Ngành nông nghiệp ưu tiên tổ chức lại sản xuất

Thứ hai, ngày 30/12/2013 11:31 AM (GMT+7)
Ngày mai (31.12), Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị tổng kết ngành năm 2013 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch 2014. Đánh giá sơ bộ, sản xuất nông nghiệp 2013 khó khăn hơn rất nhiều, một số chỉ tiêu quan trọng của ngành chưa đạt được...
Bình luận 0
Khó khăn trong tiêu thụ nông sản

Trong năm nay, mặc dù sản lượng các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng cả về tổng sản lượng cũng như năng suất trên một đơn vị diện tích, song thị trường tiêu thụ các mặt hàng này lại gặp rất nhiều khó khăn.
Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet)
Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet)

Nguyên nhân, theo đánh giá của Bộ NNPTNT, là do nhu cầu và giá nông sản trên thị trường thế giới luôn trong xu hướng giảm suốt từ giữa năm 2012 vì các quốc gia nhập khẩu nông sản chính của Việt Nam Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật, Philippines… phục hồi tăng trưởng chậm, sức mua thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của ngành.

Theo một lãnh đạo của Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT), hầu hết các loại nông sản xuất khẩu chủ lực (gạo, cà phê, sắn, cá tra) đều có khối lượng và giá trị xuất khẩu giảm so với năm 2012. Tiêu thụ trong nước cũng gặp khó khăn, nguyên nhân chính là do xuất khẩu giảm (đối với các loại nông sản xuất khẩu như lúa gạo, cá tra, cà phê), đồng thời sức mua trong nước giảm, nhất là phải cạnh tranh với hàng nhập lậu (lợn, gia cầm, đường...).

Cũng theo vị này, trước tình hình một số mặt hàng nông sản (lúa, cá tra, thịt lợn, gia cầm) có khối lượng tồn kho lớn, giá giảm mạnh, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, chế biến, hỗ trợ tiêu thụ để đảm bảo lợi ích cho người nông dân như chính sách hỗ trợ lãi suất tạm trữ, khoanh nợ, giãn nợ…

Để thực hiện các chính sách trên, Bộ NNPTNT đã chủ động cùng các bộ, ngành và địa phương kịp thời xử lý các vấn đề cả ngắn và dài hạn về phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ...

Nhờ triển khai các giải pháp trên, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm đến nay đã được cải thiện đáng kể. Như giá thịt lợn hơi so với thời điểm 6 tháng đầu năm đã tăng đáng kể: Tại miền Bắc, bình quân từ 50.000-52.000 đồng/kg (tăng 9.000-11.000 đồng/kg); tại miền Nam dao động từ 50.000-51.000 đồng/kg (tăng từ 12.000-13.500 đồng/kg).

Đối với lúa gạo, qua 2 đợt tạm trữ đã giúp cho giá lúa từng bước tăng lên. Cụ thể: Đối với vụ đông xuân, khi triển khai tạm trữ giá lúa đã cao hơn so với trước từ 100-200 đồng/kg; vụ hè thu giá lúa tăng 700-800 đồng/kg; gạo tăng 800-1.000 đồng/kg so với trước thời điểm thu mua tạm trữ.

Về xuất khẩu, những tháng cuối năm, thị trường đã chuyển biến tích cực hơn. Xuất khẩu thủy sản, đồ gỗ và lâm sản tăng mạnh. Giá nhiều loại nông sản (lúa gạo, tôm, cá tra, thịt lợn) cả trong và ngoài nước đều tăng.

Nhiều khó khăn chờ đợi

Tuy nhiên, Bộ NNPTNT cũng thừa nhận, tuy tăng trưởng được duy trì và phục hồi vào cuối năm nhưng tính bền vững chưa cao và tính chung cả năm vẫn trong xu hướng chậm dần. Đặc biệt, các giải pháp tiêu thụ nông sản chưa thật sự căn cơ, chiến lược, mới chỉ là các giải pháp tình thế, ngắn hạn. Vì vậy, đây vẫn là “điểm nghẽn” cản trở sự tăng trưởng của ngành.

Theo nhận định của Bộ NNPTNT, năm 2014, từ khó khăn chung của nền kinh tế, kéo theo việc huy động nguồn lực xã hội cho nông nghiệp, nông thôn sẽ còn nhiều khó khăn. Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, mục tiêu chung của ngành NNPTNT là thực hiện tái cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng, từng bước xây dựng nền nông nghiệp giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.

Các mục tiêu cụ thể mà Bộ NNPTNT đề ra cho năm 2014 là: Rà soát, xây dựng, sửa đổi bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp, kiên quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm trên từng địa bàn, từng địa phương, từng vùng và cả nước để vừa phát huy lợi thế của địa phương vừa quản lý sản xuất theo quy hoạch, theo chuỗi giá trị và phù hợp với cung, cầu thị trường.

Trong đó, về sản xuất lúa gạo, tập trung phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, hạn chế diện tích gieo trồng các giống chất lượng thấp (ở ĐBSCL khống chế giống IR 50404 dưới 20%, nhất là vụ hè thu). Đồng thời, mở rộng sản xuất ngô, đỗ tương, sắn, khoai lang bằng các giống mới, năng suất cao làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu (sắn).

Lĩnh vực khoa học- công nghệ cũng được ưu tiên cao nhất. Trong đó, nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển khoa học công nghệ là khâu ”đột phá” để thực hiện tái cơ cấu ngành.

Bộ NNPTNT cũng sẽ ưu tiên tập trung tổ chức lại sản xuất thông qua việc tổng kết kinh nghiệm và phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, nhất là mô hình cánh đồng lớn; đẩy mạnh quá trình liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Tập trung chỉ đạo chuyển đổi HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012; đào tạo cán bộ quản lý nông nghiệp về HTX; hỗ trợ xây dựng mô hình HTX (2-3 HTX/tỉnh) để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.

Giảm bớt diện tích lúa

Chúng ta cần mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm bớt diện tích lúa, tăng diện tích ngô để giảm nhập khẩu, thậm chí có thể quy hoạch cả những vùng trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi bò sữa. Đồng thời, cần gia tăng khâu chế biến đối với lúa gạo và các sản phẩm phụ phẩm. Như năm vừa qua chúng ta chỉ xuất khẩu được có 2,9 tỷ USD lúa gạo, nhưng phải nhập khẩu tới hơn 3 tỷ USD thức ăn chăn nuôi là một sự mất cân đối. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải tích cực triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với Bộ NNPTNT. Đặc biệt, về lâu dài chúng ta cần tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi theo thị trường, theo hướng thị trường thiếu gì, cần gì, thì chúng ta sản xuất cái đó để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thay đổi cơ cấu đầu tư trong nội ngành nông nghiệp

Trong năm tới, chúng ta phải kiên quyết tái đầu tư nội ngành và xã hội, đầu tư xã hội cho nông nghiệp hiện nay chỉ còn 6% là quá ít và đang có xu hướng giảm dần. Trong đầu tư cho nông nghiệp, thì đầu tư cho thủy lợi đã chiếm mất 80% (trong đầu tư giai đoạn vừa rồi , thủy lợi tăng 7 lần, còn các chương trình khác chỉ tăng có 2 lần). FDI cũng giảm từ 8% năm 2001, nay chỉ còn 1%. Do đó, chúng ta phải tái đầu tư ngay của xã hội cho ngành nông nghiệp và chính nội ngành. Về tái cơ cấu nông nghiệp, cũng phải gắn với bố trí lại lao động nội ngành và các ngành khác, vì nếu chính sách không khéo, chỉ một mình ngành nông nghiệp sẽ không làm được…


Nguyên tắc số 1 khi tái cơ cấu nông nghiệp phải tính đến là thị trường, tức là năng suất, chất lượng và hiệu quả cạnh tranh. Tái cơ cấu ngành phải gắn với vùng, phải gắn với điều chỉnh chính sách vĩ mô kịp thời, tiến tới phát triển các sản phẩm theo mục đích.

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NNPTNT

Lê Hân (Lê Hân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem