Phim Reply 1988 của Hàn Quốc có một câu thoại đã thành kinh điển: “Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố. Bố cũng là lần đầu tiên làm bố. Cho nên con à, hãy lượng thứ cho bố nhé”.
Tôi vẫn nhớ ngày con trai tôi ra đời. Tôi ngồi trước cổng bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, nhìn một cốc trà đá và nghĩ: Thế là mình sắp làm bố thật à. Giây phút đó tôi cảm thấy sợ hãi – có lẽ nhiều hơn vợ (vì tôi có phải đẻ đâu, chỉ xin nghỉ phép lê la ở cổng bệnh viện suốt mấy ngày, nên có thời gian nghĩ vẩn vơ). Tôi sợ, vì bất giác nhận ra rằng từ bây giờ, thành công hay thất bại trong cuộc đời, hạnh phúc hay cay đắng, mình không được tự quyết định một mình nữa. Thành-bại, sướng-vui trong đời từ bây giờ phụ thuộc vào một khách thể nằm hoàn toàn ngoài bản thân, ngoài quyền quyết định của bản thân.
Rồi điện thoại reo, bà nội gọi, quát, “Con ra rồi mà lại đi đâu rồi”. Tôi giật mình chạy vào, thấy cô y tá đang bế một em bé chạy trong hành lang, tôi chỉ kịp nhìn thấy chân. Chẳng biết làm gì.
Tôi nghĩ nhiều người chia sẻ sự bối rối ấy, dù có lúc hiển hiện có khi mơ hồ, trong suốt cuộc đời nuôi con.
Rồi con lớn lên, đi học mẫu giáo, vào lớp 1, rồi lên từng lớp. Mỗi giai đoạn của con, lại là một lần mơ hồ sợ hãi. Có rất nhiều niềm vui, vì nó biết nói, biết vẽ, biết hát, gần đây còn biết xem và bình phẩm cả Rap Việt. Nhưng luôn là những bất an: liệu mình làm thế này đã đúng chưa? Liệu có điều gì mình chưa biết không? Cái gì là tốt nhất cho tương lai của thằng bé?
Ai cũng biết rằng mình “lần làm cha mẹ” này, dù bạn đã có mấy nhóc, đều là lần đầu tiên và cũng là lần sau cuối trong cuộc đời này. Lúc nào chúng ta cũng cảm thấy bối rối, cũng cảm thấy mình còn nhiều điều chưa biết. Và quãng đường đời con đi học, cũng là quãng đường đời chúng ta đi học.
Bạn có thể lên các nhà sách và vào quầy sách kinh doanh, sách đối nhân xử thế, sách tướng số - nói chung là các loại sách đóng gói công thức thành đạt. Bạn sẽ nhận ra rằng người ta dạy một người lớn cách quan hệ với đủ loại người: với giới chủ, với khách hàng, với nhân viên, với đồng nghiệp, với bạn đời… Gần đây còn có cả dòng bí kíp quan hệ với nhà đầu tư.
Nhưng không thấy ai dạy nhau cách quan hệ với một thiết chế vô cùng quan trọng trong đời chúng ta: trường học của con, thầy cô giáo của con, bạn bè và phụ huynh bạn bè của con.
Tôi nghĩ nếu xếp hạng các đối tác quan trọng với cuộc đời chúng ta, thì chắc trường học của con phải đứng bét là ở top 3 hoặc top 5. Nhưng giờ mà tôi mở một khóa “Quan hệ với trường học của con” thì chắc bị cười cho thối mũi. Chúng ta không có thói quen đặt vấn đề rằng đó là một mối quan hệ cần rất nhiều đầu tư, nhiều sự thận trọng, khôn khéo, và đôi khi là cả sự vị tha.
Một môi trường giáo dục tốt không thể thiếu vai trò của những phụ huynh. Và chúng ta – những phụ huynh Việt Nam ở thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21 – còn phải nỗ lực nhiều hơn các thế hệ trước.
