Nghệ nhân mong được tiếp sức

Thứ ba, ngày 28/06/2011 06:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chỉ ít ngày nữa, các kế sách, hướng đi để bảo tồn dân ca Quan họ Bắc Ninh sẽ được trình lên Chính phủ. Việc “tiếp sức” cho di sản phi vật thể này đang được các nghệ nhân hết sức ngóng chờ.
Bình luận 0

Hai tỉnh chung tay

Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã có kiến nghị với Chính phủ về việc bảo tồn dân ca Quan họ Bắc Ninh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với ý kiến của các Bộ VHTTDL, Tài chính, KHĐT. Mới đây, ngày 22.6, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý phải xây dựng Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - dân ca Quan họ Bắc Ninh.

img
Hát quan họ tại nhà nghệ sĩ Lệ Ngải ở làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

Về loại hình dự án, văn bản nêu rõ: “Bộ VHTTDL cần có ý kiến chỉ đạo, phù hợp với cam kết của VN với UNESCO. Cần thu hút đối tượng tham gia dự án bao gồm cả các xã thuộc tỉnh Bắc Giang đã được thừa nhận trong dự án để trình UNESCO”. Theo ý kiến của Phó Thủ tướng, UBND tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Bắc Giang, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương làm dự án này trước ngày 15.7.2011.

Nhạc sĩ Đức Miêng – Trưởng phòng Nghiệp vụ VHNT (Trung tâm VHTT tỉnh Bắc Ninh) cho rằng: “Trong việc phục hồi, phục chế các phương tiện, đạo cụ, vật chất của sinh hoạt quan họ, cần nghiên cứu, chọn lọc để đảm bảo đúng với truyền thống chứ đừng để lòe loẹt, sặc sỡ quá. Và cần nhất phải giải được bài toán khó khi đặt ra hai vế: Quan họ theo lề lối cổ truyền và lớp trẻ đang thờ ơ với di sản mà bị hút vào nhạc pop, rock, hiphop…

Chủ trương này chắc chắn sẽ nhen lên nhiều hy vọng trong đội ngũ những người yêu, giữ gìn và hát quan họ, những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu và quản lý văn hóa ở 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

Nhưng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu cao trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch bảo tồn quan họ, nhất là những biện pháp phối hợp giữa 2 tỉnh trong bối cảnh không chỉ riêng 44 làng quan họ gốc của Bắc Ninh và 5 làng gốc của Bắc Giang, mà phong trào ca hát quan họ đã phát triển khá rộng rãi trên nhiều làng xã khác của 2 tỉnh này.

Cùng với đó là những vấn đề được đặt ra trong hoàn cảnh quan họ đứng trước những thách thức của thương mại hóa, sự biến đổi các lễ hội truyền thống cũng như hoạt động biểu diễn, tâm lý và quan điểm thưởng thức đã có nhiều thay đổi trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ…

Cần quan tâm đến nghệ nhân

Rất quan tâm đến chiến lược lâu dài nhưng cũng mong có những biện pháp cấp thiết và cụ thể trong việc bảo tồn dân ca quan họ, nhiều chuyên gia, nghệ sĩ đã chia sẻ với NTNN.

NSƯT, nghệ nhân Tạ Thị Hình – liền chị kỳ cựu của làng quan họ gốc Bồ Sơn (nay thuộc TP.Bắc Ninh), có nhiều năm miệt mài với phong trào truyền dạy quan họ ở các cơ sở và nhiệt tình lên lớp tại Trường Trung cấp VHNT tỉnh, tâm sự: “Nghệ nhân quan họ của tỉnh nhiều cụ già yếu đã mất, một số cụ vẫn còn, hy vọng tới đây sẽ có sự quan tâm đến đời sống các cụ.

Lần tới nếu phong tặng danh hiệu nghệ nhân, theo tôi cần chú ý hơn đến năng lực và những đóng góp cho phong trào truyền dạy quan họ. Có những anh chị em chơi quan họ mấy chục năm nay rồi, có nhiều công lao trong việc gây dựng tiếng hát quan họ ở cơ sở, nếu được quan tâm thì họ sẽ cố gắng hơn. Theo tôi việc đầu tiên trong dự án bảo tồn này là ưu tiên đến các nghệ nhân”.

img
Các liền anh trẻ tuổi được hướng dẫn phong cách đi đứng của người quan họ.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã có một số động thái tích cực trong việc bảo tồn và phát huy quan họ như trang bị vật chất cho một số CLB, phục chế nhà chứa - nơi tập luyện và sinh hoạt quan họ - ở làng Diềm, mở các lớp quan họ ở khu vực “bên kia sông Đuống” thuộc các huyện Thuận Thành, Lương Tài, Gia Bình và hiện đang củng cố, xây dựng chương trình truyền dạy quan họ trong Trường Trung cấp VHNT tỉnh và một số trường phổ thông… Nhưng xem chừng đã thêm thì cần thêm nhiều hơn nữa! Đây là suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Kim Quýnh – Chủ nhiệm CLB Quan họ Đặng Xá (TP.Bắc Ninh).

Bà Quýnh hy vọng các CLB tích cực truyền dạy quan họ sẽ được hỗ trợ điều kiện để duy trì việc dạy, học và tập luyện cũng như khi các liền anh, liền chị đi truyền dạy nơi xa. Bà Quýnh nói: “Tôi đã có ý kiến với lãnh đạo Sở VHTTDL, nên tổ chức đều đặn hội diễn quan họ măng non vào dịp 1.6 và hội diễn quan họ người cao tuổi vào đầu tháng 10 hàng năm. Nên bồi dưỡng các cặp giành giải cao trong các hội thi đầu xuân...”.

Để phối hợp với các bộ ngành, để trình Chính phủ, để làm theo cam kết với UNESCO, để bảo tồn và phát huy quan họ lâu dài... thì một trong những động thái tích cực và hiệu quả nhất chính là lắng nghe những người trực tiếp chơi và trao truyền quan họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem