Nghệ An: Bản dân tộc Thái giữa núi rừng Pù Mát chẻ nan đan những món đồ truyền thống bán sang tận châu Âu

Cảnh Thắng Thứ năm, ngày 18/11/2021 06:31 AM (GMT+7)
Làng nghề mây tre đan truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) nằm giữa núi rừng Vườn Quốc gia Pù Mát. Nhiều sản phẩm đan lát đẹp, lạ, mang tính hoài cổ do bà con làm ra đã xuất khẩu sang các thị trường Đức, Pháp và Nhật Bản...
Bình luận 0

Video: Làng nghề mây tre đan của đồng bào dân tộc Thái, bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An Các sản phẩm mây tre đan thủ công mỹ nghệ của dân bản đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật Bản. Video: Cảnh Thắng

Làng nghề mây tre đan giữa núi rừng Pù Mát

Ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư huyện ủy huyện Con Cuông (Nghệ An) giới thiệu với chúng tôi về làng nghề mây tre đan giữa núi rừng Vườn Quốc gia Pù Mát của bà con dân tộc Thái ở bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông.

Chúng tôi rất tò mò, muốn tận mắt thấy tai nghe về các sản phẩm mây tre đan của đồng bào dân tộc Thái có thể xuất khẩu sang thị trường khó tính như Pháp, Đức, Nhật Bản. Vượt gần 200 km, chúng tôi đã tìm lên bản Diềm và tìm hiểu về sản phẩm mây tre đan của người dân nơi đây.

Nghệ An: Làng nghề mây tre đan giữa đại ngàn Pù Mát, sản phẩm làm ra đến đâu xuất khẩu đến đó   - Ảnh 2.

Đường vào bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An nay đã được bê tông hóa. Ảnh: Cảnh Thắng.

Bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) chỉ có 153 hộ dân sinh sống. Bà con trog xã chủ yếu là dân tộc Thái và và tộc người Đan Lai sống nương tựa vào nhau giữa đại ngàn Vườn Quốc gia Pù Mát. 

Do sinh sống ở vùng núi rừng nên diện tích đất trồng lúa ở bản Diềm rất ít, cuộc sống của đồng bào quanh năm trồng chờ lộc rừng để mưu sinh.

Nghệ An: Làng nghề mây tre đan giữa đại ngàn Pù Mát, sản phẩm làm ra đến đâu xuất khẩu đến đó   - Ảnh 3.

Các thành viên Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm đan các sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật Bản. Ảnh: Cảnh Thắng

Bản Diềm là vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát, nguồn nguyên liệu đan lát từ rừng rất sẵn có, trong đó chủ yếu là cây mây, cây tre. 

Từ xa xưa người dân bản Diềm đã biết tạo ra những sản phẩm mây tre đan nhằm phục vụ cuộc sống thường ngày như ghế ngồi, đũa ăn, mâm cơm, rá đựng, gùi, ép xôi...Từ những sản phẩm đầu tiên làm để phục vụ cuộc sống, dần dần người dân bản Diềm đã có tay nghề và mở rộng ra nhiều người trong bản biết đến nghề mây, tre đan này.

Đầu năm 2014, một nhóm hộ làm sản phẩm mây, tre đan bản Diềm được thành lập với 17 thành viên.

Nhóm hộ cung cấp các sản phẩm cho sinh hoạt hàng ngày như quạt, mâm cơm bằng mây, rổ rá, gùi, ép xôi...Các sản phẩm này khi làm ra, người dân lập những tổ nhỏ đi bán tại các phiên chợ và dần dần bán khắp các nơi trong huyện Con Cuông.

Nghệ An: Làng nghề mây tre đan giữa đại ngàn Pù Mát, sản phẩm làm ra đến đâu xuất khẩu đến đó   - Ảnh 4.

Đôi bàn tay điêu luyện của người phụ nữ Thái nơi đại ngàn Pù Mát đang chẻ những sợi tre để đan những sản phẩm mây tre đan xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Thắng

Với mong muốn phục hưng lại nghề truyền thống của bản làng, các thành viên không ngừng học hỏi, hoàn thiện sản phẩm của mình.

Bà con còn nghiên cứu những sản phẩm mới với mẫu mã mới, nhằm hướng tới những thị trường khó tính nhất. Năm 2015, Hợp tác xã mây, tre đan bản Diềm đã ra đời.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, em Vy Thị Cẩm Ly (15 tuổi) cho hay: Hàng ngày ngoài việc học tập em phụ giúp bà làm các công việc trong tổ nhóm mây, tre đan. 

"Hiện nay sau hơn một năm học nghề cháu cũng đã đan được các loại vật dụng thông thường. Những ngày thứ 7, chủ nhật không đến lớp cháu tranh thủ ra nhà văn hóa cộng đồng cùng với bà và mọi người đan các sản phẩm để bán lấy tiền kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình và mua sách vở".

Nghệ An: Làng nghề mây tre đan giữa đại ngàn Pù Mát, sản phẩm làm ra đến đâu xuất khẩu đến đó   - Ảnh 5.

Em Vy Thị Cẩm Ly (15 tuổi) là "nghệ nhân" nhỏ tuổi của làng nghề mây tre đan bản Diềm đang đan sản phẩm của mình để kiếm tiền phụ giúp gia đình và mua sách vở học tập. Ảnh: Cảnh Thắng

Trong khi đó bà Vy Thị Nội (72 tuổi), xâu những sợi mây rất điêu luyện để tạo nên những sản phẩm mây, tre đan kỳ công, tỉ mỉ, đẹp mắt. 

