Tôi đã sống và lớn lên giữa miệt sông nước miền Tây, nơi
những dòng sông cùng hội tụ thành vùng đất “chín rồng” cây trái xum xuê.
Trong cơ chế hội nhập
quốc tế hiện đại văn minh đến đâu, nhưng chợ nổi trên sông nước vẫn tồn tại
phát triển như một yếu tố văn hoá tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng
đồng dân cư vùng sông nước thanh bình ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nét độc đáo chợ nổi sông nước
kết hợp với du lịch miệt vườn chỉ có ở nơi này.
Bồng bềnh trên chợ nổi
Chợ nổi ĐBSCL có từ bao giờ
chẳng ai nhớ. Nhưng bao đời nay đã hình thành một nền kinh tế văn hoá sông nước
mang tính cộng đồng. Việc đi lại giao lưu văn hoá, phát triển kinh tế hàng hoá
bằng đường thuỷ, nhóm họp buôn bán trên sông, giúp họ dễ dàng hoà nhập cộng
đồng, trỡ thành tập quán trên bến dưới thuyền. Phải chăng chính vì thế mà tạo
nên tính cách phóng khoáng cởi mở của người dân sông nước Nam bộ.
Ở miền Tây Nam Bộ có nhiều
chợ tiêu biểu: Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng, Phong Điền (T.P Cần Thơ),
Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng), Măng Thít, Trà Ôn (Vĩnh
Long), Cà Mau…Chợ nổi khác với chợ trung tâm đô thị, chợ xã – chợ nông thôn,
chợ chồm hổm, chợ chạy và càng khác xa với chợ tình, chợ phiên…ở miền Bắc.
Đặc biệt, các chợ nổi là đầu mối giao lưu lớn nhất của
khu vực, tập trung đủ các loại trái cây và là nơi hội tụ của nhiều dòng sông từ
các nơi đổ về, mỗi ngày có đến hàng trăm thương hồ tấp nập ngược xuôi, hàng hóa
bày bán phong phú.
Chợ nổi Cái Răng ngày xuân nhộn
nhịp hẳn lên, treo lủng lẳng với đủ loại màu sắc đong đưa mời gọi khách.
Ngày trước, chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) quê tôi cũng
giống như nhiều chợ nổi khác ở đồng bằng sông nước miền Tây. Mới hơn 3 giờ
sáng, sương sớm hãy còn lạnh buốt mà thuyền, ghe đã tấp nập từ các nhánh kênh đổ
về Cái Răng vui như ngày hội. Tiếng động cơ máy thủy hòa lẫn tiếng chào hỏi,
nói cười làm rộn rã cả vùng sông nước, xuồng ghe đã chen kín, một số kết lại
thành chùm năm bảy chiếc, chòng chành theo nhịp sóng vỗ dập dềnh hòa cùng với
tiếng dầm khua nước lanh tanh, tạo nên một âm vang nhịp nhàng và sâu lắng.
Trên
bến người khuân kẻ vác, dưới ghe rộn rã tiếng cười, tiếng nói huyên thuyên của
người mua kẻ bán khiến cho chợ nổi trở nên rộn ràng, tất bật không thua gì chợ
họp trên bờ. Qua ánh đèn pha, nhìn vào những “cây bẹo” treo lủng lẳng nào là
cải bắp, khoai tây, cà chua, dưa, hành, tỏi, ớt... là những hàng hóa mà thuyền,
ghe rao bán.
Có thể nói, chợ nổi Cái Răng có hầu hết các sản vật mà đồng bằng
sông Cửu Long có, từ các loại gạo nổi tiếng của “vựa lúa” tới rau, củ, quả tươi
ngon của miệt vườn, rồi tôm, cá, cua, ếch... nhiều vô kể, là tặng phẩm quý giá
mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khu vực hạ nguồn sông Mê Kông. Đứng trên bờ
nhìn xuống chợ nổi nhóm họp lung linh với đủ loại màu sắc của các loại đèn như
đêm hội hoa đăng, cùng cảnh người mua bán mặc cả.
Những ngày trước và sau Tết, chợ nổi Cái Răng xôm tụ
hẳn lên, người đi chợ đông vui hơn, nhưng dường như con người vẫn thế, vẫn bình
dị mộc mạc đến quê mùa. Tình người chợ nổi được thể hiện trong mỗi cử chỉ, lời
nói mộc mạc, thân thiện cũng như trên những gương mặt rạng ngời và ánh mắt vô
tư. Có dịp lang thang giữa phiên chợ nổi, mặt nước dưới chân tôi vẫn xôn xao,
vẫn ồn ào tiếng người, tiếng máy vẫn sôi động nhịp sống trên những dòng kinh
hiền hoà. Bên cạnh người đi chợ có khá nhiều du khách đi chợ không chỉ để mua
sắm mà cốt để tìm hiểu nét sinh hoạt đặc trung văn hoá chợ nổi Nam Bộ.
Với khách phương xa, đi chợ trên sông là để xem, để
khám phá cái nguyên khí một miền quê lạ. Tôi hy vọng bạn bồng bềnh chợ nổi quê
mình. Khoe cái sầm uất, rộn ràng của chợ nổi quê mình, cho bạn cảm nhận cái man
mác buổi nhóm chợ nổi. Bạn không cần ghé vào từng ghe để xem hàng họ bán những
gì, chỉ cần chèo chậm, thong thả ngang qua chợ.
Bạn cứ nhìn các nhánh cây thon,
dài buộc ở đầu ghe kia, trên cây treo gì thì ghe bán thức ấy, lúc la lúc lỉu
trông lạ vậy, nhưng đó là tiếng chào mời không lời. Chẳng cần rao bán, chèo kéo
nhưng khách nào cầm lòng mà bỏ đi. Cầm lòng được sao với cái màu đỏ au au của
chùm chôm chôm, vàng ươm của khóm, xoài, xanh riết của cóc, ổi, tím của cà...
Du Xuân miệt vườn
Không
có gì thú vị bằng những ngày Tết có dịp về du xuân sông nước miệt vườn đồng
bằng Sông Cửu Long, được ngắm chợ nổi luôn nhộn nhịp, đi dưới vườn cây trĩu quả
thưởng thức trái cây miệt vườn nức tiếng thơm ngon và bữa tiệc ngọt ngào hương vị thức ăn đồng quê “sệt”
chất Nam bộ.
Du khách khoan thai mái
chèo theo những con rạch đỏ nặng phù sa quanh co luồn vào các nhánh sông chằng
chịt.
Xin mời bạn đến vườn Mỹ Khánh, vườn ông út Trung, Thuỷ
Tiên, Xuân Mai (huyện Phong Điền – T.P Cần Thơ), cù lao Tân Quy thuộc xã An Phú
Tân (Cầu Kè – Trà Vinh)… sẽ gặp đủ loại đặc sản miệt vườn được ưa thích. Tất cả
trái cây đều được chủ vườn dọn sẵn mời du khách. Xuân về, Tết đến. Nắng vàng
chan hoà trong vườn cây trĩu trái. Tiếng chim ca ríu rít trong vườn cây.
Miệt
vườn khởi sắc, hàng dứa xanh lưa thưa bên dòng nước, ruộng vườn bát ngát bao
la. Vạn vật như bừng lên sức sống. Từ bến Ninh Kiều, bạn xuống thuyền hoặc
xuống ba lá khoan thai mái chèo theo những con rạch đỏ nặng phù sa quanh co
luồn vào các nhánh sông chằng chịt, với những rặng cây bần trầm mặc ven sông,
bụi ô rô mọc hoang bên bờ đất, ghe thuyền đi qua những mảnh vườn, khiến du
khách tham quan được mát mắt với một màu xanh bất tận.
Đến miệt vườn du khách thích thú nhất
thấy những quả bưởi to tròn đang đong đưa trên cành. Những hàng mận, chôm chôm,
nhản, dâu Hạ châu, bưởi thẳng tăm tắp với tán xoè rộng đang trĩu quả, cùng những
hàng dừa nghiêng bóng soi bóng…Khi du xuân, đến đây sự mệt mõi dường như tan
biến bởi không khí mát mẻ, gió sông nhè nhẹ, bóng cây râm mát tạo cảm giác thư
thái dễ chịu. Du xuân ở miệt vườn, du khách được ngắm và thưởng thức trái chín
tại vườn nên ai cũng thích. Chỉ cần với
tay đã có trái ăn liền.
Ngày
xuân đi du lịch miệt vườn phải ăn uống theo kiểu đồng quê, thưởng thức ca nhạc
tài tử cải lương mới đúng điệu. Ngồi
trong sân vườn, khách thưởng thức bữa tiệc ngọt ngào hương vị thức ăn thời khẩn
hoang mở đất của ông cha ta xưa. Thực đơn ở đây khá phong
phú cả vài mươi món ăn dân dã đặc thù đồng quê ĐBSCL như ốc luộc cơm mẻ, chuột
đồng nướng, ếch xào sả ớt, lươn hấp bầu, lẫu mắm cá kèo, canh chua cá bông lau,
cháo cá lóc, ốc luộc mẻ, lẩu mắm cá kèo,
chuột đồng nướng, cá rô kho tộ...
Sau mùa nước nổi, cá vào tận trong kênh rạch,
chỉ cần một chiếc xuồng ba lá cùng một người chèo, người còn lại cầm vợt sâu
lòng vục trong nước một loáng đã nặng tay cá. Những con cá linh, sặc rằn… mang
về móc ruột, rửa sạch, cho vào nồi kho lạt với vài trái me sống cùng hành hương
xắt khúc. Giằm me cho chua, giằm ớt xanh cho cay, bạn sẽ có một bữa ăn, chẳng
bậc vương giả nào có được, dù giản dị chỉ chấm với những đoạn bông súng trắng
tinh và những cánh bông điên điển vàng tươi màu nắng, giòn, ngon lạ không chê
vào đâu được. Đặc biệt với bông điên điển nở vàng đầy đồng nấu cánh chua với cá
linh, cá lóc không gì ngon bằng…chỉ thôi thúc bạn gắp ăn cho đã thèm.
Muốn
lai rai có rượu nếp chất men cay nồng,
cùng vị chua chua, ngòn ngọt của trái chùm ruột hấp dẫn lạ, vị gắt nhưng hậu
ngọt miên man lan thắm cổ họng. Khách ăn và uống mãi đến ấm người và hồng đôi
má. Tráng miệng trái cây có sẵn trong vườn.
Vừa thưởng thức món ngon vật lạ bạn vừa được nghe tiếng đàn giọng hát
những bản vọng cổ mùi rệu, những điệu lý thân thương, một loại hình văn hoá đặc
sắc của miền Tây. Những câu vọng cổ ngọt ngào cùng tiếng đàn bầu, đàn kìm…nghe
nao nao lòng. Xuất hiện những cô thôn nữ mặc áo bà ba, xuống giọng ca bài: “Dạ
cổ hoài lang” ngọt và êm như ru.
Một lần du Xuân bồng bềnh trên sông nước miệt vườn, bạn sẽ không quên
những giờ phút sống với thiên nhiên sông nước miệt vườn trong lành và tận hưởng
những thú vui đồng nội. Với những người dân quê chân chất, cởi mở, mộc mạc,
hiền lành và giàu lòng hiếu khách, nhớ những vị ngọt của trái cây, những món ăn
dân dã Nam Bộ tuyệt vời và được nghe tiếng đàn bầu, kìm, nhị nghe não lòng,
cùng giọng hát những bản vọng cổ ngọt ngào mùi rệu.
Phương Nghi (Phương Nghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.