Sau 1 năm thêm 300 doanh nghiệp
Có thể thấy rất rõ ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đã có bước tăng trưởng ngoạn mục, mức tăng trưởng mà theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là “không có ngành nào tăng nhanh như thế”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng sản phẩm gỗ bên lề diễn đàn. Ảnh: Đăng Quang
Số DN tăng đột biến đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2018 đạt 9,382 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, trong đó giá trị xuất siêu đạt trên 7 tỷ USD. |
Nhìn vào con số báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đã đạt được những bước tiến khá dài.
Đến nay, cả nước có khoảng 4.500 doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và lâm sản, trong đó DN tư nhân chiếm 95%. Số DN chế biến sản phẩm xuất khẩu đạt trên 1.800, chỉ sau 1 năm đã tăng hơn 300 DN so với năm 2017. Trong đó, DN trong nước chiếm 65%.
Phát biểu tại Diễn đàn ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - thành công, bài học kinh nghiệm, giải pháp bứt phá năm 2019 tổ chức ngày 22.2 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, điểm nhấn ấn tượng nhất trong sự phát triển của ngành là thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản được mở rộng. Nếu như năm 2005, sản phẩm gỗ và lâm sản xuất khẩu của nước ta mới xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ thì đến năm 2018 đã có mặt ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Điều quan trọng hơn là đến nay nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước đã đáp ứng phần lớn nguyên liệu chế biến gỗ, giảm mạnh tỉ trọng nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Năm 2018, sản lượng gỗ khai thác nội địa 28,45 triệu m3, tăng 6% so với năm 2017, trong đó khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 20,6 triệu m3. Chất lượng nguyên liệu rừng trồng đã từng bước được nâng lên, hiện đã quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho trên 220.000ha” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Tuy vậy, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại của ngành, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu cho những năm tiếp theo như thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu với người trồng rừng để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng; vật liệu phụ trợ vẫn chủ yếu nhập khẩu, nên giá thành cao...
Chú trọng xây dựng thương hiệu
Năm 2019, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đặt mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng thêm từ 1,5 - 1,7 tỷ USD, đạt tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 10,8 - 11 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành sẽ tiếp tục đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thúc đẩy DN khởi nghiệp, mở rộng đầu tư, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu gỗ thô; phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo thông lệ, tiêu chí quốc tế.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được con số như kỳ vọng, thậm chí là hơn bởi phía trước đang có nhiều cơ hội. Việc Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) được thực thi không chỉ giúp tăng cường xuất khẩu vào EU mà còn là cơ hội giúp DN mở rộng thị trường khi niềm tin của người tiêu dùng EU vào sản phẩm của Việt Nam tăng lên.
Ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch HĐQT Công ty AA, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho rằng, đã đến lúc DN Việt cần thay đổi tư duy kiếm tiền bằng sự cần mẫn trong sản xuất, lấy công làm lời mà cần phải xây dựng thương hiệu cho riêng mình.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ đổi mới chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng. Trước mắt, sẽ cấp 100.000 tấn gạo cho những người dân làm nghề rừng để đảm bảo cuộc sống, từ đó bảo vệ rừng bền vững”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.