Nghệ An: Hàng ngàn hộ dân bị cô lập trên những "ốc đảo"

Thứ bảy, ngày 19/10/2013 20:30 PM (GMT+7)
Từ đêm 18.10 - chiều 19.10, trên địa bàn Nghệ An mưa đã ngớt, nước đã dần rút nhưng nhiều nơi vẫn bị cô lập trong biển nước. Hàng ngàn hộ dân vẫn phải sống chung với lũ với những khó khăn chồng chất.
Bình luận 0
Mưa ngớt, nhưng nhiều nơi vẫn bị cô lập

Tại Quỳnh Lưu, đêm 18.10, các xã Quỳnh Tân, Ngọc Sơn, Quỳnh Lâm, Quỳnh Thanh, Quỳnh Thạch, Quỳnh Tân, Quỳnh Văn ngập chìm trong nước. Đặc biệt, tại xã Quỳnh Lâm có 5 xóm bị ngập sâu, hàng chục hộ dân phải dắt díu nhau lên những chỗ cao như trụ sở UBND xã để tránh lũ. Sáng và chiều 19.10, nước đã rút dần nhưng nhiều xóm vẫn bị cô lập. Thiệt hại về tài sản, về cây trồng vụ đông là rất lớn...

img
Nhiều xóm bị cô lập, người dân Long Thành – Yên Thành vẫn đi lại bằng thuyền.

Ông Nguyễn Văn xóm 22 xã Quỳnh Lâm Than thở cho biết: Cơn bão số 10 xã chúng tôi có hàng ngàn ha ra màu, cây trồng vụ đông và nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị mất trắng. Tiếp đến đợt mưa kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 11 này làm cả xã chúng tôi bị ngập, nước tràn vào nhà có nơi hơn 1 m. Còn diện tích ngô và rau màu mới trồng cũng bị mất trắng hết. Nhà tôi 2 sào ngô và 1 sào cà cũng bị gãy đổ, mất trắng.

Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trên địa bàn huyện có 1.200 ha rau màu và ngô vụ đông mới trồng lại đã thiệt hại nặng nề sau trận lũ vừa qua. Hiện chính quyền huyện đang khẩn trương xuống địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt”.

Tại huyện Yên Thành, chiều 19.10, các xã như Long Thành, Khánh Thành, Bảo Thành, Viên Thành vẫn bị cô lập giữa mênh mông biển nước. Theo như người dân địa phương cho biết thì khoảng 1 tuần nữa nước ở đây mới rút hết.

Ông Nguyễn Sĩ Hưng- Phó Chủ tịch huyện, Yên Thành cho biết: Hiện còn 17 xóm của 4 xã trên bị cô lập. Phải chờ nước rút chính quyền và nhân dân mới khắc phục hậu quả được.

“Trận lũ này lớn quá, có trên 2.200 ha rau màu, ngô bị mất trắng, toàn bộ 22 hồ đập trên địa bàn bị hư hỏng nặng, đê Vũ Giang, Đê Biên Hòa bị sạt lở. Chưa thống kê đầy đủ, nhưng thiệt hại là vô cùng lớn” - ông Hưng nói.

Tại huyện Thanh Chương, hai đập Cồn Đẻn và Phốp bị vỡ, cùng với 6 hồ đập trên địa bàn bị tràn, đã làm cho các xã: Thanh Hà, Thanh Tùng, Thanh Giang, Thanh Mai, Thanh Xuân, Thanh Lâm bị ngập. Đặc biệt là 2 xã Thanh Xuân, Thanh Mai bị ngập sâu.

Ông Bùi Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết, hiện nay nước đã rút nhưng các xóm 3, 7A, 7B, 8A, 8B bị cô lập, có 2 nhà bị sập vì mưa lớn, toàn bộ các ao nuôi cá, nhiều diện tích rau màu và ngô trong xã đều bị ngập, người dân mất trắng. Mưa lớn mấy ngày qua, cộng với triều cường và nước ở hồ Xuân Dương huyện Diễn Châu lên cao, vượt qua mức xả tràn xả lũ 60cm đã gây ngập lụt các xã Diễn Minh, Diễn Thọ, Diễn Lợi, Diễn Lộc, Diễn Liên, Diễn Tân.

Ông Cao Văn Thái – Phó phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết. Mưa lũ đã làm cho 2000ha ngô, 400ha lạc, 300ha khoai lang và rau màu vụ Đông đang bị ngập nước. Một số diện tích có khả năng mất trắng.

Một số địa phương như Hưng Nguyên, Nam Đàn vào chiều 19.10, nước đã rút, người dân và chính quyền đã bắt tay dọn dẹp và khắc phục hậu quả.

img
Nhiều xóm xã Quỳnh Văn vẫn chìm trong biển nước.

Ông Trịnh Quốc Kế - Chủ tịch UBND xã Hưng Lợi cho biết: “Tính đến nay mưa lũ đã làm thiệt hại trên 54 hécta diện tích ương nuôi thủy sản; Hàng chục ha diện tích gieo trồng vụ đông cũng bị mất trắng…”.

Thiệt hại lớn

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Nghệ An. Mưa lũ mấy ngày qua trên địa bàn Nghệ An đã gây thiệt hại rất lớn.

Ngoài thiệt hại về người, tài sản của dân thì hàng trăm tuyến đường: Quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xóm bị hư hỏng sạt lở, nhiều công trình hồ đập, điện, đường, trường trạm.. bị hư hỏng, cuốn trôi. Có 6001 nhà dân bị ngập; Diện tích ngô và rau màu bị ngập: 10.566,2 ha; mất trắng trên 70% . Diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập 2754,9, mất trắng trên 70%. Ước thiệt hại về kinh tế hơn 412,21 tỷ đồng.

Trên địa bàn đã có thêm 1 người chết là cháu, Phan Viết Khánh, 4 tuổi, ở xóm 3, xã Khánh Sơn 1, huyện Nam Đàn, bị rơi xuống ao chết đuối ngày 17.10.Trước đó em Nguyễn Thị Thúy, học sinh, 16 tuổi, quê xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, do trên đường đi học về qua cầu Đa Lộc bị sẩy chân chết đuối ngày 16.10.

Hiện, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Nghệ An đang huy động và triển khai các lực lượng xuống các địa phương để ứng phó, sẵn sàng đối phó mọi tình hình có thể xảy ra và giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ.

Tiến Dũng (Tiến Dũng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem