Ngành nông nghiệp Quảng Nam “hiến kế” phát triển nguồn cung ứng giống nông nghiệp
Ngành nông nghiệp Quảng Nam “hiến kế” phát triển nguồn cung ứng giống nông nghiệp
Trương Hồng
Thứ ba, ngày 26/07/2022 13:03 PM (GMT+7)
“Về đáp ứng giống nông nghiệp cho nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh, có thể nói trong tỉnh đã chủ động cơ bản các loại giống lúa, giống cây lâm nghiệp, giống tôm sú và giống thủy sản nước ngọt…”, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Chia sẻ với Dân Việt về việc phát triển cung ứng giống nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện tại lĩnh vực sản xuất, cung ứng giống nông, lâm, thủy sản (gọi chung là giống nông nghiệp) của tỉnh đã được xã hội hóa và phù hợp với đặc điểm tình hình chung của toàn quốc.
Phát triển mạnh về nguồn giống nông, lâm, thủy sản...
"Do có lợi thế nhiều mặt về giao thông, địa lý, khí hậu… so với các tỉnh trong vùng nên tỉnh ta thu hút được rất nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh giống nông nghiệp thực hiện các dự án đầu tư SXKD giống và đã góp phần vào việc tăng trưởng, phát triển nền nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trong tỉnh cũng đã tự đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây con giống để tự đáp ứng nhu cầu sản xuất và cung ứng cho nhân dân trong vùng (nhiều nhất là các cơ sở gieo ươm cây lâm nghiệp).
Về đáp ứng giống cho nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh, có thể nói trong tỉnh đã chủ động cơ bản các loại giống lúa, giống cây lâm nghiệp, giống tôm sú và giống thủy sản nước ngọt...", ông Tích chia sẻ.
Ông Phạm Viết Tích cho biết, trên địa bàn Quảng Nam đang phát triển mạnh về nguồn cung ứng giống, trong đó đối với giống cây trồng, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay có hơn 30 doanh nghiệp liên kết sản xuất các giống cây trồng nông nghiệp (lúa, ngô, rau, màu,..) với diện tích hằng năm trên 6.000ha (riêng diện tích sản xuất lúa giống khoảng 4.500ha) đảm bảo về chất lượng và số lượng, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà xuất sang các tỉnh khác.
Đối với giống cây ăn quả, do quy mô sản xuất nhỏ nên người dân tự nhân giống là chính, trường hợp phát triển trên diện tích lớn sẽ hợp đồng với các nhà vườn hoặc thông qua các tổ chức hội địa phương để cung cấp.
Riêng đối với giống sâm Ngọc Linh được cung ứng bởi 2 đơn vị của nhà nước là, Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Trà My, với số lương khoảng 70.000 cây giống/năm và nguồn cây giống sâm Ngọc Linh được gieo ươm hằng năm trong các hộ dân và doanh nghiệp khác.
Riêng giống cây dược liệu, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12 đơn vị tham gia cung ứng với số lượng trên 2 triệu cây giống/năm.
"Đối với còn con vật nuôi, trong thời gian qua, để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế chăn nuôi, UBND tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển giống vật nuôi.
Tuy nhiên, do đặc điểm chăn nuôi ở Quảng Nam từ trước đến nay chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ, rủi ro dịch bệnh rất cao; số lượng cơ sở sản xuất con giống ít, hiện có 22 trang trại chăn nuôi lợn giống, 12 cơ sở sản xuất giống gia cầm, các cơ sở giống quy mô nhỏ chưa đảm bảo về chất lượng và số lượng cung ứng nhu cầu chăn nuôi của tỉnh.
Riêng đối với lợn, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, đàn lợn giống trong chăn nuôi quy mô nhỏ đã bị thiệt hại năng nề, đến nay đang được phục hồi nhưng rất chậm do chưa có vắc xin tiêm phòng.
Trong khi đó việc thu hút các các dự án sản xuất con giống quy mô lớn gặp nhiều rào cản về rủi ro ngành nghề, về trình tự, thủ tục, các quy định nghiêm ngặt về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường..., mặc dù có cơ chế hỗ trợ nhưng nhà đầu tư vẫn e ngại, chưa mặn mà", ông Tích cho biết.
Cũng theo ông Phạm Viết Tích, ngoài các loại cây ăn quả, con vật nuôi ra, đối với giống lâm nghiệp, về hệ thống sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp hiện có 135 cơ sở, trong đó có giấy phép kinh doanh 54 cơ sở.
Các loài cây trồng chính được các cơ sở sản xuất chủ yếu là cây keo, quế, sao đen, một phần nhỏ là lim xanh, giổi và huỳnh đàn. Về cơ sở hạ tầng sản xuất giống lâm nghiệp có trên 135 vườn ươm, trong đó với khoảng 40 vườn ươm lâu dài, còn lại vườn ươm tạm thời, chưa cố định.
Hiện nay, hàng năm diện tích trồng rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 30.000ha, dự kiến nhu cầu giống lâm nghiệp cần là 75.000.000 cây con/năm.
Đối với giống thuỷ sản, trong đó tôm sú hiện có 35 cơ sở tại Điện Dương hoạt động sản xuất cung ứng tôm giống chủ yếu cho các tỉnh Bắc Trung bộ, miền Tây và hầu hết các hộ nuôi tôm sú trong tỉnh với sản lượng con giống năm 2021 khoảng 300 triệu con. Với nhu cầu tôm sú giống của tỉnh hàng năm khoảng 30 triệu Post, các cơ sở này đáp ứng đảm bảo được nhu cầu nguồn tôm sú giống trong tỉnh.
Đối với tôm thẻ chân trắng, nhu cầu tôm thẻ chân trắng giống hàng năm của tỉnh khoảng 5 tỷ con Post 15. Tuy nhiên, phần lớn tôm giống được người dân lấy trực tiếp từ các cơ sở sản xuất giống tại các tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định.
"Để thực hiện được mục tiêu cung ứng giống tôm thẻ chân trắng trong tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã đầu tư Hạ tầng Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung với diện tích 20 ha tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Hiện tại đã có 3 công ty đầu tư sản xuất, công suất đăng ký thiết kế là 17 tỷ con giống/năm, trong đó có 2 công ty đã hoàn thiện hạ tầng và đang sản xuất là Công ty sản xuất giống thuỷ sản Dương Hùng và Công ty TNHH sản xuất giống thuỷ sản Nam Mỹ. Sản lượng giống tôm thẻ chân trắng được sản xuất trong tỉnh năm 2021 khoảng 300 triệu con P15, bước đầu cung ứng nhu cầu người nuôi trong tỉnh", ông Tích nói.
Trải thảm đỏ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư về giống nông nghiệp
Về giải pháp phát triển giống, trong thời gian đến, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Tỉnh Quảng Nam sẽ triển khai thực hiện Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Đồng thời, nghiên cứu các chính sách để xúc tiến phát triển sản xuất giống đảm bảo yêu cầu về số lượng, chất lượng đáp ứng chủ động nhu cầu về giống nông nghiệp cho sản xuất của tỉnh nhất là đối với các loại giống vật nuôi; giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả chất lượng cao; giống thủy sản phục vụ nuôi biển.
"Quảng Nam đã xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực giống nông nghiệp nhất là các doanh nghiệp giống công nghệ cao. Khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng đăng ký các hình thức lưu hành các giống cây trồng bản địa, đặc sản, các giống cây dược liệu tiềm năng theo quy định để thuận lợi hơn trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh đáp ứng theo yêu cầu.
Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ việc chứng nhận, công nhận lưu hành đặc cách để việc sản xuất, cung ứng giống cây trồng đảm bảo theo quy định; tăng cường hỗ trợ các tổ chức, cá nhân công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.
Đặc biệt, trong thời gian đến, Quảng Nam ưu tiên kêu gọi, có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án sản xuất giống thương phẩm cá biển để đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh…", ông Tích nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.