"Mỗi ngày tôi đan được 2 chiếc mẹt nhỏ, bán được 100.000 đồng, từng đó tiền cũng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày rồi", bà Nội cho biết.

Hiện tại làng nghề mây tre đan bản Diềm có 54 hộ tham gia với 75 thành viên. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thu nhập của làng nghề cũng giảm rất nhiều. 

Tuy nhiên, do sản phẩm làm ra khá tỉ mĩ, đẹp mắt lại làm thủ công nên khi sản phẩm hoàn thành cũng có một số nơi tiêu thụ. Mỗi lao động chính trong HTX cũng có thể kiếm được xấp xỉ 4 triệu đồng/tháng.

Nghệ An: Làng nghề mây tre đan giữa đại ngàn Pù Mát, sản phẩm làm ra đến đâu xuất khẩu đến đó   - Ảnh 6.

Những người phụ nữ dân tộc Thái bản Diềm, xã Châu Khê (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) rất kỳ công bên sản phẩm mây tre đan của mình. Ảnh: Cảnh Thắng

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Lang Thị Hoa - Chủ nhiệm hợp tác xã mây tre đan bản Diềm cho biết: "Trước đây mỗi tháng làng nghề xuất khẩu khoảng 500 sản phẩm. Tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 sản phẩm xuất khẩu sang các nước châu Âu và Nhật Bản giảm đi một nửa, thị trường trong nước cũng hạn chế. Dù khó khăn, nhưng mỗi tháng hợp tác xã cũng thu về 250-300 triệu đồng".

Cũng theo bà Hoa, gia đình bà có 3 người trong gia đình tham gia làng nghề mây, tre đan. Tthời điểm chưa có Covid-19 thì mỗi tháng gia đình thu nhập khoảng 10-15 triệu đồng. Nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hàng không xuất khẩu được nhiều, hầu như chỉ bán trong nước vì thế thu nhập của gia đình chỉ còn khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Đưa mây, tre đan núi rừng vươn ra thị trường thế giới

Từ khi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã chia sẻ kết quả, bài học kinh nghiệm từ dự án hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ 4.0 đã tạo cơ hội cho Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm có hướng đi mới trong thời kỳ hội nhập.

Nghệ An: Làng nghề mây tre đan giữa đại ngàn Pù Mát, sản phẩm làm ra đến đâu xuất khẩu đến đó   - Ảnh 7.

Những đường đan rất cầu kỳ và đẹp mắt. Ảnh: Cảnh Thắng

Trong đó, việc ứng dụng công nghệ mới như sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, sử dụng điện thoại thông minh và internet trong thương mại điện tử đã tạo ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Trong dự án, nổi bật nhất là "Sáng kiến 4M (Meet, Match, Mentor and Move - gặp gỡ, kết nối, đồng hành và phát triển).

Dự án đã tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số có thể khởi nghiệp, tham gia và mở rộng sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường và liên kết kinh doanh, quảng bá và bán sản phẩm trên thị trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. 

Nhiều phụ nữ tại các tỉnh Nghệ An, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang...đã chia sẻ việc áp dụng công nghệ giúp họ thay đổi tư duy, bằng nỗi lực của bản thân làm giàu giúp đỡ gia đình mình.

Được giới thiệu tham gia diễn đàn, bà Lang Thị Hoa được tiếp cận và cung cấp kiến thức về công nghệ 4.0 như công nghệ vận chuyển, ứng dụng internet quảng bá sản phẩm. 

Cách làm này giúp kết nối các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để mở rộng quy mô kinh doanh sản phẩm. Hiện sản phẩm mây tre đan của hợp tác xã bản Diềm đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Đức và Pháp, mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong bản.

Bà Hoa cho biết: "Lưu giữ nghề mây tre đan truyền thống của đồng bào dân tộc Thái và đưa sản phẩm vươn ra thị trường thế giới là tâm huyết của tôi và chị em trong tổ mây tre đan bản Diềm. Trải qua nhiều khó khăn, hiện sản phẩm của chúng tôi đã được xuất bán ra thị trường trong nước và nước ngoài mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con".

Nghệ An: Làng nghề mây tre đan giữa đại ngàn Pù Mát, sản phẩm làm ra đến đâu xuất khẩu đến đó   - Ảnh 9.

Bà Lang Thị Hoa - Chủ nhiệm hợp tác xã mây tre đan bản Diềm bên những sản phẩm hoàn thành của các xã viên của mình chuẩn bị xuất bán sang thị trường châu Âu. Ảnh: Cảnh Thắng

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Kha Văn Thương – Chủ tịch UBND xã Châu Khê, huyện Con Cuông cho hay, làng nghề mây tre đan ở bản Diềm có từ lâu đời. Lúc đầu người dân chỉ làm để phục vụ gia đình nhưng về sau họ phát triển thành từ nhóm tổ sau đó thành lập hợp tác xã và phát triển nghề mây, tre đan theo hướng thị trường. 

"Hiện nay, hợp tác xã mây tre đan bản Diềm là mô hình hay để phát triển kinh tế địa phương, dù quy mô nhỏ những cũng cho thu nhập ổn định cho bà con. Mới đây sản phẩm mây tre, đan nơi đây cũng đã xuất khẩu sang thị trường Pháp, Nhật Bản và Đức nên bà con cũng mừng lắm...", ông Kha Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem