được rao bán - Ảnh 5.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề nghị "luật hóa" các quy định của Nghị quyết 42 dưới hình thức ban hành một luật về xử lý nợ xấu. (Ảnh: BID)

"Khi luật hóa các quy định rõ ràng, cụ thể hơn giúp cho việc xử lý nợ xấu khả thi, hiệu quả hơn", TS. Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng nhấn mạnh và lưu ý hai vấn đề cần phải quy định rõ ràng gia tăng hiệu quả xử lý nợ xấu.

Một là, quy định thu giữ và quyền xử lý TSBĐ của các ngân hàng được đảm bảo. Đây là khâu vướng mắc nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất giúp cho các ngân hàng nhanh chóng xử lý TSBĐ, sớm thu hồi vốn, khơi thông nguồn vốn cho TCTD hoạt động, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu của TCTD và tránh các nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế.

Hai là, hoàn thiện khung khổ pháp lý để sàn giao dịch mua bán nợ xấu vận hành thông suốt. Vì sàn mua bán nợ chưa có tiền lệ nên nếu không có quy định rõ ràng rất khó cho VAMC cũng như các chủ thể tham gia "sân chơi" này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem