Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Quang Vinh thẳng thắn chỉ ra hàng loạt bất cập tại Liên hoan ca múa nhạc
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Quang Vinh chỉ ra hàng loạt hạn chế tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2024
Tuệ Lâm
Thứ tư, ngày 16/10/2024 12:05 PM (GMT+7)
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Quang Vinh đã có nhiều phát biểu tâm huyết và thẳng thắn tại Lễ Bế mạc và trao giải Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc – 2024 (đợt 2) vừa chính thức khép lại tại Bình Dương vào tối 15/10.
Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc – 2024 (đợt 2) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Dương tổ chức từ ngày 29/9 đến ngày 15/10 tại Bình Dương với sự tham gia của 24 đơn vị nghệ thuật.
Phát biểu tại lễ bế mạc và trao giải, Thứ trưởng VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc là hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp với tinh thần kế thừa và phát huy cũng như tôn vinh, quảng bá các giá trị đặc sắc, độc đáo của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam và tinh hoa nghệ thuật biểu diễn của thế giới, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, tại liên hoan lần này, các nghệ sĩ, diễn viên hoạt động lĩnh vực nghệ thuật ca, múa, nhạc đã thể hiện được tài năng cũng như khát khao sáng tạo, cống hiến, đồng thời được giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp. Các tiết mục ca, múa, nhạc đem đến liên hoan, không chỉ thể hiện tinh hoa của âm nhạc và nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam cũng như của thế giới, mà còn bao hàm trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách cũng như các đơn vị nghệ thuật cần tiếp tục quan tâm, đầu tư kỹ lưỡng cả về con người và vật chất cho các phần thi; có chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ, tài năng làm lực lượng kế cận sau này.
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Quang Vinh chỉ ra nhiều bất cập tại Liên hoan
Về mặt chuyên môn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Liên hoan chia sẻ: "15 ngày tham gia chấm giải là một quãng thời gian đủ dài để cảm nhận và chứng kiến những nụ cười, những giọt mồ hôi trên gương mặt của các nghệ sĩ thông qua trên 200 tiết mục nghệ thuật ở các thể loại ca, múa, nhạc, thanh xướng kịch, nhạc kịch, nhạc vũ kịch... đến từ 24 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc.
Trong Liên hoan, có nhiều chương trình mang đậm bản sắc của địa phương thông qua màn biểu diễn chân phương, mộc mạc… thậm chí, giữ nguyên hình thức, giữ nguyên cổ bản, làn điệu truyền thống đã có từ xa xưa...
Nhiều chương trình được đầu tư xây dựng công phu với kịch bản bám sát chủ đề, bố cục chặt chẽ đủ các thể loại, biết kết hợp tương tác trang trí mỹ thuật, đạo cụ, hình ảnh, công nghệ; khai thác kết hợp phát triển giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, giữa các hình thái sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng với lối trình diễn của sân khấu dương đại, tạo điều kiện để các nghệ sĩ thăng hoa, tỏa sáng ở từng vai diễn. Đặc biệt là chương trình ở thể loại thanh xướng kịch, nhạc kịch, nhạc vũ kịch".
Tuy nhiên, theo Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Quang Vinh, qua Liên hoan, có thể nhận thấy một số nghệ sĩ sáng tạo xuất hiện ở nhiều chương trình, nhiều tiết mục ở các đơn vị nghệ thuật khác nhau, nên không tránh khỏi sự trùng lặp trong khi sử dụng các thủ pháp nghệ thuật…
"Việc sử dụng quá nhiều cộng tác viên và lực lượng sáng tạo khác ngoài đơn vị, ngoài địa phương để xây dựng chương trình và chương trình lại có hiệu quả thì vô hình chung những người làm nghệ thuật đang tạo ra ý thức và cách nhìn cho công tác quản lý nhà nước về văn hoá nghệ thuật rằng: "Sản phẩm nghệ thuật có lẽ nên sử dụng dịch vụ cung cấp của xã hội cả về nguồn nhân lực lẫn công tác sáng tạo hơn là phải duy trì một đơn vị nghệ thuật tại địa phương mình. Và sản phẩm nghệ thuật có lẽ chọn mua theo nhu cầu hơn là phải "trồng" và "nuôi tại nhà".
Các tiết mục trong Liên hoan nghệ thuật. Ảnh: BTC
Bên cạnh đó, Liên hoan nghệ thuật ở bất cứ loại hình nào cũng luôn được coi là dịp để các nhà quản lý nghệ thuật, các nhà sáng tạo và các nghệ sĩ gặp gỡ trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Và từ sự ngắm nhìn, động viên cổ vũ lẫn nhau sẽ giúp cho lãnh đạo các đơn vị nhận thấy điểm yếu và điểm mạnh của mình đang ở đâu.
Từ đó, đưa ra những lựa chọn về hướng đi cùng các biện pháp phù hợp để dẫn dắt đơn vị mình ngày một phát triển. Nhưng thực tế, do nhiều hoàn cảnh khác nhau nên hầu hết các đơn vị đều hối hả đến trước ngày tham gia của đơn vị mình rồi lại vội vã rút quân về ngay mà không kịp chia sẻ hay học hỏi.
Các cá nhân và đơn vị nghệ thuật nhận Huy chương tại Lễ Bế mạc và trao giải. Ảnh: BTC
Thêm nữa, Liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn do Bộ VHTTDL tổ chức đều tập trung hầu hết các đoàn nghệ thuật ở các địa phương trên toàn quốc, mỗi địa phương có một đặc thù, tính chất văn hoá, cơ cấu, bản sắc nghệ thuật khác nhau, vì vậy áp dụng tỷ lệ giải thưởng không vượt quá 35% trên tổng số tiết mục tham gia là chưa phù hợp. Nên tổ chức các Liên hoan hay cuộc thi cho các loại hình nghệ thuật khác nhau theo đó chia các bảng dành riêng cho các đơn vị có cùng thể loại, cùng tính chất", Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Quang Vinh đặt vấn đề.
Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức trao 3 Huy chương vàng, 6 Huy chương bạc cho các chương trình nghệ thuật. Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân với chương trình "Mệnh lệnh từ trái tim", Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang với chương trình "Hà Giang – Miền đá gọi", Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương với chương trình "Tiếng gọi mạch nguồn" giành Huy chương vàng.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 32 Huy chương vàng, 66 Huy chương bạc cho các tiết mục, diễn viên và 5 giải Xuất sắc cho các thành phần sáng tạo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.