Biến ruộng trũng thành ao nuôi ốc
Hộ gia đình anh Lê Văn Giang, ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) là một trong những hộ điển hình trong mô hình nuôi ốc bươu đen tại địa phương.
Anh Giang tâm sự với phóng viên Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt: “Mô hình nuôi ốc bươu đen là tôi ấp ủ từ lâu rồi, vì đầu ra của nó luôn được thị trường đón nhận. Ban đầu, tôi tận dụng hơn 1.000m2 ao nuôi cá để nuôi chung với ốc bươu đen thấy hiệu quả tức thì. Tôi đã mạnh dạn tận dụng thêm 4.000m2 ao nuôi cá nữa để nuôi ốc, khi ốc xuất bán thương lái đến đặt mua ngay, nhiều lúc chúng tôi không đủ hàng để bán ấy...".
Mô hình nuôi ốc bươu đen của hộ gia đình anh Lê Văn Giang, xã Đức Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) cho thu nhập cao, ổn định. Ảnh: Cảnh Thắng
“Thời gian đầu nuôi loại ốc này, do thiếu kiến thức thực tế nên tôi gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, qua học hỏi kinh nghiệm ở nhiều mô hình khác, rồi đọc các bài báo về những điển hình nuôi ốc bươu đen trên báo Nông thôn Ngày nay tôi dần có kinh nghiệm trong việc nuôi loại ốc này. Hiện tại, gia đình tôi đang duy trì khoảng 6 tạ ốc sinh sản dưới ao, đây mùa thứ 2 tôi nuôi loại ốc này, mùa này hứa hẹn cho gia đình thu nhập cao, bền vững...”, anh Giang cho hay.
Trong khi đó, cũng tại xã Đức Thành, mô hình nuôi ốc bươu đen của hộ gia đình anh Trần Quý Bảo lại sáng tạo, đầu tư ít nhưng cho thu nhập cao.
“Tôi tận dụng vùng ruộng chiêm trũng, quanh năm ngập nước của gia đình nuôi loại ốc này từ 3 năm nay. Gia đình vừa nuôi cá, vừa nuôi chung với ốc bươu, sau một thời gian cả 2 loại này đều phát triển rất tốt. Đến nay, ngoài ốc thương phẩm tôi còn nuôi ốc sinh sản, từ đầu năm nay tôi đã bước đầu thu hoạch trứng ốc bán ra thị trường cho người dân địa phương và các huyện lân cận...”, anh Bảo chia sẻ kỹ thuật nuôi ốc nhồi với phóng viên Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt.
Cũng theo kinh nghiệm nuôi ốc nhồi của anh Bảo: Dựa vào quá trình phát triển tự nhiên của con ốc bươu đen, khi đào ao không nên xây dựng bờ bao mà phải cải tạo theo nguyên lý chữ V, để đảm bảo các tính chất sau: Khi mùa đông nó sẽ tụt xuống đáy, lẫn sâu vào bùn trên mặt nước lạnh, thì dưới bùn cành sâu càng ấm, co lại theo chế độ ngủ đông khoảng 3 tháng, nên chiều sâu của đáy giao động từ 1 mét – đến 1,2 mét, khoảng cách giữa hai bên bờ khoảng chừng 5 mét, giai đoạn này hầu như nó không sinh sản.
Những con ốc bươu béo được nuôi tự nhiên, khi bán ra thị trường được nhiều thương lái thu mua. Ảnh: Cảnh Thắng
Khi mùa nắng nóng, ốc sẽ bò lên phía hai bờ để tìm thức ăn, giao phối và leo lên tùm cây bên bờ để đẻ trứng, vì ốc không biết bơi, nó sẽ bò lên phía cạn để tìm thức ăn, ở vùng này phải tăng cường thả cây bèo tây, trồng cây mùng hoặc trồng rau muống, để tạo môi trường tự nhiên cho ốc lẫn trốn, đồng thời làm mát môi trường nước cho ốc phát triển bình thường.
Vì nhiệt độ ở Nghệ An có những thời điểm lên đến 38oC đến 40oC, mặt nước thường bị đốt nóng, nhiệt độ tăng cao làm cho ốc khó nổi lên mặt nước, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, làm hạn chế quá trình phát triển của nó.
Dễ nuôi và cho thu nhập cao
Thức ăn của ốc cũng khá dễ tìm, bao gồm các loại: Lá sắn, cây xuyến chi (cây cỏ dại bên đường), lá chuối, rau muống, bèo,…sau khi hái về, ngâm thối rồi bỏ sát phía dưới nước hai bên bờ, dụ ốc bò đến ăn và trèo lên bờ sinh sản. Cũng cần lưu ý là ốc ăn "bẩn", nhưng lại ở sạch, nên thi thoảng người nuôi phải vớt các loại thứ ăn dư thừa, đã thối, kiểm tra môi trường nước, tránh làm tăng nồng độ PH quá cao, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ốc.
Ông Nguyễn Thế Thắng - Chủ tịch Hội Làm vườn Nghệ An thăm quan mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình anh Trần Quý Bảo. Ảnh: Cảnh Thắng
Sau khi ăn thức ăn phía gần bờ, ốc sẽ giao phối, tìm những nơi yên tĩnh và kín đáo dưới lùm cây rồi đẻ trứng, trứng của ốc bươu đen màu trắng (ốc bươu vàng màu hồng), để nuôi tập trung và tránh thất thoát, nhặt nó vào làm thung xốp cắt đáy, trong thùng xốp làm một số giàn rồi bỏ trứng ốc bươu đen lên đó, tuyệt đối không để nó thấm nước sẽ bị thối.
Người nuôi ốc may một tấm lưới cước nhỏ giống hình cái màn, để thùng trứng vào trong, thả xuống dưới nước, bỏ bèo tấm vào, khi nở ốc sẽ di cư xuống nước và tìm thức ăn, ta sẽ dễ bảo quản tập trung các loại ốc con, khi cần có thể cấp giống cho người khác, còn khi lớn mình thả lại xuống ao, cũng cần lưu ý là che đậy cẩn thận, để làm mát môi trường nước và tránh kẻ thù ăn trứng.
Theo anh Bảo, những lưu ý cần thiết đối với người nuôi ốc: Có thể nuôi ốc thâm canh với cây trồng vật nuôi khác, nhưng không nuôi ốc cùng với cá trắm, cá chép, ngan, vịt,..vì ốc là nguồn thức ăn của chúng, khi làm ao nuôi ốc, hai bên bờ nên giăng lưới cước nhỏ cao khoảng 1 mét, để ngăn chặn kẻ thù vào phá hoại, tránh ốc bươu vàng xâm nhập vào sinh trưởng lẫn lộn, khó thu hoạch sau này, hay khi trời mưa ngập nước thì ốc cũng khó phát tán ra khỏi ao nuôi...
Hiện tại mô hình nuôi ốc bươu đen đẻ của gia đình anh Tần Quý Bảo cho thu nhập cao, ổn định. Ảnh: Cảnh Thắng
Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt, ông Nguyễn Thế Thắng – Chủ tịch Hội Làm vườn Nghệ An tậm sự: “Với cách đầu tư từ chuồng trại đến thức ăn hết sức đơn giản, chỉ cần nắm vững quy cách kỹ thuật thì ai cũng có thể làm được. Hiện, ốc bươu đen là mặt hàng được mọi người rất ưa chuộng, có hàm lượng dinh dưỡng cao...".
Theo ông Thắng, hiện nay, do con người lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên vô tình làm ảnh hưởng hệ sinh thái của ốc tự nhiên ngày càng khan hiếm, mặc dầu là nuôi, nhưng những loại thức ăn cũng đều là tự nhiên, nên chất lượng luôn được đảm bảo. Mỗi mét vuông nuôi đúng kỹ thuật cho thu hoạch từ 4-5kg ốc, trọng lượng đạt khoảng 25 - 30 con/kg, giá bán tại ao dao động từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng/kg, giá trên thị trường là 100.000 – 120.000 đồng/kg nên người nông dân nuôi loại ốc này có thu nhập ổn định...”.
“Thiết nghĩ, để nuôi loại ốc này khi đã nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, quy luật phát triển của con ốc ngay tại địa phương, tận dụng lợi thế sẵn có như mặt bằng, nhân công, thức ăn dễ tìm, đầu tư ít và ít rủi ro, chất lượng sản phẩm và giá thành cao, dế tiêu thụ là hướng đi bền vững giúp người dân tìm công ăn việc làm chính đáng, làm giàu trên mảnh đất quê hương...”, ông Thắng cho phóng viên Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.