Theo dự báo từ Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 4h vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, ngay trên Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 70 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180km tính từ tâm bão.
Để đối phó với cơn bão số 7, tại Nghệ An sáng ngày 14/10, nhiều trường học đã thông báo cho học sinh nghỉ học như trường mầm non các phường Hà Huy Tập, Lê Lợi, Nghi Ân, Quang Trung; Trường Tiểu học Hồng Sơn, Trường Tiểu học và THCS Hà Huy Tập.
Trong khi đó, một số trường cũng thông tin đến phụ huynh, do diễn biến bão số 7, 8 phức tạp nên lịch học có thể thay đổi đột xuất trong 2 ngày 14 – 15/10. Đồng thời, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm kịp thời báo với phụ huynh bằng tin nhắn, điện thoại... nếu nghỉ học.
Sáng nay 14/10, trời chưa mưa to, gió lớn, nên nhiều trường trên địa bàn TP.Vinh vẫn cho học sinh đi học. Tuy nhiên, thời gian biểu được sắp xếp lại để học sinh tan trường sớm hơn bình thường. Riêng buổi chiều, lịch học của các trường đã hủy để phòng tránh bão.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 7, Cục Hàng không Việt Nam quyết định đóng cửa các sân bay Vinh (Nghệ An), Thọ Xuân (Thanh Hóa) từ 12h đến hết 21h ngày 14/10. Các hãng hàng không đã thông báo hủy chuyến.
Trong khi đó, UBND huyện Quỳnh Lưu đã ra công điện yêu cầu các xã ven biển Tiến Thủy, Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thuận, Sơn Hải... tập trung kêu gọi các phương tiện đánh bắt ngoài biển về bờ tránh trú bão. Đến sáng 14/10, toàn bộ tàu thuyền của ngư dân huyện Quỳnh Lưu đã về bờ neo đậu an toàn tại Lạch Thơi và Lạch Quèn.
Ngoài việc tập trung kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ở vùng biển vào bờ tránh trú bão, các đồn biên phòng vùng biển đã phân công cán bộ xuống địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân chằng chống nhà cửa cũng như cách phòng chống, tránh tàu thuyền va đập khi có sóng to, gió lớn tại các khu neo đậu.
Sáng 14/10, UBND huyện Quỳnh Lưu cũng yêu cầu các xã vùng ven biển khẩn trương triển khai di dời 149 hộ dân với hơn 1.600 nhân khẩu theo phương án phòng chống thiên tai của các địa phương. Việc di dời người dân đã được triển khai ngay trong sáng nay.
Trong khi đó tại thị xã Hoàng Mai có gần 1.000 phương tiện tàu thuyền đánh bắt hải sản, hiện toàn bộ tàu, thuyền trên đã về bờ neo đậu an toàn. Công tác tuyên truyền, kiểm tra việc tàu thuyền neo đậu để đảm bảo an toàn đang được các địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Ngoài việc đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi về bờ neo đậu, thị xã Hoàng Mai cũng đang chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan theo dõi hồ Vực Mấu để khi bão đổ bộ gây mưa to sẽ có phương án xả lũ. Hiện tại, mực nước trong lòng hồ Vực Mấu đạt cốt 17,5/21,2 mét; tùy vào lượng mưa, nếu mưa to kéo dài sẽ có kịch bản xả lũ theo quy trình.
Ở huyện Diễn Châu, đến sáng 14/10 hơn 1.460 phương tiện tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời bố trí lực lượng cùng sáu tàu sẵn sàng ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn trên biển khi có sự cố xảy ra. Địa phương cũng nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu tại cống Diễn Thành, cầu Diễn Ngọc và cầu Diễn Kim.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nghệ An: Đến chiều 13/10, tất cả các phương tiện cùng lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển của Nghệ An đã vào bờ an toàn; gồm 3.485 tàu thuyền với 17.473 lao động. Ngoài ra có một số tàu thuyền ngoại tỉnh đã vào trú ẩn ở Nghệ An.
Tin cùng chủ đề: Miền Trung đối mặt với lũ chồng lũ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.