PV đã có cuộc trò chuyện với những đồng nghiệp thân thiết của ông để hiểu hơn về cuộc đời của người nghệ sĩ “nông dân” này.
Nghệ sĩ hài Quang Thắng: “Bác Hiệp là NSƯT trong lòng khán giả”
Sinh thời, trong số các nghệ sĩ thuộc lớp hậu sinh thì Văn Hiệp thích diễn nhất với Thắng “vẹo” vì cách diễn thông minh, tính hay cười của anh rất giống với ông. Quang Thắng vô cùng xúc động nói: “Mình đi diễn với bác Hiệp nhiều ở cả trong nước lẫn ngoài nước.
|
Nghệ sĩ hài Quang Thắng. |
Nhắc tới Văn Hiệp là nhắc tới cái điếu cày. Đi đâu bác ấy cũng mang theo, gặp ở đâu là thấy cười khà khà ở đấy. Khi nào rảnh là bác bắn thuốc lào sòng sọc. Bác ấy sống với mọi người rất giản dị, chân thành, không màu mè làm dáng. Tuy cuộc sống riêng không được suôn sẻ và may mắn nhưng bác Hiệp là một người sống rất lạc quan.
Người ta bảo bác ấy diễn nghiệp dư nhưng tôi thấy bác ấy diễn rất nhẹ nhàng, tinh tế. Chúng tôi còn phải học hỏi ở bác Hiệp rất nhiều. Mỗi khi bác lên sân khấu thì luôn mang lại nụ cười sảng khoái, thâm thúy cho khán giả. Tôi thấy trên một số trang mạng, người ta gọi bác Hiệp là NSƯT. Nhưng đó là do họ mến mộ mà phong tặng thôi. Bác Hiệp chưa được phong tặng danh hiệu nào cả. Tiếc thay!
Cơ chế xét phong tặng danh hiệu của chúng ta quá cứng nhắc - nhất thiết đòi hỏi phải có huy chương mới được phong danh hiệu - nên đã bỏ qua nghệ sĩ Văn Hiệp. Bác ấy đi diễn vì đam mê, vì những khán giả yêu quý mình thôi, chứ chẳng nhằm lấy danh hiệu gì. Tôi hy vọng chúng ta có cách nào đấy phong danh hiệu cho nghệ sĩ Văn Hiệp để an ủi anh linh của bác nơi chín suối”.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng: "Được như Văn Hiệp dễ có mấy ai!"
Từng làm việc chung rất nhiều lần cùng nghệ sĩ Văn Hiệp trong các tiểu phẩm do Công ty CP Nghe nhìn Thăng Long sản xuất, lại là anh em thân thiết ngoài cuộc sống, đạo diễn Phạm Đông Hồng vô cùng xót xa, bàng hoàng khi nhận được tin người đồng nghiệp của mình đã phiêu diêu về miền cực lạc.
|
Đạo diễn Phạm Đông Hồng. |
Ông chia sẻ: “Mọi người thường chỉ biết Văn Hiệp diễn xuất hay chứ ít ai biết rằng ông ấy còn rất có duyên với viết kịch bản. Ông ấy từng viết cho chúng tôi kịch bản Tết Văn Lang - Cả làng nói phét (hài tết 2012) và kịch bản Ông Bành Tổ - Cụ Tổ hiển linh (hài tết 2013). Tôi còn nhớ năm trước, một lần Văn Hiệp rủ tôi đi xem bộ phim ông ấy đóng trong Nam.
Tôi đi đến gần lăng Bác thì nhận được điện thoại thông báo là ông ấy bị tai nạn giao thông. Tôi đến ngay bệnh viện thì được biết Văn Hiệp bị gãy xương quai xanh. Trong những ngày nằm viện, ông ấy có viết một kịch bản về cái chết của mình.
Văn Hiệp tưởng tượng ra việc mình chết xuống dưới âm phủ nhưng Nam Tào, Bắc Đẩu không cho ông ấy nhập tịch dưới đấy nên ông ấy phải sống lại. Kịch bản này chúng tôi sẽ đưa vào sản xuất trong thời gian gần đây.
Ngày trước, chúng tôi làm chương trình hài Cười từ nhà ra phố, Văn Hiệp có viết một kịch bản tên là Đi tắt đón đầu. Ông ấy đóng vai chính trong tiểu phẩm kể về cuộc đời của mình. Đây là một tiểu phẩm đặc biệt khi chưa từng có ai dám viết về nạn chạy quan, chạy chức, mua danh hiệu. Còn những người nghệ sĩ của nhân dân lại phải chịu nhiều thiệt thòi. Ông ấy là người đầu tiên dám làm một vấn đề nhạy cảm như thế để phát lên sóng truyền hình quốc gia cho hàng triệu người xem.
Sau này, Văn Hiệp ốm và đi bệnh viện nhiều nhưng không ai biết ông ấy bị bệnh gì. Chẳng bao giờ ông ấy nói cho người khác biết vì không muốn người khác phải lo lắng về mình. Tới khi ông ấy mất, tôi mới biết Văn Hiệp mang trong mình căn bệnh ung thư phổi khá lâu rồi.
Văn Hiệp không có danh hiệu gì nhưng rất được nhân dân yêu mến. Ông ấy có một tình yêu nghệ thuật vô cùng trong sáng. Tôi chưa thấy ai nhiệt tình trong công việc như ông ấy. Ngoài việc đi làm, tôi còn đi chơi với Văn Hiệp rất nhiều. Đi đâu ông ấy cũng được nhân dân yêu mến. Đó mới là điều đáng quý nhất.
Tôi nhận được không biết bao nhiêu tin nhắn, cuộc gọi của những người dân mọi miền quê hỏi về sự ra đi Văn Hiệp. Nhiều nơi người dân còn hỏi về việc đưa tang ông ấy thế nào để kéo cả làng đến tiễn đưa người nghệ sĩ mà họ yêu quý về nơi chín suối. Tôi thấy được như thế thì dễ có mấy ai”.
NSƯT Xuân Hinh: "Văn Hiệp rất lạc quan, vô tư và yêu đời"
Cả Văn Hiệp và Xuân Hinh đều không được các danh hiệu "yêu quý" cho lắm. Cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho khán giả nhưng sự tôn vinh mà họ nhận được quá ít. Tuy vậy, người bình dân thì yêu quý họ vô cùng.
|
NSƯT Xuân Hinh. |
Trước sự ra đi của đàn anh, NSƯT Xuân Hinh chia sẻ: “Cách đây hơn một tháng, tình cờ, 2 anh em cùng ghé vào một quán bún ốc. Đó là lần cuối cùng tôi được gặp anh. Cùng ngồi ăn thì được anh cho biết là đang vào bệnh viện để khám bệnh định kỳ. Thấy anh ho húng hắng, tôi cứ nghĩ anh chỉ ốm vặt thôi vì nhiều năm nay Văn Hiệp cứ ốm liên miên. Nghe anh cười khà khà, tôi không hề biết Văn Hiệp lại mang trong mình trọng bệnh.
Một lần, tôi cùng anh sang Ukraine diễn chung vở Sếp rởm, kịch bản của nhà văn Hữu Ước. Trước đấy, tôi cũng có biết về chuyện buồn của vợ chồng anh nhưng khi tiếp xúc, tôi thấy hiếm có ai lạc quan, vô tư và yêu đời như Văn Hiệp. Anh ân cần, chân thành trong cách ứng xử với anh em đồng nghiệp. Tôi coi Văn Hiệp như một người anh trai trong gia đình của mình. Tôi không ngờ anh lại ra đi nhanh thế!”.
Để lại cho đời hơn 1.000 vai diễnNghệ sĩ Văn Hiệp sinh năm 1942, quê gốc Hà Nội, tốt nghiệp khóa đầu tiên Đại học Sân khấu - điện ảnh. Ông thường “đóng đinh” với những dạng vai nông dân chất phác, hiền lành, thật thà và tốt bụng...
Trong sự nghiệp 40 năm làm diễn viên của mình, ông tham gia tới 1.000 tác phẩm sân khấu và điện ảnh. Ngoài những vở diễn đã từng gắn với tên tuổi của ông như: Nila, Đôi mắt, Hoa pháo, Nghêu sò ốc hến…, ông còn được công chúng yêu thích qua nhân vật "bác trưởng thôn" trong sê-ri hài Gặp nhau cuối tuần. Vì mang trọng bệnh, nghệ sĩ Văn Hiệp đã qua đời tại nhà riêng vào hồi 6 giờ ngày 9/4/2013.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.