Nghệ sĩ Nhân dân từng làm giám đốc 3 nhiệm kỳ, trên người đầy vết sẹo của mảnh thủy tinh

Yến Thanh Thứ bảy, ngày 17/08/2024 14:17 PM (GMT+7)
"Trên người tôi có rất nhiều vết sẹo bởi khi tập luyện, không ít lần cốc thủy tinh bị vỡ" - Nghệ sĩ Nhân dân Tâm Chính chia sẻ với PV Dân Việt.
Bình luận 0

Từ cô gái nhà nông tới nghệ sĩ vang danh quốc tế

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tâm Chính sinh năm 1945 trong một gia đình thuần nông tại Thọ Xuân, Thanh Hóa. Trò chuyện với PV Dân Việt, bà cho biết: "Tuổi thơ, tôi được học cấy hái, chăn lợn bò trước khi học chữ. Lớn lên, tôi đến lớp buổi tối học bổ túc để ban ngày còn giúp cha mẹ việc đồng áng, việc nhà. Khi ấy, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tới việc mình sẽ trở thành một nghệ sĩ".

Một ngày nọ, Đoàn xiếc Trung ương (ban đầu gọi là Đoàn xiếc Tạ Duy Hiển) về thị xã Thanh Hóa biểu diễn. Cùng bạn bè, Tâm Chính đạp xe 60km ra thị xã xem chương trình, rồi ngay lập tức bị cuốn theo từng tiết mục. Biết tin đoàn đang tuyển diễn viên, bà đăng ký và trúng tuyển, trở thành học viên khóa 1 của đoàn. Lúc đầu, mẹ Tâm Chính không cho con gái đi học bởi lo ngại cho tương lai. Tuy nhiên, sau khi biết đây là đơn vị của Nhà nước, bà yên tâm cho Tâm Chính xa gia đình, về Hà Nội.

Nghệ sĩ Nhân dân từng làm giám đốc ba nhiệm kỳ, trên người đầy vết sẹo của mảnh thủy tinh vì "say nghề" - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Nhân dân Tâm Chính và tiết mục "Cô hàng giải khát" nổi danh một thời. (Ảnh: FBNV)

"Tôi vào đoàn xiếc năm 1961, khi đó cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, chương trình cũng không hề phong phú. Trong lớp học chỉ có khoảng 1/3 là nữ, đa phần còn lại là các bạn nam. Chúng tôi đều chưa biết rồi mình sẽ làm gì trên sân khấu" - bà tâm sự. 

Tiết mục tạo nên tên tuổi của NSND Tâm Chính là Cô hàng giải khát. Không chỉ chinh phục nhiều thế hệ khán giả trong nước, màn trình diễn này còn từng giành giải Nhất trong Liên hoan xiếc Quốc tế tại Mông Cổ năm 1969, được tặng Huân chương Sao đỏ hữu nghị Mông Cổ. Sau đó, bà cùng đoàn nhận hàng loạt lời mời biểu diễn ở Trung Quốc, Triều Tiên, Tiệp Khắc, Ba Lan, Bungari... "Khán giả các nước rất ngạc nhiên khi Việt Nam cũng có những cô gái xinh xắn, hiện đại với kỹ năng xiếc thuần thục như vậy. Tôi vẫn nhớ khi tôi biểu diễn trên đồi Lê-Nin (Nga), có khán giả còn làm thơ tặng. Khi diễn xong, rất nhiều người chờ đợi để xin chữ ký. Sự ái mộ của họ khiến tôi vô cùng hạnh phúc, bởi cảm giác mình đã mang được "màu cờ sắc áo" của Tổ quốc ra thế giới".

Nói về ý tưởng của tiết mục Cô hàng giải khát, NSND Tâm Chính kể lại: "Đây là màn trình diễn được tôi kế thừa, sáng tạo từ tiết mục Thăng bằng trên con lăn của nghệ sĩ Hoa Vinh - cô giáo của tôi. Thuở ấy, cô Hoa Vinh thường làm bấp bênh, xếp chồng 3,4 chiếc ghế lên nhau rồi chồng thêm một người nữa đứng trên người. Khi rời sân khấu, cô nói "để cô truyền lại cho cháu". Ban đầu, tôi cũng làm hệt như cô, nhưng sau đó nghĩ mình cứ biểu diễn y như thế mãi thì không ổn. Cũng bởi vậy, tôi thay 4 chân ghế là 4 cốc thủy tinh, mặt ghế thành cái khay, con lăn tròn biến thành chai to, đặt tên tiết mục là Cô hàng giải khát. Cách ăn mặc của tôi cũng thay đổi để phù hợp với màn biểu diễn, tạo sự thú vị cho khán giả".

Khi bắt đầu kỹ thuật đi thăng bằng trên con lăn rồi tiếp tục chồng thêm những hàng ly thuỷ tinh lên, NSND Tâm Chính bị ngã liên tục. Có những hôm tập với tiết mục này, trượt chân - ly vỡ, bà bị lao vào đống đổ vỡ và úp mặt xuống sàn: "Trên người tôi có rất nhiều vết sẹo do mảnh cốc thuỷ tinh vỡ, đó là điều không tránh khỏi đối với một nghệ sĩ xiếc". 

Nghệ sĩ Nhân dân từng làm giám đốc ba nhiệm kỳ, trên người đầy vết sẹo của mảnh thủy tinh vì "say nghề" - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Nhân dân Tâm Chính vẫn dành nhiều tâm huyết cho xiếc ở tuổi U80. (Ảnh: FBNV)

Nữ giám đốc đầu tiên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam 

Nghệ sĩ Tâm Chính được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 1988. Năm 1997, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Bà cũng là nữ nghệ sĩ xiếc duy nhất nhận được danh hiệu nghệ sĩ nhân dân từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, bà cũng là giám đốc nữ đầu tiên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam từ năm 1987 đến 2004. Nói về việc làm giám đốc 3 nhiệm kỳ liên tục, NSND Tâm Chính chia sẻ: "Tôi may mắn từ diễn viên làm tới vị trí đội trưởng, rồi đoàn trưởng, từng lưu diễn ở các tỉnh vùng xâu vùng xa, nơi chiến trường tiền tuyến. Ở đâu, tôi cũng luôn làm nghề với tất cả đam mê, coi xiếc như máu thịt của mình.

Thời điểm được giới thiệu làm Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, tôi có lên gặp trực tiếp Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trần Văn Phác. Tôi nói: "Nếu các anh muốn bồi dưỡng, trước hết em xin làm phó đã, nếu không em sợ không thể biết việc để làm". Bộ trưởng bảo: "Thôi cô cứ cố gắng, chúng tôi đã thống nhất và các đồng chí trong Liên đoàn cũng rất ủng hộ. Trước hết, cô sẽ đảm nhận vị trí quyền giám đốc". Thấy mọi người yêu quý, tín nhiệm mình, tôi càng nỗ lực".

Khi NSND Tâm Chính mới lên quản lý Liên đoàn, các nghệ sĩ xiếc vẫn biểu diễn trong nhà bạt rách nát ngay tại công viên Thống Nhất, điều này khiến bà vô cùng trăn trở, nung nấu. "Bên cạnh công việc chuyên môn, tôi có tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trong một cuộc họp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới dự, bác hỏi chúng tôi: "Các cháu có ý kiến gì?". Tôi mạo muội giơ tay phát biểu: "Cháu chỉ mong muốn các nghệ sĩ có rạp để phục vụ khách trong nước cũng như khách quốc tế. Đây là một bộ môn dễ xem, không phải dùng lời nói cũng có thể chinh phục khán giả. Thế nhưng, hiện tại người xem đôi khi phải đội nón vì trời mưa, cơ sở vật chất không đảm bảo". Ý kiến của bà đã góp phần vào sự hình thành của Rạp xiếc Trung ương sau đó.

Không chỉ thành công trong sự nghiệp, NSND Tâm Chính còn toàn vẹn trong hạnh phúc riêng. Bà có mối tình đẹp với nghệ sĩ Lê Thể - người Thái gốc Việt. Cả hai bên nhau ngay từ những ngày đầu đến với nghề, sau đó cùng chia ngọt sẻ bùi trong sự nghiệp. Năm 1987, khi nghệ sĩ Tâm Chính lên chức Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam, chồng bà đã quyết định lùi về để chăm lo gia đình, giúp vợ có thời gian theo đuổi đam mê. Cả gia đình bà từ con trai, con dâu, con gái, con rể đều là diễn viên xiếc nổi tiếng. "Tôi may mắn có được người chồng chia sẻ, thấu hiểu không chỉ trong công việc mà còn cả việc nuôi dạy con cái, chăm lo gia đình. Đối với tôi, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất".

Hiện nay, ở tuổi U80, bà vẫn là Chủ tịch Liên chi hội xiếc Việt Nam, dành nhiều tâm huyết cho môn nghệ thuật đặc biệt này: "Lĩnh vực này khó nhọc, vất vả hơn những ngành nghề khác. Những người theo đuổi phải thực sự đam mê, bởi nếu không thì không thể vượt qua khó khăn, vất vả. Tôi cũng mong Nhà nước sẽ có thêm những chính sách tốt cho nghệ sĩ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem