Thông tin buôn B'Nớr C, xã Lát, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) được tỉnh chính thức công nhận là làng nghề truyền thống khiến bà con K'Ho vui như mở cờ trong bụng, nhất là các bà, các chị. Từ bao đời nay, nghề thủ công dệt thổ cẩm truyền thống đã gắn bó với buôn làng nơi đây, trở thành thước đo tài năng, sự đảm đang, khéo léo của phụ nữ K'Ho...
Nguyên liệu của nghề dệt K'Ho là sợi bông do đồng bào tự trồng, các loại cây phụ liệu được lấy từ núi rừng, ruộng rẫy. Màu nhuộm vải được bà con lấy từ các loại củ, quả, lá cây trong rừng như: Củ nghệ chế ra màu vàng, hạt quả cari còn gọi là quả nho để chế màu cam, vỏ và thân cây lốt tạo màu đỏ, lá cây drửm tạo màu xanh đậm, xanh dương...
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2012/images/2012-05-28/1434697547-127_15_tho-cam.jpg.jpg) |
Tấm thổ cẩm thể hiện vẻ đẹp và tài năng của phụ nữ K'Ho. |
Để màu nhuộm được bền, bao giờ trong dung dịch nước nhuộm sợi, bà con cùng hòa thêm bột vỏ sò và tro củ chuối. Khi dệt, người phụ nữ ngồi duỗi thẳng chân trên sàn, hai chân đạp và giữ chặt một thanh chủ của khung dệt (gọi là đưng- pong) và một thanh chủ khác được dùng dây móc vào lưng người dệt để cố định và kéo căng khung sợi. Các thanh khác tuỳ theo chức năng của chúng mà luồn rất khéo vào giữa giàn sợi...
Trên những tấm vải thổ cẩm K'Ho, nét độc đáo nhất chính là những họa tiết, hoa văn sinh động được người dệt gửi gắm bằng tất cả tâm hồn, tình cảm cũng như sự cảm nhận về thế giới tự nhiên, con người của mình.
Đó có thể là các loại hoa văn hình kỷ hà, người, các loài muông thú và các vật dụng quen thuộc, gần gũi trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con như: cầu thang nhà sàn, cổ nỏ, tua cây nêu, cán xà gạt, con thuyền, mắt chim công, đường ranh, lá đùng đình, cây chông, vầng trăng, con bọ chè, cườm chim cu...
Vinh Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.