Nghệ An: Một anh nông dân mua máy móc đi gom thứ nhà nông vứt đầy ruộng mà thu về 500 triệu đồng/vụ

Thắng Tình Thứ năm, ngày 01/06/2023 14:49 PM (GMT+7)
Một người dân ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã mua máy móc hiện đại, thuê nhân công với giá cao, đội nắng thu gom rơm khô bà con bỏ lại trên các cánh đồng và thu về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
Bình luận 0
Nghệ An: Một anh nông dân mua máy móc đi gom thứ nhà nông vứt đầy ruộng mà thu về 500 triệu đồng/vụ - Ảnh 1.

Sắm máy móc hiện đại đi gom rơm khô nhà nông bỏ đầy ruộng

Những ngày này, người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang tích cực thu hoạch vụ lúa xuân. Không khí khẩn trương trên các cánh đồng, với sự giúp sức của máy móc hiện đại, quá trình thu hoạch lúa xuân cũng diễn ra nhanh hơn.

Đầu tư máy móc hiện đại đi gom thứ nhà nông vứt bỏ mà thu về hàng trăm triệu đồng - Ảnh 1.

Trên cánh đồng phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An xuất hiện những chiếc máy thu gom rơm hiện đại. Ảnh: Vĩnh Khang

Trước kia, người dân ở tỉnh Nghệ An thường tận dụng rơm về để làm thức ăn cho trâu bò. Tuy nhiên ngày nay, nhiều nơi loại sản phẩm này bị vứt bỏ ngay tại ruộng. Với cái nắng bỏng rát tại Nghệ An thì chỉ cần sau 1 ngày rơm đã khô. Đây cũng chính là thời điểm những người làm nghề cuộn rơm khô "vào việc".

Đầu tư máy móc hiện đại đi gom thứ nhà nông vứt bỏ mà thu về hàng trăm triệu đồng - Ảnh 2.

Những chiếc máy cuộn rơm thành những khối tròn lớn. Ảnh: Vĩnh Khang

Trên các cánh đồng tại xã Hưng Hòa, Hưng Dũng… thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An những ngày này xuất hiện nhiều chiếc máy lạ với đội ngũ hùng hậu. Đây là những người làm nghề thu gom rơm khô. Lúa xuân được thu hoạch chủ yếu bằng máy nên sau khi thu hoạch rơm xếp thành hàng rất ngay ngắn, những người thợ đưa máy cuộn ra đồng để gom rơm tập kết đưa đi nhập cho các trang trại chăn nuôi.

Đầu tư máy móc hiện đại đi gom thứ nhà nông vứt bỏ mà thu về hàng trăm triệu đồng - Ảnh 3.

Công nhân làm nghề cuộn rơm trên cánh đồng xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An phải lao động vào thời điểm nắng nóng nhất, vì lúc này rơm mới khô và độ ẩm thấp. Ảnh: Vĩnh Khang

Anh Hoàng Văn Anh (SN 1985, trú tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) làm nghề thu rơm được 10 năm nay. Trước đây, sau mỗi vụ gặt, người dân thường để rơm, rạ trên đồng đến khi khô rồi đốt thành tro để chuẩn bị cho vụ gieo cấy khác. Việc đốt rơm, rạ khiến đất bị chai cứng, thoái hóa. Bên cạnh đó, việc đốt rơm rạ còn ảnh hưởng đến môi trường. Trong khi đó, nhiều trang trại, cơ sở trồng nấm... lại phải mua rơm khô với giá thành cao từ các tỉnh phía Nam.

Chính vì vậy, anh Anh đã quyết định đi thu gom rơm khô trên các cánh đồng để bán lại cho các trang trại. Mới đầu anh chỉ làm thủ công, nhỏ lẻ. Nhận thấy thị trường tiêu thụ ổn định, những năm gần đây anh mở rộng quy mô, đầu tư thêm máy móc và ô tô tải lớn để chở hàng đi cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh phía Bắc.

Hiện, anh Anh đầu tư 4 máy cuộn rơm, đồng thời thuê thêm 22 nhân công để thu gom rơm trên các cánh đồng. Mỗi công nhân chính anh sẽ trả với mức lương hơn 1 triệu đồng/ngày, thợ phụ khoảng 800.000 đồng/ngày.

Đầu tư máy móc hiện đại đi gom rơm khô thứ nhà nông vứt bỏ đầy ruộng mà thu về hàng trăm triệu đồng - Ảnh 4.

Những năm trở lại đây nhu cầu mua rơm khô để làm thức ăn cho gia súc tăng cao nên nhiều người làm nghề thu gom rơm để bán lại cho các trang trại lớn. Ảnh: Vĩnh Khang

Anh Hoàng Văn Anh chia sẻ, sau khi người dân thu hoạch lúa, rơm được phơi nắng trên cánh đồng từ 2 - 3 ngày sẽ khô hẳn mới có thể cuộn. Tuyệt đối không được thu gom rơm vào thời điểm cuối chiều hoặc sáng sớm, vì lúc này độ ẩm cao, rơm sẽ bị ẩm, không đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Vì thế, công nhân thu gom rơm thường phải ra đồng vào những thời điểm nắng nóng nên rất vất vả.

Đầu tư máy móc hiện đại đi gom thứ nhà nông vứt bỏ mà thu về hàng trăm triệu đồng - Ảnh 5.

Mỗi chiếc máy cuộn rơm cần 4 - 5 người làm việc. Họ phải làm việc giữa đồng dưới cái nắng nóng gay gắt, đổi lại tiền công cũng khá cao. Ảnh: Vĩnh Khang

Làm nghề hơn 10 năm nay, anh Hoàng Văn Anh cũng đã có cho mình những "mối ruột" luôn cần số lượng lớn rơm khô nên "hàng" về đến đâu bán hết đến đó.

Mỗi vụ thu về gần 500 triệu đồng nhờ bán rơm khô

Vụ xuân thời gian thu gom ngắn vì ngay sau khi thu hoạch người dân thường bắt tay vào làm đất ngay để cho kịp vụ hè thu. Vì thế anh Anh cùng các công nhân của mình tận dụng tối đa thời gian để cuộn rơm trên các cánh đồng.

Mỗi bó rơm nặng từ 18 - 20kg, giá bán ngay từ 20.000 - 25.000 đồng, sấy khô có giá từ 40.000 đồng/cuộn. Rơm sau khi phơi sấy, đóng thành từng khối sẽ xuất đi các trang trại chăn nuôi trong tỉnh Nghệ An hoặc vận chuyển ra một số tỉnh phía Bắc như: Hải Dương, Sơn La... để tiêu thụ. Nhu cầu dùng rơm khô để làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm phân hữu cơ... rất lớn nên anh Anh không bao giờ sợ "ế" hàng.

Đầu tư máy móc hiện đại đi gom thứ nhà nông vứt bỏ mà thu về hàng trăm triệu đồng - Ảnh 6.

Rơm khô thứ mà nhà nông vứt bỏ, được thu gom trở thành mặt hàng không sợ ế giúp anh Anh thu về hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Vĩnh Khang

Vụ xuân, 4 chiếc máy cuộn rơm và 22 công nhân của anh Anh làm liên tục từ đầu tháng 4 đến nay. Những công nhân rong ruổi khắp khác cánh đồng từ tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi về Nghệ An. Khi những cánh đồng ở Nghệ An thu hoạch hết, "đội quân" của anh Anh sẽ di chuyển ra các tỉnh như Ninh Bình, Hải Dương… để thu gom rơm khô. "Mỗi năm công việc thu gom rơm kéo dài từ 6-7 tháng", anh Hoàng Văn Anh cho biết.

Theo tính toán của anh Anh, sau khi trừ các chi phí, trung bình mỗi vụ thu hoạch anh Anh có thể thu về khoảng 400 - 500 triệu đồng. Anh đang đầu tư máy ép đóng rơm để dự trữ rơm khô, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đưa rơm khô xuất khẩu ra nước ngoài

Anh Hoàng Văn Anh cũng chia sẻ thêm, bản thân đã nhận được một số đơn đặt hàng xuất khẩu rơm khô sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand với số lượng lên đến hàng trăm nghìn tấn. Tuy nhiên, do nguồn rơm khô hiện tại không nhiều, không đủ cung ứng cho thị trường trong nước nên đành phải từ chối.

Đầu tư máy móc hiện đại đi gom rơm khô thứ nhà nông vứt bỏ đầy ruộng mà thu về hàng trăm triệu đồng - Ảnh 7.

Đã có một số đơn đặt hàng rơm khô xuất ra nước ngoài nhưng anh Hoàng Văn Anh ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An phải từ chối vì nguồn cung không đủ. Ảnh: Vĩnh Khang

Bên cạnh đó, để có thể đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu, anh Hoàng Văn Anh phải đầu tư thêm máy móc, kết nối với các vùng đồng để tạo nguồn nguyên liệu ổn định thì mới đảm bảo sản lượng để xuất khẩu. Đưa rơm khô trở thành mặt hàng xuất khẩu cũng là hướng đi mà anh Hoàng Văn Anh đang tính trong tương lai.

Nghệ An: Một anh nông dân mua máy móc đi gom thứ nhà nông vứt đầy ruộng mà thu về 500 triệu đồng/vụ - Ảnh 9.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem