Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Huyền tên thật là Trương Thị Thanh Huyền, sinh năm 1942 tại Hà Nội. Ông nội bà là chủ rạp hát trên đường Kim Mã, mẹ bà là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời. Ngay từ nhỏ, bà đã sớm bộc lộ khả năng ca hát thiên bẩm, được cha dẫn đi học ký xướng âm, thanh nhạc.
Năm 1954, sau khi Thủ đô được giải phóng, bà tham gia Đội thiếu nhi thành phố Ấu Trĩ Viên (nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội). Năm 1963, bà tốt nghiệp khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), thuộc thế hệ học sinh thứ 2. Sau đó, nghệ sĩ Thanh Huyền về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tới lúc nghỉ lưu.
Năm 1957, khi bà được chọn hát cho Bác Hồ nghe nhân dịp Bác đến dự Tết Trung thu tại Ấu Trĩ Viên và được Bác khen ngợi. Những năm sau này, NSND Thanh Huyền nhiều lần được hát cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe trong các sự kiện quan trọng.
NSND Thanh Huyền đã cùng đoàn ca múa nhạc đi lưu diễn nhiều nơi, vào tận các chiến trường Nghệ An, Hà Tĩnh trong những năm chiến tranh. Bà cũng từng biểu diễn tại Pháp, Algeria, Italia năm 1969 để quảng bá văn hóa, khẳng định vị thế của Việt Nam, phục vụ Hội nghị Paris lịch sử. Bà là một trong những giọng ca sáng nhất của nhạc cách mạng trong suốt những năm 1960-1970 với giọng hát kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân ca và kỹ thuật thanh nhạc cổ điển. Tốp ca nữ của NSND Thanh Huyền ở Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương được nhà báo Nguyễn Hữu Chỉnh đặt tên là: "Tên lửa tầm xa", do luôn được đi lưu diễn ở nước ngoài để phục vụ công tác ngoại giao của đất nước.
Các ca khúc do bà thể hiện được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và đi sâu vào ký ức nhiều thế hệ: Bèo dạt mây trôi, Xe chỉ luồn kim, Người ở đừng về (Dân ca quan họ), Gửi anh một khúc dân ca (Dân Huyền), Lời ca dâng Bác (Trọng Loan), Khi thành phố lên đèn, Rặng trâm bầu (Thái Cơ), Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý)...
NSND Thanh Huyền còn được coi là người đưa dân ca quan họ lên tới đỉnh cao mới khi sử dụng những kỹ thuật thanh nhạc cổ điển kết hợp với những tiêu chí truyền thống như vang, rền, nền, nảy, tạo thành các tác phẩm vừa sang trọng, vừa giàu cảm xúc, gần gũi với quần chúng.
Nghệ sĩ Thanh Huyền đã đoạt 3 huy chương Vàng trong các kỳ Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Bà đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng III, Huân chương Lao động hạng II. Năm 1984, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu tiên, trở thành ca sĩ đầu tiên vinh dự được nhận danh hiệu này.
Ca khúc "Mẹ yêu con" (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác) do NSND Thanh Huyền thể hiện. (Clip: Bửu Đặng)
Chồng NSND Thanh Huyền là NSND Thanh An - đạo diễn của nhiều bộ phim tài liệu nổi tiếng như: Ngọn đèn cửa biển, Những bài ca từ chiến hào, Bài học về một con người... Nhắc đến ông, bà từng khẳng định cuộc đời mình may mắn vì lấy được người chồng tốt. Những năm tháng mới kết hôn, cặp vợ chồng nghệ sĩ nghèo tới nỗi không có xe đạp để đi. Tuy cuộc sống khó khăn, NSND Thanh An thường tìm thức ăn để tẩm bổ, chăm sóc vợ.
Sau khi NSND Thanh An qua đời, NSND Thanh Huyền sống bình lặng, khép kín. Dù từng nhận được nhiều lời mời biểu diễn hoặc tham gia giảng dạy, bà đều từ chối. Nữ nghệ sĩ cho rằng mỗi người đều có thời của mình, cần biết rút lui đúng lúc để giữ cho trọn vẹn hình ảnh đẹp của mình trong ký ức khán giả.
Trong một cuộc trò chuyện, bà tâm sự hàng tháng mình vẫn có tiền lương hưu kèm theo tiền trợ cấp của nhà nước dành cho Nghệ sĩ Nhân dân, cũng bởi vậy nên cuộc sống đầy đủ, không dư dả nhưng không khó khăn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.