Nỗ lực nhiều hơn, và cả vị tha nhiều hơn, bởi chính các trường học Việt Nam trong kỷ nguyên này cũng đang có những cuộc vật lộn của riêng mình. Chính phụ huynh cũng không dám chắc rằng mái trường giờ là nơi “cung cấp dịch vụ” (và thầy cô giáo là nhân viên ngành dịch vụ) hay là một thánh đường nơi các bậc sư phụ được tôn trọng tuyệt đối. Chính các sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm, cũng không dám chắc rằng đó là một nghề có thể nuôi sống tốt bản thân, hay là một sự nghiệp giàu đức hy sinh như thầy cô của họ.
Chính bạn, trong một group chat Zalo nào đó của phụ huynh, sẽ bối rối khi có một phụ huynh cương quyết căn vặn thầy cô giáo như căn vặn một người bán hàng. Phụ huynh đó cho rằng mình có quyền làm thế, mà bạn cũng chẳng biết phản biện sao.
Thầy cô, những người giờ bắt đầu giữ cương vị chủ nhiệm ở tuổi ngoài 30 – tức là “thế hệ 9x” như báo chí một thời dùng để gọi lũ trẻ trâu – thực ra cũng bối rối. Ở buổi giao thời của nền kinh tế, chính họ cũng không dám chắc mình là người cung cấp dịch vụ hay vẫn là hình tượng “người thầy” thiêng liêng trong quá khứ.
Hiệu trưởng cũng chẳng khá hơn: sau cuộc căn vặn của vị phụ huynh kia, nếu căng thẳng quá, tốt nhất là cứ thay giáo viên chủ nhiệm cho lớp, đỡ mang tiếng.
Chúng ta thuộc về một thế hệ chứng kiến cuộc tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong lịch sử đất nước, không chỉ về chỉ số, mà còn về cách tư duy. Từ bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, từ cách nghĩ này chuyển sang cách nghĩ kia. Nhảy xong rồi, ai cũng bối rối.
Nỗ lực nhiều hơn, và vị tha nhiều hơn, bởi nền giáo dục phổ thông chưa sẵn sàng cho cuộc hội nhập kinh tế. Sách giáo khoa thì không thay đổi được ngày một ngày hai – dù ai cũng biết rằng cần đào tạo ra những người Việt Nam mới, có những kỹ năng mới so với thế hệ trước. Chính phủ cũng không lảng tránh thực tế này. Nhưng chương trình giáo dục cũng không thay đổi ngay sau vài cái comment trên mạng của phụ huynh được. Thầy cô, cũng hơn một lần, thừa nhận rằng mình bối rối.
Nền kinh tế đi nhanh đến mức tưởng rằng chúng ta, chính thế hệ phụ huynh cuối 7x đến đầu 9x vừa bước qua một cánh cửa thần kỳ. Nhưng bên này cánh cửa, chúng ta có một mái trường như trong thơ văn cũ: phụ huynh hình như ai cũng nghèo, tất cả đều học trường công, và thầy cô như những vị thánh quên mình cho sự nghiệp giáo dục. Bên kia cánh cửa, rõ ràng không phải mái trường cũ, vì có nhiều phụ huynh nói giọng có tiền lắm, tiền đóng cũng có vẻ nhiều lên, mà ứng xử với cái trường mới này thế nào nhỉ?
Tôi muốn quay lại với ý ở đầu bài. Rằng chúng ta ai cũng hiểu cái cảm giác bất an mơ hồ, rằng mình không biết đã làm đúng chưa, với con. Vì chúng ta chẳng ai sinh ra đã làm cha mẹ.
Và làm phụ huynh cũng thế. Chẳng ai sinh ra đã làm phụ huynh. Nên ngày khai giảng của con, cũng là ngày khai giảng của chúng ta – những người làm cha mẹ. Ở đó, với sự nhẫn nại, vị tha, và quan trọng nhất là sự khiêm tốn, ta có thể học được nhiều bài học trong đời – và giúp mái trường ấy tốt lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.