Nghề làm lân sư rồng

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 21/09/2015 19:00 PM (GMT+7)
Ngay từ chớm thu, nghề làm lân sư rồng tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Định đã tất bật “chạy đua” trong mùa trung thu 2015 này. Nhiều cơ sở phải thuê thêm nhân công và tranh thủ làm vào ban đêm.
Bình luận 0

Nhiều cải tiến mới

Nằm ở một góc nhỏ trong khuôn viên của sân vận động TP.Quy Nhơn, cơ sở chuyên nghề làm lân sư rồng A Tú do anh Nguyễn Minh Tú (25 tuổi, trú phường Thị Nại) làm chủ đang hối hả hoàn thành đơn đặt hàng vừa giao.

Anh Tú kể: “Trước đây đầu lân đa phần được làm bằng giấy, ưu điểm là không cần sườn, chỉ cần khuôn đúc. Sau đó, đắp giấy lên khuôn, kết dính bằng hồ dán, phơi khô và vẽ họa tiết. Nhưng nhược điểm là phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đôi khi 4-5 ngày mới khô và buộc phải làm theo từng công đoạn nhất định”.

6 năm lại đây, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị hiếu chơi lân sư rồng của giới trẻ, thay vì làm đầu lân bằng giấy, cơ sở lân sư rồng A Tú chuyển hẳn để làm từ khung bằng mây tre. “Đầu lân làm từ khung mây tre rất nhẹ, có điều tốn công gấp 4 lần làm băng giấy”- anh Tú cho hay.

img

Anh Nguyễn Minh Tú (25 tuổi, trú phường Thị Nại) đang tỉ mỉ từng công đoạn làm đầu lân. Ảnh: D.T

Theo anh Tú, để hoàn thành chiếc đầu lân phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là làm khung (trung bình khoảng 1,5 ngày), kế đến là căng mùng (phủ lớp lót lên khung), sau đó dán giấy, phủ sơn để vẽ họa tiết và trang trí các vật dụng khác.

“Làm từ khung mây tre thì có thể chủ động trong việc đa dạng mẫu mã, nếu khách hàng chuộng mẫu nào thì mình làm theo mẫu đó. Nguyên liệu mây tre và giấy đều nhập từ Trung Quốc về vì đảm bảo được độ mềm dẻo và tính đàn hồi, khi thấm nước không sợ bị bong tróc” - anh Tú chia sẻ.

Miệt mài giữ  lửa

Không khí trung thu đang len lỏi khắp con đường, ngõ hẻm Bình Định. Những nghệ nhân bao năm từng gắn bó với nghề làm lân sư rồng vẫn trau chuốt từng công đoạn để giữ lửa nghề truyền thống bấy lâu.

Em Huỳnh Thanh Thành (SN 1998), công nhân của anh Tú, cho biết: “Phải mất một mùa trung thu em mới thành thạo được các công đoạn làm vải mùng và dán lông. Nhờ vậy cũng có thêm chút ít tiền để trang trải việc học và vui chơi”.

 “Muốn thành công với nghề làm lân sư rồng thì cần nuôi dưỡng niềm đam mê, sự kiên nhẫn và không ngừng sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, giá bán những mặt hàng này dao động, tùy theo mẫu mã và yêu cầu của khách hàng. Đầu lân có giá từ 1- 1,7 triệu đồng, đầu rồng (9 người múa) khoảng từ 6- 7,5 triệu đồng” - anh Tú bộc bạch. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem