Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Căn nhà nhỏ của ông Đặng Văn Tố nằm cheo leo bên bờ thành Đại nội Huế. Trong căn nhà nhỏ của mình, ông Tố đã dành khoảng 15m2 để chế tác xăm hường. "Mừng vì hiện nhiều người Huế vẫn còn chơi trò chơi truyền thống này nên tôi vẫn sống được với nghề. Xưởng của tôi đều đặn đón người dân và du khách trực tiếp đến mua hàng, cao điểm là những ngày Tết", ông Tố kể.
Nghệ nhân Đặng Văn Tố đã có gần 50 năm làm nghề năm chế tác xăm hường. Ảnh: Hồng My.
Xăm hường là trò chơi có từ thời nhà Nguyễn. Lúc đầu trò chơi này dành cho vua chúa, tầng lớp quan lại quý tộc. Đây là trò chơi mang tính đẳng cấp, khoa học, khó chơi và còn được triều đình sử dụng trong thi cử. Về sau, trò chơi này phát triển rất mạnh trong dân gian do nhiều người yêu thích.
Quy trình chế tác xăm hường của ông Đặng Văn Tố được thực hiện qua nhiều công đoạn. Ảnh: Hồng My.
Xăm có nguồn gốc từ chữ "thiêm" trong chữ Hán, nghĩa là cái thẻ. Hường là chữ hồng. Do âm hồng có trong chữ Hồng Nhậm (tên của vua Tự Ðức), kị húy nên người ta đọc lái thành xăm hường.
Ông Tố cho biết, thời các vua, chúa Nguyễn, các bộ xăm hường được chế tác từ ngà voi. Khi trò chơi này phát triển mạnh trong dân gian, vì không có điều kiện mua ngà voi nên người dân làm các bộ xăm hường bằng tre, gỗ và các loại xương động vật. Ông Tố chọn xương bò để chế tác các bộ xăm hường vì xương bò bền, khi mài thì bóng loáng, không bị trầy xước.
Ông Đặng Văn Tố chọn xương bò để chế tác các bộ xăm hường vì xương bò bền, khi mài thì bóng loáng, không bị trầy xước. Ảnh: Hồng My.
Để làm ra bộ xăm hường, ông Tố dùng ít nhát 5kg xương cẳng bò. Theo ông, không phải xương bò nào cũng làm được xăm hường mà cần phải chọn loại xương bò vừa to vừa dài. Hiện nay xương bò Thái Lan rất phù hợp để chế tác xăm hường.
Quy trình chế tác xăm hường của ông Tố được thực hiện qua nhiều công đoạn. Trước tiên ông làm sạch xương bò, cưa thành từng đoạn. Sau đó ông đem xương bò ngâm vôi rồi phơi khô, làm nhẵn bóng và tạo góc cạnh. Tiếp đến ông khắc hình các ông trạng, chữ Hán, chữ Nôm lên thẻ.
Theo ông Tố, ngày xưa các thợ thường làm xăm hường phải mất rất nhiều thời gian để làm ra một bộ xăm hường do phải làm thủ công. Do am hiểu về nghề cơ khí nên ông Tố đã tự sáng chế riêng cho mình một chiếc máy để làm xăm hường. Nhờ đó các bộ xăm hường do ông chế tác luôn đẹp, bền và đặc biệt là mất ít thời gian hơn so với cách chế tác truyền thống.
Các bộ xăm hường do ông Tố chế tác được tiêu thụ quanh năm, nhất là từ khi sản phẩm được giới thiệu qua Shoppe và qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook…Ngoài tìm đến mua trực tiếp tại nhà ông, ngày càng có nhiều người dân và du khách đặt hàng qua mạng. Hàng của ông cũng được bán ở nhiều nơi, từ các chợ, siêu thị cho đến các cửa hàng bán hàng thủ công mỹ nghệ.
Những ngày tết là thời kỳ cao điểm tiêu thụ hàng của ông Tố do nhiều người đặt mua xăm hường về để chơi hoặc trưng bày theo truyền thống. Để kịp giao hàng cho khách, ông Tố phải nhờ thêm nhiều người phụ việc cho mình.
Ông Tố chia sẻ, mặc du sản phẩm tiêu thụ khá tốt nhưng lợi nhuận thu được của ông không cao do việc chế tác xăm hường rất kỳ công. Vì lợi nhuận không cao bằng những nghề khác nên những người làm xăm hường ở Huế đều đã bỏ nghề, giờ chỉ còn mỗi mình ông giữ nghề.
"Những năm qua tôi đã truyền nghề cho con cháu. Đây là trò chơi truyền thống mang tính giáo dục cao, người trẻ chơi trò này sẽ rèn được ý chí vươn lên trong sự học như các trạng nguyên xưa. Vì vậy mà tôi quyết tâm giữ nghề và truyền nghề với mong muốn góp sức giữ gìn nét văn hóa xưa của dân tộc", ông Tố bộc bạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.