Đến làng lưu giữ nghề làm lọng

Thứ sáu, ngày 07/02/2014 15:33 PM (GMT+7)
Đầu năm, chúng tôi về Mỹ Xuyên, thị trấn Nam Phước, Huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thăm ngôi làng có nhiều huyền thoại. Nơi đây còn lưu giữ nghề từ thời phong kiến đến nay, trong đó có nghề làm lọng.
Bình luận 0
Nghề làm lọng của nước ta bắt đầu từ thời nhà Lê và Lê Công Hành là ông tổ của nghề lọng, thêu. Lọng là dụng cụ thường dùng cho các quan lại và vua chúa. Nghề làm lọng đến nay hầu như đã thất truyền, chỉ còn một người duy nhất ở Quảng Nam vẫn mặn mà với nghề này, đó là ông Nguyễn Quang Thiện (80 tuổi, trú tại làng Mỹ Xuyên, thị trấn Nam Phước, Huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Ông bắt đầu làm lọng từ năm 15 tuổi.

Làng Mỹ Xuyên nằm sát bên bờ sông Thu Bồn, với bãi mía non dâu, có cây đa bến nước, từng là nơi chiếm đóng của thực dân Pháp, là ngôi làng có nhiều sắc phong nhất Việt Nam. Từ thời vua Thiệu Trị, Đồng Khánh... cho đến vị vua cuối cùng là Khải Định. Và làng Mỹ Xuyên cũng là nơi cung cấp lọng chủ yếu cho các triều đại vua chúa, ở kinh thành Huế.

img
Những chiếc lọng từ thời phong kiến, còn lưu giữ đến nay.

Lọng thời phong kiến là đồ dùng để che phía trên đầu, mỗi khi vua chúa, quan lại xuất ngoại. Lọng gần giống cái dù, nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, và có hình thêu phượng, rồng, cũng thường được sử dụng trong các nghi lễ.

Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn để chống thấm nước. Lọng được trang trí nhiều màu sắc hoa văn. Công đoạn khó nhất khi làm lọng là phần thêu. Người làm lọng phải chọn được bảy màu len thích hợp. Lọng chia làm năm tầng, đầu tiên là giăng kiên, đan lên xuống, qua lại phải theo một quy luật nhất định.

Nhìn vào màu sắc lọng, người ta có thể đoán được cấp bậc của người dùng lọng. Lọng tía tượng trưng cho vua chúa, lọng xanh tượng trưng cho hàng khanh tướng....Gắn bó với mảnh đất Mỹ Xuyên 80 năm, chứng kiến biết bao cuộc đổi thay.

Những tháng ngày miệt mài làm lọng theo đơn đặt hàng của những thương lái Huế, ông Thiện đã đem hết những tâm huyết, lòng yêu nghề để tạo ra nhiều cây lọng khác nhau. Và với ông, đó là những kỉ niệm khó quên.

Ông Thiện cho biết: “Lên mười lăm tuổi, tôi đã bắt đầu làm lọng cùng với cha của mình. Để hoàn thành một cái lọng phải mất từ 10-15 ngày, và trải qua nhiều công đoạn. Nghề này đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng đam mê. Và nghề làm lọng đã ăn sâu vào máu thịt của tôi. Đây là nghề của cha ông để lại, nên tôi quyết sẽ giữ nó bằng mọi giá, không vì chạy theo đồng tiền mà bán rẻ cái nghề này”. Hiện tại, trong gia đình ông còn giữ cây lọng cuối cùng, mà ông để làm kỉ niệm cho một thời găn bó với nghề của mình.

Hình ảnh cái lọng cũng đã đi sâu vào đời sống dân gian của người Việt. Người nằm ngủ mơ thấy cái lọng là điềm lành, đỗ đạt trong thi cử, phát tài, phát lộc... Tuy nhiên, với sự thay đổi của thời đại, cái lọng không còn xuất hiện phổ biến trên thị trường nữa. Hình ảnh cái lọng chỉ xuất hiện qua tranh ảnh, đền chùa, miếu mạo...

Rời khỏi làng Mỹ Xuyên, khuôn mặt hiền từ, khắc khổ của ông Thiện cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Phải chăng, ông là một nhân chứng sống cho bao sự đổi thay của cuộc đời, và hình ảnh võng điều, lọng tía đã lùi vào dĩ vãng.

Võng điều, lọng tía một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta, nhưng tiếc thay đã bị mai mọt, nhường lại “ đất sống” cho những vật dụng khác phù hợp với thời hiện đại hơn. Và lòng cảm thấy ngậm ngùi, khi hình ảnh những cái lọng dần biến mất.

Về đâu hỡi những chiếc lọng?
Thanh Trầm (Thanh Trầm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem