Ngành thú y Hà Nội cấp huyện sẽ sáp nhập với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Thứ sáu, ngày 08/07/2022 11:21 AM (GMT+7)
Trong 72 năm qua, ngành thú y Hà Nội đã có nhiều thăng trầm, thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ. Mãi đến năm 2013, nhân viên thú y cấp xã mới được trả lương như viên chức. Sắp tới, một lần nữa Thú y cấp huyện sẽ sáp nhập với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và BVTV để đáp ứng yêu cầu mới.
Bình luận 0

Ngành thú y Hà Nội nỗ lực kiện toàn bộ máy, phát triển chăn nuôi hiện đại, hiệu quả

Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 125 SL Ấn định luật lệ bài trừ bệnh truyền nhiễm gia súc. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên của nước ta về công tác thú y, đánh dấu mốc lịch sử cho sự ra đời và phát triển của ngành thú y Việt Nam và cũng là nền tảng của hệ thống pháp luật về thú y.

Tại Hà Nội, trong 72 năm qua, ngành thú y cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, thay đổi về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ. Những năm 1960 – 1970, hệ thống thú y cấp tỉnh mang tên trạm thú y, cấp quận huyện chỉ là bộ phận thú y thuộc Phòng Nông nghiệp và PTNT quận, huyện. Đến thập kỷ 1980, ở cấp tỉnh thành phố chuyển thành Chi cục Thú y, cấp huyện chuyển thành Công ty Thú y hoặc Công ty Dịch vụ Nông nghiệp, mỗi quận huyện lại có một tên gọi khác nhau. 

Đầu thập kỷ 1990, theo Pháp lệnh Thú y năm 1993, thú y cấp tỉnh chuyển thành Chi cục Thú y, cấp huyện có các Trạm Thú y để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thú y. Đặc biệt hệ thống thú y cấp xã, phường trong giai đoạn này chưa được quan tâm thực sự. Chỉ là hệ thống cán bộ xã chuyên làm dịch vụ, có nơi thì được trả bằng thóc, có nơi trả công theo vụ.

Một năm, người làm công tác thú y hàng ngày lăn lộn với công việc (đêm hôm gắn bó với trâu, bò, lợn gà…) đầy gian nan vất vả, có khi nguy hiểm đến tính mạng song cũng chỉ được tính công bằng vài ba chục kg thóc. Vì chưa được quan tâm nên việc ngăn chặn khống chế dịch bệnh tại các cơ sở gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch bệnh xảy ra thiệt hại kinh tế là rất lớn.

Ngành thú y Hà Nội: Thời trả lương cán bộ bằng vài chục kg thóc, đến cuộc "lột xác" đáp ứng nhiệm vụ mới - Ảnh 1.

Cán bộ thú y kiểm tra công tác phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố. Ảnh: Đăng Khôi

Trước bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, năm 2013, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã tham mưu đề xuất UBND Thành phố trình HĐND TP ban hành Nghị quyết 04, trong đó hệ thống thú y xã, phường đã được quan tâm hơn. Lực lượng cán bộ thú y được đầu tư từ cấp TP đến xã, phường, đặc biệt hệ thống thú y đã được quan tâm đến tận thôn, xóm.

Nhân viên thú y xã được trả công lao động như một viên chức, đây chính là "điểm nhấn" trong hệ thống thú y, thực hiện việc thống kê quản lý đàn vật nuôi, giám sát dịch bệnh có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại, rủi ro do dịch bệnh.

Đến năm 2018, một lần nữa Chi cục Thú y có thay đổi, được bổ sung chức năng nhiêm vụ về quản lý chăn nuôi, một tên mới được đồng hành: Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội.

Tên gọi này là trên cơ sở hợp nhất Chi cục Thú y và Phòng Chăn nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT. Tên gọi thay đổi cùng chức năng, nhiệm vụ được bổ sung phù hợp tình hình mới, trong đó phải kể đến nhiệm vụ lớn là thực hiện việc quản lý chăn nuôi, quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, tham mưu đề xuất các chính sách về chăn nuôi trên địa bàn Thủ đô.

Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND TP, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, đặc biệt sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Nông nghiệp và PTNT, sự giúp đỡ của các ngành, đơn vị liên quan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội từng bước ổn định tổ chức và đi vào hoạt động. Hiện tại Chi cục có 5 phòng chuyên môn, 30 trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã, 2 đơn vị trực thuộc (đội Kiểm dịch lưu động, Trạm Kiểm dịch đầu mối giao thông và Chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật), trực tiếp triển khai các hoạt động chuyên môn tại các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ trên địa bàn Thành phố.

Đối với mạng lưới thú y xã, phường thị trấn đã tham mưu để HĐND TP có Nghị quyết quy định hệ thống nhân viên thú y xã phường (với 579 xã, phường, thị trấn) thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và hưởng chế độ như cán bộ "không chuyên trách" cấp xã, theo đúng quy định của Luật Thú y.

Đến nay cả hệ thống đã và đang vận hành ngày càng hiệu quả trong lĩnh vực phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh tại các quận, huyện, thị xã.

Về công tác phát triển chăn nuôi, là Thủ đô song hiện Hà Nội có tổng đàn gia súc gia cấm lớn đứng ở tốp đầu cả nước. Tổng đàn gia cầm 38 - 40 triệu con, đàn lợn 1,5 triệu con, đàn trâu bò 164 ngàn con, đàn chó mèo khoảng 460 ngàn con. Đặc biệt chất lượng đàn gia súc, gia cầm những năm qua được cải thiện đáng kể về chất lượng giống, được nhiều tỉnh, thành đến tham quan học tập kinh nghiệm.

Cụ thể, đàn bò sữa tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đạt 100 %, đã đưa tinh phân ly giới tính để nâng cao chất lượng đàn giống và năng suất sữa. Đàn bò thịt, đàn lợn tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đạt trên 80 %, đàn gia cầm nhiều giống mới năng suất cao được đưa vào thực tế sản xuất. Các giống bản địa được khôi phục, nhiều giống mới năng suất cao trên thế giới đã được đưa vào thực tiễn sản xuất có hiệu quả.

Ngành thú y Hà Nội: Thời trả lương cán bộ bằng vài chục kg thóc, đến cuộc "lột xác" đáp ứng nhiệm vụ mới - Ảnh 2.

Chăn nuôi bò thịt tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì (Hà Nội).

Đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc ngành chăn nuôi

Với vai trò làm công tác tham mưu, ngành thú y Hà Nội đã thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch tái cấu trúc ngành chăn nuôi, chương trình phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Thực hiện tốt việc hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư gắn với mạng lưới giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường thực hiện công tác quản lý các sơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; giống vật nuôi trên địa bàn. 

Đặc biệt những năm qua, thú y Hà Nội đã tập trung tham mưu các chính sách về phát triển chăn nuôi, mà điển hình là chính sách nâng cao chất lượng giống cho các hộ chăn nuôi (cung ứng tinh lợn, bò miễn phí). Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản. Chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hỗ trợ chi phí vật tư, hóa chất cho công tác tiêm phòng, hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và xử lý môi trường chăn nuôi để đảm bảo chăn nuôi phát triển hiệu quả bền vững. 

Đáng chú ý, từ năm 2020 khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu để HĐND TP ban hành Nghị quyết về khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn Thành phố, được chính quyền và người dân đồng thuận cao.

Về công tác Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: Hàng năm thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tổ chức tốt việc tiêm phòng vắc xin định kỳ và bổ sung cho đàn vật nuôi, hàng năm chỉ đạo tổ chức 5 - 6 đợt tổng vệ sinh tiêu độc trên địa bàn toàn Thành phố. 

Chỉ đạo, triển khai có hiệu quả việc kiểm tra việc xuất, nhập động vật, gia súc, gia cầm. Tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 761/QD-UBND ngày 17/02/2020 về việc phê duyệt "Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung", vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, thú y Hà Nội cũng đã tập trung cao độ cho công tác quản lý đàn chó nuôi trên địa bàn các quận, nhằm ngăn chặn bệnh dại; đảm bảo cho hoạt động du lịch, người nước ngoài sinh sống tại Thủ đô thấy được hình ảnh của một Thủ đô xanh, sạch, đẹp, quan tâm đến "Phúc lợi động vật" đó chính là việc quản lý chó nuôi. Đến nay đã có 4 quận (Thanh Xuân, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm) đã được công nhận Vùng an toàn bệnh dại; 44 cơ sở chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. 

Trong thời gian tới, với ngành nông nghiệp nói chung, ngành Chăn nuôi, Thú y nói riêng dự báo có quá nhiều khó khăn, thách thức bởi biến đổi khí hậu, diễn biến dịch bệnh phức tạp, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều bệnh mới, chủng mới xuất hiện, nhiều bệnh truyền lây giữa người và động vật tái nhiễm, môi trường ô nhiễm nặng, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán tỷ lệ còn cao. 

Đặc biệt là khi Thành ủy và UBND TP đã có chủ trương, kế hoạch thí điểm hợp nhất 03 đơn vị cấp huyện (Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và BVTV, Trạm Khuyến nông) thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện quản lý, ngành thú y Hà Nội sẽ có cuộc "lột xác" nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. 

Đó chắc chắn sẽ là những khó khăn thách thức không nhỏ với ngành thú y. Tuy nhiên, phát huy kết quả đạt được sau 72 năm xây dựng và phát triển, ngành Thú y Hà Nội đã và đang thực hiện tốt việc quán triệt sâu sắc đến cả hệ thống công chức, viên chức người lao động chấp hành nghiêm chủ trương của Thành phố. Trong mọi tình huống, ở mọi nơi, mọi lúc vẫn quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao. 

Làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính trong hệ thống, nâng cao năng lực phát huy sở trường của từng người để nâng cao hiệu quả hoạt động. Về chuyên môn, làm tốt hơn công tác dự báo tình hình về phát triển chăn nuôi trước bối cảnh trong nước và trên thế giới có nhiều biến động, diễn biến dịch bệnh khó lường. 

Đặc biệt làm tốt hơn công tác tham mưu về chính sách, nhất là chính sách đặc thù trong phát triển chăn nuôi phòng chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng sinh học, hữu cơ, xây dựng chuỗi liên kết, chăn nuôi công nghệ cao tiến tới xuất khẩu để ngành chăn nuôi ngày càng phát triển hiệu quả, bền vững... 

Trong công tác chống dịch, nhất là đối với các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục..., Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã làm tốt công tác tham mưu để khống chế và ngăn chặn dịch có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất. Tham mưu để chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác hỗ trợ cho người dân có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy tránh trục lợi, đảm bảo nhanh chóng để người chăn nuôi tái sản xuất...



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem