Nuôi bò khổng lồ, người chăn nuôi Hà Nội thu lợi nhuận cao

Trần Quang Chủ nhật, ngày 03/07/2022 10:00 AM (GMT+7)
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - bà Hạ Thúy Hạnh, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn là yêu cầu bắt buộc và được xem là chìa khóa giúp người chăn nuôi gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững.
Bình luận 0

Xây dựng chuỗi liên kết nuôi bò thịt

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT), trong thời gian qua, chăn nuôi trong nước đã xây dựng được nhiều chuỗi liên kết các đối tượng cùng tham gia sản xuất, kinh doanh (giữa các nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đến người tiêu dùng…), chủ yếu là tham gia chăn nuôi gia cầm, lợn và bò sữa... 

Có thể kể đến như Công ty CP Việt Nam, Jappfa, De Heus, GreenFeed, Vinamilk, TH Truemilk… Tuy nhiên, chăn nuôi bò thịt chủ yếu vẫn còn trong nông hộ, chưa có hoặc bước đầu hình thành liên kết sản xuất.

Chia sẻ tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề "Giải pháp phát triển chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị sản phẩm" do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức mới đây, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, Hà Nội đã có quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, song tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn cao, chiếm 60%. Còn có nhiều trang trại chăn nuôi phát triển theo hướng tự phát...

Nuôi bò thịt theo chuỗi giúp tăng lợi nhuận - Ảnh 1.

Các đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi bò thịt theo chuỗi liên kết ở Ba Vì (Hà Nội) ngày 27/6. Ảnh: T.Q

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội kiến nghị: Bộ NNPTNT cần điều chỉnh mật độ chăn nuôi phù hợp với đặc thù chăn nuôi của thành phố; xây dựng và hướng dẫn cơ quan quản lý cấp tỉnh xây dựng, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi…

Ông Sơn cho biết thêm, định hướng đến năm 2030, Hà Nội có 70% sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn được sản xuất theo các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết; tỷ trọng gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung, công nghiệp đạt tương ứng khoảng 70%; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được đưa vào sơ chế, chế biến công nghiệp so với tổng sản lượng thịt đạt từ 50% vào năm 2030.

Theo ông Sơn, Hà Nội đã áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò thịt, đặc biệt là công tác cấy truyền phôi, lai tạo giống bằng tinh bò thịt cao sản nhập ngoại, tinh phân ly giới tính… nhằm tăng nhanh tiến bộ di truyền, năng suất và chất lượng.

Tuy vậy, ông Sơn cho rằng: Để phát triển chăn nuôi bò thịt và tiêu thụ, cần xây dựng chuỗi liên kết; trong đó phát triển mô hình liên kết sản xuất giữa hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại, hợp tác xã với các doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ thịt bò... 

"Quan trọng hơn là phải xây dựng, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao. Ở đó, ứng dụng rộng rãi công nghệ số trong quản lý hoạt động chăn nuôi. Để làm được điều này, đòi hỏi các cơ quan rà soát, đề xuất bổ sung chính sách đặc thù đối với phát triển chăn nuôi bò thịt, nhằm thúc đẩy phát triển ổn định, bền vững phù hợp với từng giai đoạn" -ông Sơn nêu.

Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hạ Thúy Hạnh, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn là yêu cầu bắt buộc và được xem là chìa khóa giúp người chăn nuôi gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững.

Tiếp tục xây dựng các mô hình, đào tạo, tập huấn nuôi bò thịt

Dẫn chứng thêm về hiệu quả của các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, bà Hạ Thúy Hạnh cho hay: Trong những năm gần đây, Trung tâm đã triển khai các hoạt động, dự án góp phần phát triển chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả cao như Dự án "Xây dựng mô hình cải tạo để nâng cao năng suất đàn bò thịt địa phương" triển khai tại Ninh Thuận.

Dự án trên đã giúp người dân nâng cao kiến thức kỹ thuật cải tạo đàn bò thịt địa phương, tăng năng suất đàn bò thịt thông qua việc chọn lọc bò cái nền và áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, dùng tinh bò Brahman, bò BBB..., mang lại thu nhập cao và bền vững hơn cho người chăn nuôi.

Bà Hạnh khẳng định: Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình, đào tạo, tập huấn và thông tin tuyên truyền về chăn nuôi VietGAHP, an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi để kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc từ nguyên liệu đầu vào như giống, thức ăn, vật tư chăn nuôi, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng đến khâu vận chuyển, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Đặc biệt, gắn liên kết từ chăn nuôi đến thu mua, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phát huy khả năng của từng thành viên để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.

"Trong các giải pháp, đơn vị sẽ ưu tiên xây dựng các mô hình chăn nuôi trang trại, đồng bộ khép kín từ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị mới, hiện đại; giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, xử lý môi trường…" - bà Hạnh chia sẻ.

Ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, các đơn vị cần cải thiện chuỗi cung ứng nhập khẩu, tập trung vào hiệu suất và năng lực quản lý của các trang trại nuôi vỗ béo tập trung nhằm tăng tính ổn định về giá cả, năng lực cung cấp và giảm thiểu chi phí, rủi ro.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem